> SV sư phạm bị từ chối tuyển dụng
> Nhiều trường có nguy cơ ‘đóng cửa’
> Nhiều trường không có người học
Mặc dù tỷ lệ nhập học chung đạt cao, nhưng nhiều ngành thuộc ĐH Huế đang bị xem xét ngưng đào tạo, do có rất ít thí sinh theo học. Hàng chục thí sinh trúng tuyển vào ngành đăng ký dự thi, nhưng do nhà trường không tổ chức được lớp, phải chuyển sang ngành đào tạo tương đương theo nguyện vọng, với mức điểm chuẩn bằng nhau.
Hiện hai ngành tạm ngưng đào tạo trong năm nay là Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp, Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp. Hơn 10 thí sinh trúng tuyển hai ngành trên đành phải chuyển sang ngành học khác.
Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị cũng ở vào hoàn cảnh tương tự, khi ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường được giao 50 chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng chỉ có 2 sinh viên đăng ký theo học; ngành Kỹ thuật điện, với 50 chỉ tiêu, cũng chỉ có 3 sinh viên đăng ký; ngành Kỹ thuật Bản đồ chỉ đạt 3/50 chỉ tiêu.
Ngành Hán - Nôm (Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế) chỉ đạt 5/30 chỉ tiêu. Trường ĐH Nông lâm - ĐH Huế cũng xem xét khả năng đóng cửa các ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Lâm nghiệp, Trồng trọt, Thủy sản… Vào tháng 12, ĐH Huế sẽ tổ chức họp để xem xét, sắp xếp, điều chỉnh lại một số ngành đào tạo, nhằm bảo đảm phù hợp nhu cầu thực tế của người học.
Tại Trường ĐH Dân lập Phú Xuân (Huế), sau nhiều năm hoạt động, chưa bao giờ cơ sở đào tạo ngoài công lập này lại rơi vào tình trạng khó khăn về tuyển sinh như hiện nay.
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 của trường là 800 sinh viên, đến ngày 30-11, cơ sở đào tạo này chỉ tuyển được khoảng 450 chỉ tiêu.
Nhiều ngành như Pháp văn, Trung văn, Điện tử không có sinh viên theo học. Trường ĐH Dân lập Phú Xuân đã cho tạm ngưng đào tạo ngành Pháp văn.
Để duy trì hoạt động và thu hút người học, nhà trường mở mới thêm nhiều ngành đào tạo cao đẳng; tổ chức đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học.