Cho nên trong vài màn đầu, bất kể các tác giả ra sức khơi mở bối cảnh một làng quê, hoàn cảnh cô gái là con một ông giám sinh, nôm na là ông đồ làng, phải vay tiền tên nhà giàu để cho một chàng học trò yêu của ông đi thi… thì chỉ xem đến thế người ta đã đoán được rằng cô gái này, không phải ai khác, sẽ phải làm… thần giữ của.
Ở khía cạnh thủ thuật văn chương, tên tác phẩm đã tiết lộ hết cả rồi, tác phẩm khó gây bất ngờ về nội dung. Cách tiết lộ này cũng có thể được áp dụng, theo kiểu chủ ý cho người xem biết trước nội dung, để họ không cần phải hồi hộp theo dõi cốt truyện nữa mà chuyển hướng tập trung sang những tìm tòi nghệ thuật của tác phẩm. Có nghĩa là một khi đã tiết lộ nội dung thì người ta phải bù đắp nó bằng thứ nghệ thuật độc đáo hay thủ thuật khác lạ.
Trở lại câu chuyện thần giữ của. Truyền thuyết dân gian Việt Nam nhiều người còn nhớ. Đấy là chuyện những lái buôn Tàu sang Việt Nam cư trú và làm ăn thời xưa. Họ bắt những cô gái trinh, giam trong hầm mộ chôn đầy vàng bạc châu báu. Các cô này bị nhét sâm vào mồm, ở trong tình trạng dở sống dở chết, bảo đảm các cô sẽ làm cho bất cứ lũ trộm cướp nào dám mò vào hầm mộ phải kinh sợ. Như thế gọi là thần giữ của.
Còn trong vở chèo đang kể ở trên, cô gái bị tên phú ông bắt về làm vợ, coi như hắn trừ nợ cho ông đồ. Nhưng tên phú ông này không hề động chạm gì đến cô vợ trẻ, và điều mà người xem đoán trước rồi cũng xảy đến: hắn bỏ cô gái vào hầm mộ giấu đầy tiền và vàng. Kết cục có hậu tất nhiên sẽ là anh học trò yêu của thầy đồ đỗ đạt làm quan, anh ta quay về cứu được cô người yêu đang làm thần giữ của và xét xử tên phú ông cùng bè lũ của hắn.
Cốt truyện không còn lạ, lại đã bị đoán trước. Vở chèo không có tìm tòi về nội dung, nhưng cũng không bù đắp bằng những tìm tòi về nghệ thuật. Trang trí mỹ thuật đơn điệu sáo mòn với vài cái bục cứng nhắc không một lần xoay chuyển vị trí, phông nền phẳng bẹt, vài hình đồng tiền xu đơn giản với vài vân mây kiểu cũ lặp lại qua nhiều vở ca kịch truyền thống. Âm nhạc cũng chẳng tìm tòi như ở một vở chèo khác cũng của nhà hát chèo Việt Nam, khi những làn điệu Con gà rừng hoặc Đường trường thu không chẳng hạn, được ngắt khúc mà hát lên, tạo kịch tính một cách độc đáo và mới mẻ. Về những mảng trò, ngoài vài trường đoạn sinh động của hai anh hề, trò vè làm vui mắt chỉ là tốp nữ múa, khi là thôn nữ, khi là đám ma quỷ. Mới chỉ khuấy động sân khấu lên chút ít theo lối mòn chứ không phải là trò lạ.
Truyền thuyết về thần giữ của đã bị sửa đổi ở điểm mấu chốt. Trong câu chuyện dân gian, thủ phạm là tên lái buôn người Tàu vào cư trú trên đất Việt. Còn trong cốt truyện của vở chèo đã bị đổi thành tên phú hộ người Việt trăm phần trăm. Chỉ đổi quốc tịch nhân vật thôi mà tư tưởng tác phẩm đã sai lạc hoàn toàn. Một đằng là kẻ ngoại bang được bao dung đón nhận vào lòng một dân tộc khác, không thật thà làm ăn và không nghiêm túc sống, còn đáp lại dân bản địa bằng hành động tàn ác và thâm độc. Đằng kia là trao cho kẻ ngoại bang cái lý là chuyện bao đời của các người hóa ra chỉ là chính các người hãm hại lẫn nhau mà thôi.
Nếu tác giả vô tình thì đây là sự vô tình cực kỳ tắc trách và đáng trách muôn phần. Nếu chủ ý đổi quốc tịch cho nhân vật để cho dễ duyệt thì xin nói thật, một tác phẩm không đặc sắc lại đầy tính xuyên tạc như vậy, thà không được duyệt còn hơn. Nó chỉ bớt đi một vở diễn thường thường mà không làm sai lạc tình cảm phẫn nộ của dân gian với kẻ ngoại bang thâm hiểm tàn ác.
Thần giữ của, kịch bản Nguyễn Toàn Thắng, đạo diễn Lê Thanh Tùng, Nhà hát chèo Việt Nam 2020.