Môn thể thao độc đáo này đã trở thành một đặc sản du lịch khiến Bình Liêu được nhớ thương, nhất là sau khi nó được hãng AFP của Pháp đưa tin vào năm ngoái.
Phụ nữ Sán Chỉ đá bóng |
Môn thể thao độc đáo
Anh Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông văn hóa huyện Bình Liêu cho biết: bóng đá nữ là trò chơi truyền thống của người Sán Chỉ. Ban đầu, quy mô các trận đấu chỉ ở trong bản, hoặc cùng lắm thôn này đấu với thôn kia vào các dịp lễ hội hoặc lúc nông nhàn.
Từ năm 2018, sau khi được khách du lịch chia sẻ, các trận bóng đá nữ diễn ra thường xuyên hơn. Các cầu thủ đều là tay ngang, công việc chính là nông dân, tiểu thương hoặc là công chức, viên chức trong xã, trong thôn, khi có giải các chị mới tập hợp lại để tập.
Thời gian thi đấu môn bóng đá nữ của người Sán Chỉ chỉ kéo dài 40 phút, mỗi đội 7 người, các cầu thủ khi vào sân đều phải mặc đồ truyền thống là áo xanh, váy đen và vấn tóc bằng khăn xanh. Để phân biệt, một đội sẽ mặc áo màu xanh đậm, đội kia mặc áo xanh nhạt hơn.
Hiện ở huyện Bình Liêu, nơi có tới trên 80% dân số là người Sán Chỉ, phong trào bóng đá nữ mạnh nhất chính là xã Húc Động, có tới 7 đội bóng đá nữ. Thành phần của những đội bóng này có từ thiếu niên tới các chị phụ nữ đã ngoài 30, một nách hai ba con.
Thời gian gần đây, du lịch Bình Liêu được quảng bá rộng, nhiều clip và hình ảnh về những trận bóng của phụ nữ Sán Chỉ được chia sẻ rộng rãi đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Đặc biệt, sau khi hãng thông tấn AFP giới thiệu bộ môn thể thao độc đáo này, khách nước ngoài tìm đến Bình Liêu tăng rõ rệt.
Francois Pierre (người Pháp, 26 tuổi) chia sẻ, anh đến Bình Liêu cùng 3 người bạn, mục tiêu chính của họ là xem trận đấu bóng đá của “những người phụ nữ mặc váy đen”: “cảm giác thật phấn khích, tôi chưa bao giờ xem một cái gì tương tự như thế, không có thẻ vàng hay thẻ đỏ nhưng trận đấu vẫn rất kịch tính, không khí thì vô cùng náo nhiệt”.
Streamer 24 tuổi, người Mỹ, Elly Redmayne cho biết, cô đến Bình Liêu để “tường thuật trực tiếp trận bóng độc đáo của những người phụ nữ dân tộc”. “Trước khi sang Việt Nam tôi đã “nhá hàng” với khán giả của mình, mọi người đều tỏ vẻ rất mong chờ”, nữ streamer (người quay hình phát trực tiếp lên mạng) kể.
Khách nước ngoài tham gia hoạt động thu hoạch lúa ở Bình Liêu |
Ngoài bóng đá, Bình Liêu “còn nhiều thứ hay”
Lời khẳng định của anh Hiệu đã được các diễn đàn và nhóm du lịch chứng thực. Với lợi thế khí hậu mát mẻ ngay cả vào mùa hè, Bình Liêu bắt đầu đông khách từ tháng 5, sang thu, khách đến check in sống lưng khủng long và chụp ảnh với mùa cỏ lau, tháng 11 xem lễ hội mùa vàng, và đến tháng 12 lại là mùa hoa sở.
“Tiến tới, chúng tôi có tham vọng khiến cho Bình Liêu bốn mùa đều có sản phẩm du lịch hút khách”, anh Hiệu cho hay. Một sản phẩm mới, được nhiều người chờ đón chính là nghi lễ đám cưới của người Sán Chỉ được người dân tái hiện lại tại thôn Ngàn Pạt.
Những ngày này, đến Bình Liêu, ngoài việc ngắm đồng lúa chín, huyện còn tạo điều kiện cho khách tham gia hoạt động trải nghiệm gặt lúa trên ruộng bậc thang. Đặc biệt, noi gương thành công của các hội dù lượn ở Lai Châu, Yên Bái, năm nay Bình Liêu cũng có hoạt động “Bay trên mùa vàng”.
Ông Đỗ Khánh Giang, Chủ tịch CLB Dù lượn và diều bay có động cơ Đông Bắc, cho biết: Chương trình bay dù lượn vào dịp Hội mùa vàng tại Bình Liêu đã được tổ chức từ những năm trước song năm nay là năm đầu tiên chúng tôi phối hợp cùng UBND huyện Bình Liêu tổ chức festival dù lượn “Bay trên mùa vàng Bình Liêu 2022” với quy mô toàn quốc.
Chương trình quy tụ gần 80 phi công đến từ các CLB dù lượn trên toàn quốc về tham gia với các nội dung: Bay dù lượn không động cơ (gồm thi đấu hạ cánh chính xác, thi đấu thành tích, bay fun - bay tự do - và bay đôi trải nghiệm); Bay dù lượn có động cơ (gồm bay biểu diễn và bay đôi trải nghiệm).
Đặc biệt, ngoài hoạt động thi đấu, biểu diễn còn có bay trải nghiệm dành cho du khách với sự đồng hành của các phi công chuyên nghiệp trong khoảng thời gian 15 phút để ngắm những thửa ruộng bậc thang đẹp mãn nhãn ở bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạt...