Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đã ký phê duyệt chương trình xử lý các dự án tồn đọng, với mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ xử lý cơ bản xong những vấn đề tồn tại lớn của 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành công thương. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ giải quyết tồn đọng của tất cả dự án đồng thời, có những biện pháp, giải pháp để ngăn chặn việc hình thành hoặc xuất hiện những dự án mới trong tương lai.
Theo ông Trần Tuấn Anh, trong số ba dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh gồm dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex Đình Vũ), hai nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol Quảng Ngãi và Ethanol Bình Phước, hiện đã có một dự án vận hành sản xuất trở lại.
Cũng theo Bộ trưởng Công Thương, dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester của Đình Vũ là một dự án rất đau đầu, đã phải xem xét đến trách nhiệm hình sự trong vụ án của những cá nhân liên quan. Đến nay doanh nghiệp đã ký hợp đồng để bao tiêu sản phẩm của nhà máy với các đối tác nước ngoài và đã đưa nhà máy vận hành trở lại hoạt động. Từ nay đến cuối năm sẽ từng bước đưa cả ba dây chuyền đi vào hoạt động. Như vậy, sẽ bù được biến phí và hoạt động có hiệu quả.
“Sẽ xem xét để tiếp tục thực hiện các biện pháp thoái vốn Nhà nước ra khỏi dự án này khi hoạt động kinh doanh bắt đầu có hiệu quả”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết, về cơ bản cả 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành công thương đều đã có các cơ quan chức năng, bao gồm từ Bộ Công an, các cơ quan điều tra cảnh sát kinh tế cũng như các cơ quan kiểm toán, thanh tra Chính phủ, thanh tra của Bộ Tài chính, thanh tra của Bộ Công Thương lần lượt tiến hành các hoạt động về điều tra, kiểm toán, thanh tra và kiểm tra tất cả các dự án.
Đến nay, cơ quan chức năng cơ bản bước đầu đã chỉ ra rõ những sai phạm của các cá nhân và tổ chức ở mức độ khác nhau và đang tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự và có dấu hiệu cố ý làm trái đã có những xử lý bước đầu với một số cá nhân, tổ chức.
Quan điểm của Ban Chỉ đạo là thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định pháp luật để hiệu lực pháp lý một mặt được đảm bảo đối với những sai phạm này nhưng mặt khác là đảm bảo xử đúng người đúng tội cũng như rút ra bài học kinh nghiệm để sau này về thể chế, pháp lý sẽ được kiện toàn hoàn thiện đảm bảo không có sai phạm tương tự xảy ra trong các lĩnh vực ngành công thương cũng như các ngành kinh tế khác.