Xem Cường 'cụt' làm nông bằng chân

0:00 / 0:00
0:00
Nông dân Nguyễn Thế Cường điều khiển phay đất để lên luống rau
Nông dân Nguyễn Thế Cường điều khiển phay đất để lên luống rau
Số phận lấy đi đôi tay của chàng trai trẻ nhưng không lấy được nghị lực của anh. Không còn tay, chàng trai Nguyễn Thế Cường (39 tuổi, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) luyện tập đôi chân để làm nông, khởi dựng cơ nghiệp trên đất nghèo.

Từ game thủ không tay đến thợ sửa máy tính

Nông trại của anh Cường nằm sát bìa rừng, không có tên mỹ miều như bao nông trại khác ở quanh đây. Anh định danh tên gọi cho nông trại của mình như chính tên gọi của anh:Cường cụt Farm. Về Hoà Ninh chỉ cần hỏi nông trại của Cường cụt ở đâu, bà con ai cũng biết.

Sáng sớm, tiếng máy phay đất đã vang lên ở nông trại của Cường cụt. Anh đeo kính bảo hộ, khom người, ghì vai chặt vào 2 tay máy điều khiển xe để băm nhỏ đất, chuẩn bị lên luống trồng rau. Đất bùn phủ đầy mặt. Phía xa, vợ và 2 con nhỏ đang khẩn trương cắt, bó rau để chở về phố bán theo các đơn hàng đặt sẵn. Hết điều khiển máy, anh chuyển qua dùng xẻng xúc đất tạo luống, để vợ rải hạt giống. Tất cả đều thuần thục không thua kém người lành lặn. Làm nông nghiệp với nhiều người đã khổ, với một người khuyết tật làm nông bằng chân lại khó bội phần.

Xem Cường 'cụt' làm nông bằng chân ảnh 1

Anh Cường, chị Thư trong phút nghỉ ngơi giữa nông trại

Năm 2004, lúc đó Cường đang là sinh viên năm 2 Đại học Bách khoa Đà Nẵng thì tai nạn ập đến. Lần đó, chàng sinh viên trẻ đang phụ hồ để trang trải học hành thì trời nổi giông sét, anh bị luồng điện 220Kw gần đó phóng qua phải nhập viện cấp cứu. Sau nhiều ngày cứu chữa, tính mạng của Cường được bảo toàn nhưng 2 cánh tay phải cắt bỏ tận nách. Việc học dở dang, tương lai của Cường trở nên mịt mù. Về lại quê nhà Quảng Nam, Cường sống trong tự ti và chán nản. Nhưng rồi được sự động viên của gia đình, bạn bè, khi vết thương lành hẳn cũng là lúc Cường quyết tâm viết lại cuộc đời bằng đôi chân.

Anh Cường kể, để thích nghi với việc không còn tay, việc đầu tiên anh tập luyện đôi chân là tập viết. Đóng cửa gần 3 ngày, đêm một mình trong phòng, Cường tập luyện viết chữ bằng chân. Khi viết chữ thành thạo anh quay qua tập cho đôi chân làm quen với bàn phím máy tính. Khi thành thạo với với máy tính bằng chân, với sự hỗ trợ của gia đình Cường quyết định ra Đà Nẵng mở một quán Internet nhỏ để mưu sinh. Ít ai biết, chỉ trong vòng mấy tháng sau khi là chủ quán nét, Cường đã là một games thủ nổi tiếng ở Đà Nẵng. Ngày ấy, trong một lần “đại hội võ lâm” Cường xuất hiện, khiến tất cả mọi người tròn xoe mắt, vì không ngờ người chơi game siêu hạng trên mạng lại là người không có tay.

Ngã rẽ cuộc đời của chàng trai khuyết tật bắt đầu từ khi gặp cô gái Trần Thị Minh Thư quê tận Gia Lai. Trời se xuyên nên xui khiến Cường gặp Thư trong lần anh đi lắp thử tay giả tại TPHCM. Tại đây, bố Thư cũng là người cụt 2 tay sau một tai nạn, cùng cảnh ngộ như chàng trai trẻ. Cảm mến tính cách vui vẻ lạc quan của Cường, Thư đem lòng yêu mến. Cuộc tình của đôi bạn trẻ trải qua thời gian dài thử thách vì bố của Thư cấm đoán, ông không muốn tương lai con gái lấy người khuyết tật như mình. Thế rồi, theo tiếng gọi tình yêu, Thư trốn nhà xuống Đà Nẵng với Cường. Đến năm 2009, hai người nên nghĩa vợ chồng.

“Cuộc đời lấy đi mình đôi tay nhưng bù lại đã cho mình có được người vợ hết mực yêu thương và hiểu chồng hơn ai hết. Chính cô ấy đã giúp đời mình có thêm những ước mơ và hoài bão để tiếp tục tiến bước.

Nguyễn Thế Cường bộc bạch

Từ quán net nhỏ, hai vợ chồng kinh doanh, buôn bán tích góp để có thêm vốn làm ăn, mở thêm mấy quán net nữa ở Đà Nẵng. Ngoài kinh doanh, Cường còn mày mò, học thêm để thành thợ sửa máy tính giỏi, được nhiều người biết đến. Anh nhận sửa chữa, cài đặt máy tính cho khách hàng khắp thành phố. “Hồi đó, việc cài Win, sửa lỗi máy tính còn thịnh hành nên anh Cường đông khách lắm. Anh lập hẳn công ty để nhận sửa chữa máy tính, cài đặt cho khách. Ai cũng nể phục khi thấy anh ấy cày máy bằng chân. Hiền lành, vui vẻ, nhiều người thương, giới thiệu mối nên làm ăn cũng được lắm”, chị Thư kể.

Học làm nông bằng chân

Xem Cường 'cụt' làm nông bằng chân ảnh 2

Nông dân Nguyễn Thế Cường

Theo xu thế, khi quán net dần ít khách và nghề sửa máy tính không còn thịnh, anh Cường bàn với vợ đổi hướng làm ăn. Cách đây 4 năm, anh quyết định vác ba lô lên đường Nam tiến vào tận Bình Dương rồi vòng lên Đà Lạt để học cách trồng rau hữu cơ. Cảm mến nghị lực của chàng trai tật nguyền, nhiều chuyên gia, chủ trang trại đã chỉ dạy và truyền bí kíp trồng rau sạch cho Cường. Kiến thức có được, chàng trai về lại Đà Nẵng, rồi bàn tính với vợ chuyển vốn đầu tư làm ăn. Thời điểm đó, Đà Nẵng có đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hai vợ chồng quyết định làm “liều” thế chấp nhà đất của gia đình vay hơn 1 tỷ đồng để thuê 3ha đất ở xã Hòa Ninh (Hoà Vang, TP Đà Nẵng) làm trang trại trồng rau hữu cơ.

Tình yêu của Thư đã tiếp thêm sức mạnh cho Cường. Thư trở thành cánh tay giúp Cường thêm mạnh mẽ và tự tin hơn trong cuộc sống. Hai đứa con trai kháu khỉnh chào đời trong niềm vui của đôi vợ chồng trẻ.

“Làm nông nghiệp hữu cơ là một câu chuyện mới, dùng vi sinh vật có lợi khống chế vi sinh vật có hại, không thuốc bảo vệ thực vật nên đòi hỏi kiến thức phải am hiểu về cây trồng, giống, dinh dưỡng và các phương pháp chăm sóc. Học làm nông nghiệp đã khó, làm nông nghiệp bằng chân phải mất cả quá trình tập luyện dài mới hoàn thiện được. Vất vả và khó khăn lắm”, anh Cường cho biết.

Hình ảnh chàng trai cụt hai tay những ngày đầu lên vùng rừng núi này khởi nghiệp khiến bà con không khỏi ngỡ ngàng. Thuê nhân lực, đầu tư hàng trăm triệu đồng làm nông nghiệp, Cường - Thư nhiều phen lao đao vì mưa gió, dịch bệnh, nông sản ế ẩm. Nhưng rồi bằng chính sự quyết tâm, thay đổi hướng cách làm, cách tiếp cận khách hàng, đến nay nông trại của hai vợ chồng đã dần cho kết quả.

Những ngày dịch COVID-19 bùng phát, cả TP Đà Nẵng bị phong tỏa cũng là những ngày vợ chồng Cường cật lực vất vả hơn để kịp cung ứng rau sạch về phố.

Sau những vụ rau, vụ dưa bội thu, hai vợ chồng bàn tính sẽ xuống phố mở thêm đại lý giới thiệu nông sản, tiến tới cung ứng trực tiếp rau sạch của nông trại đến tận tay người dùng. Phía trước đầy những thử thách cam go nhưng với ý chí, nghị lực ấy chắc chắn vợ chồng anh sẽ về tới đích.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.