Bệnh sĩ chả chịu chết
Đổi tên xã Cà Hạ thành Hùng Tâm do quân sư quạt mo Văn Sửu tư vấn, ông chủ tịch xã Toàn Nha dẫn đầu đội quân lông gà lông vịt lao thẳng vào bi hài kịch háo danh. Anh nghĩ sao về bệnh sĩ nói chung?
Bi kịch của con người ta là sĩ mà không biết. Chính vì bi kịch một cách hồn nhiên thế nên bệnh sĩ tồn tại mãi mãi! Ai cũng có thể có một chút. Có thể bạn đang ngồi đây hỏi, tôi đang trả lời là đang sĩ mà mình không biết. Thế mới ác chứ. Nhưng sĩ tới mức như ông Toàn Nha, Văn Sửu và cả xã Hùng Tâm thì lại lố lăng, kệch cỡm.
Ai cũng muốn được khen, được ca ngợi. Ở đâu đó trong xã hội mình người ta thích tâng bốc, thích được khen, lấy một vài tiêu chí nó rất gần với bệnh thành tích. Nhưng bên cạnh đó cũng phải thấy niềm tự hào về con cái, về đơn vị do mình quản lí có thành tích thật- là nhu cầu có thật, khát vọng đáng trân trọng. Nhưng biến nó thành căn bệnh mù quáng tới mức cái gì cũng phải có thành tích thì lại dở hơi.
Đừng phủ nhận nỗ lực trong lao động, học tập. Nhưng làm việc chỉ để được tôn vinh mà thôi thì lại khác.
Nhân vật chính Toàn Nha là sản phẩm của nhận thức ngây ngô, còn trợ lý của ông - Văn Sửu thì sao?
Kịch bản Lưu Quang Vũ nhiều câu hay. “Mày đừng tưởng học đại học mày về dạy tao, tao tuy văn hóa lớp bốn nhưng tao lãnh đạo cả xã”. Câu đó được lắp vào miệng Toàn Nha, người tin tưởng rằng việc mình lãnh đạo toàn xã vượt lên trên cả những học thức cần thiết dù là đơn giản nhất.
Toàn Nha cố gắng chứng tỏ mình đi đầu, trong ngôn ngữ đã thấy sự yêu mình. Chưa làm được quả pháo nào đã muốn “đè bẹp” pháo Đồng Kỵ, lấn át pháo Bình Đà. Bản chất là người chân thành, chất phác nhưng từ khát khao chứng tỏ mình, ông mắc phải bi kịch - bệnh sĩ. Và trót đâm lao phải theo lao, đưa đến bi kịch khác- dối trá.
“Vai diễn của Xuân Bắc đậm chất hài, có khả năng dẫn dắt câu chuyện, tải thông điệp, tư tưởng vở diễn. Xuân Bắc là lựa chọn số một, tôi dùng Xuân Bắc như một vũ khí để chuyển tải thông điệp vở diễn, bên cạnh nhiệm vụ thư giãn cho khán giả”.
Đạo diễn, NSƯT Tuấn Hải
Văn Sửu nếu kỹ càng ra có thể thấy anh ta không tính toán vụ lợi để đẩy người khác vào bi kịch. Anh ta là người hoặc vô tình, hoặc cố ý đẩy bi kịch đó đi xa hơn. Chúng ta thừa thấy ở đây không có chức phó chủ tịch mà chỉ có một ông trợ lí, được ông chủ tịch ca ngợi là người có chữ - lực lượng kế cận. Tất cả những điều anh ta làm, một là lấy lòng lãnh đạo, hai nếu nó thành công thì anh ta hưởng thụ thành quả đó. Nhưng cuộc sống không đơn giản. Thực ra trong vở này không ai xấu. Toàn Nha, Văn Sửu không xấu nhưng nổi cộm nhất là bi kịch về nhận thức.
Có thể có người cho rằng câu chuyện về cái làng làm pháo, mắc bệnh sĩ hão chỉ ghê gớm mấy chục năm trước còn bây giờ lạc hậu rồi, chẳng đáng kể?
Nó rất đáng kể. Chuyện ngày xưa dẫn dắt đến chuyện bây giờ. Chuyện hôm qua hôm nay sẽ có kết quả. Chuyện hôm nay sẽ có kết quả ngày mai. Không đơn thuần là câu chuyện xây dựng, đổi mới của ông chủ tịch xã Toàn Nha, mà là cả câu chuyện về nhận thức - của ai thì người đó tự biết, hoặc không biết thì lại thành Toàn Nha! Cho nên một trăm năm nữa vở diễn này vẫn có ý nghĩa, vì khát vọng được khen, khát vọng có thành tích của con người vẫn mãnh liệt.
Một trong số cảnh gây cười nhất là khi anh mở lớp cấp tốc đào tạo mấy cô buôn lông gà lông vịt “Rao làm sao cho người ta không có lông bán cho mình, người đó thấy có lỗi. Rao làm sao cho giữa buổi trưa nắng, hai bố con nọ bưng bát cơm lên ăn, bỏ bát cơm xuống ra úp vịt vặt lông bán cho mình”. Nhưng cảnh lặp lại sau đó, vào một số cảnh khác nữa, anh không thấy bỏ đi cũng không sao à?
Tôi đã xem vở balet Công chúa ngủ trong rừng ở nhà hát Mátxcova năm trước, dài bốn tiếng. Ai xem xong đều có thể thấy hoàn toàn cắt đi một tiếng được. Tôi tìm hiểu vở này, từ hàng chục năm nay đều có ý kiến nên cắt. Nhưng đạo diễn giải thích ngay từ khi ra đời rằng mọi người có quyền xem nội dung của vở, và một tiếng đấy là thời gian tôi dành để khoe tài năng các diễn viên của chúng tôi. Đó là mục đích, nó không nằm ngoài vở diễn.
Diễn như hơi thở
Anh thấy sao khi khán giả cho rằng anh đã vực dậy cả vở diễn của Lưu Quang Vũ?
Ồ, nói thế không được đâu. Một tác phẩm thành công là của nhiều người.
Nhân vật của anh thỉnh thoảng lại chỉ vào mình hoặc vào người khác, bảo “chính!” Có nghĩa là chính thế đấy. Chỉ một chữ mà lần nào cũng gây cười, và là sự phóng tác so với kịch bản gốc. Đồng thời gợi liên tưởng câu cửa miệng “có nhẽ đâu thế” của Cả Ngố - nhân vật khác của anh. Anh còn nhiều mẹo mực khác nữa...
Từ “chính” (chính thế, chính nó) để riêng thì vô nghĩa. Nhưng khi nó trở thành khẩu ngữ của nhân vật thì sinh động. Đó là cách tôi đắp cho nhân vật thêm sức sống, sử dụng hợp lí và ngon lành thì nó hiệu quả. Cả Ngố cũng thế. Vai diễn phải có sức sống. Mà sức sống phải nhẹ nhàng như hơi thở thì mới dễ được chấp nhận. Cứ gồng lên thì lại khó.
Vai Nam Tào trong Táo quân của anh vẫn khá duyên, trong khi Tự Long và một số bạn diễn có dấu hiệu nhàm. Các anh thừa nhận sức sáng tạo đã cạn dù mới độ tuổi 40. Anh nói thật hay là phút tự ái?
Cạn kiệt chứ. Sức sáng tạo của con người là vô hạn, nhưng của cá nhân thì hữu hạn. Nhịp độ cuộc sống nhanh, mạnh, mọi người có thể thấy tôi xuất hiện ở nhiều nơi, chương trình nào tôi cũng muốn làm cho thật nét, căng cằng cằng, đương nhiên nó giống cái kho, cho vào ít lấy ra thì nhiều.
Cách đây 10 năm, cứ hai ngày tôi làm xong một tiểu phẩm hay. Giờ hai tháng cũng chả làm được. Mọi người nên chia sẻ với nghệ sĩ. Tất nhiên đòi hỏi của khán giả là vô cùng nhưng sức sáng tạo, sức diễn và sức khỏe của nghệ sĩ lại giới hạn. Như đêm diễn Bệnh sĩ này chẳng hạn, tôi vừa diễn nước mũi vừa rơi xuống sàn. Nếu không phải bạn, mọi người hầu như không nhận ra, vì tôi phải đốt cháy mình.
Làm mới kịch Lưu Quang Vũ thế nào?
Đạo diễn Tuấn Hải nói, anh và ê kíp đặt lên bàn cân cắt, chỉnh sửa rất nhiều khi cho vở Bệnh sĩ sống dậy sau 30 năm. Từ một vở diễn dài 3 tiếng, xuống còn 1 tiếng 55 phút.
“Chúng tôi tập trung vào màn Xuân Bắc (Văn Sửu) với năm cô buôn lông gà lông vịt - biến thành lớp kịch để thư giãn. Cảnh này nói đến tính sĩ diện, rởm đời đến tận cùng. Tư tưởng lạc hậu như Toàn Nha, Văn Sửu: Bắt các cô gái gắn lông vịt lên đầu, pháo đeo quanh người như chiến sĩ cảm tử lao vào đồn địch, rồi thì buôn lông vịt cũng có logo. Tất cả những cái đó vừa hình thức, lòe loạt, tô đậm cho bệnh hết sức kệch cỡm, lố bịch.
Bên cạnh đó là những hò vè, thơ Bút tre như: “Này lợn, này pháo, này lông/Vịt là thế mạnh tấn công từng nhà”. Những dạng thơ, ngôn ngữ hiện đại rải rác ở các cảnh để Xuân Bắc cù khán giả một cách duyên dáng”.