Xe ôm chở hoa kiếm bộn tiền dịp Tết

Xe ôm chở hoa kiếm bộn tiền dịp Tết
TPO – Khi các chủ vườn ở Nhật Tân, Quảng Bá (Hà Nội)... bắt đầu bán đào, quất cảnh, cũng là lúc đội ngũ xe ôm chở hoa thuê kiếm tiền. Qua hơn chục ngày vất vả, có người kiếm được cả chục triệu đồng.

> 'Hái ra tiền' từ dịch vụ cho thuê ruộng hoa chụp ảnh
> Hoa, cây cảnh Tết tăng giá
> Nàng Xuân e ấp mang Tết về phố

Ông Bùi Văn Ất chuẩn bị chở cây mai từ chợ hoa Quảng Bá (Hà Nội) về Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) với giá 100 nghìn đồng.
Ông Bùi Văn Ất chuẩn bị chở cây mai từ chợ hoa Quảng Bá (Hà Nội) về Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) với giá 100 nghìn đồng.

"Trúng quả"

Anh Bùi Văn Hưng (Đan Phượng, Hà Nội) – người làm nghề chở hoa thuê ở làng hoa Quảng Bá năm năm nay, cho biết, cứ vào dịp hoa đào chính vụ, các chủ vườn lại thuê khoảng bốn, năm xe ôm túc trực, chở hoa phục vụ nhu cầu của khách. Lúc cao điểm, cả làng hoa có tới cả trăm người hành nghề chở hoa thuê.

Năm nay, bắt đầu chở hoa thuê từ ngày 18, đến đầu ngày 23, anh Hưng nhẩm tính thu về gần ba triệu tiền công, bằng cả tháng đi làm phụ hồ.

“Tùy từng cây to hay nhỏ, đi xa hay gần mà người ta trả giá cao hay thấp. Đi gần khoảng 150 – 200 nghìn, đi xa hơn thì 300 nghìn đồng. Trừ chi phí, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 500 – 600 nghìn đồng” - Anh Hưng tâm sự.

Theo kinh nghiệm của Hưng, chở hoa đào, quất cảnh quan trọng nhất phải tránh va quệt, ngã xe, nếu không, số tiền kiếm được nhiều khi chẳng đủ đền cho khách. Ngoài ra, phải biết chằng, buộc sao cho chắc chắn. Đến nơi, phải bê vào nhà cho khách, nhiều khi phải đưa lên nhà cao tầng. Không những thế, còn phải tưới nước, dặn dò cách chăm sóc hoa cho khách trước khi ra về.

Mỗi mùa chở hoa đào, quất thuê, anh Bùi Văn Hưng thường kiếm được 7 - 10 triệu đồng chỉ trong hơn chục ngày, lo được một cái Tết tươm tất cho gia đình.

“Nhiều hôm, khách hàng mua nhiều, phải chở từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, chạy hết công suất mới được 8 chuyến. Có hôm đến tận 10 giờ đêm mới hết đào” - Anh Hưng nói.

Người đàn ông này cũng cho biết, với những cây hoa khách hàng mua đứt, chỉ một lượt chở đến là xong, nhưng với những cây khách thuê, ăn Tết xong lại phải đến chở cây về. “Tiền công chở hoa về vườn chỉ bằng một nửa so với trước Tết. Lúc này, chủ yếu làm vì mối quan hệ, để năm sau còn có việc làm”.

Cùng quê với anh Hưng, Đỗ Văn Huy (24 tuổi) cũng tham gia đội chở hoa thuê tại vườn Thông Hữu (Quảng Bá, Hà Nội). Huy cho biết, ngày nhiều nhất kiếm được khoảng một triệu đồng, trừ chi phí, còn được 600 – 700 nghìn đồng. Từ nay đến Tết, Huy dự đoán, kiếm được gần chục triệu đồng về cho gia đình.

Cũng năm đầu làm nghề chở đào, quất thuê, Chu Công Tọi (Nhật Tân, Hà Nội) cho biết, đang đi làm phụ hồ, nhưng giáp Tết tranh thủ thời gian làm xe ôm chở đào, quất thuê kiếm tiền. Sau ba ngày, anh Tọi cho biết, mỗi ngày chở được khoảng ba cây, cây cao nhất giá 300 nghìn đồng. Ba ngày làm việc, Tọi bỏ túi 1,5 triệu đồng.

Chỉ một số xe ô tô được thuê chở đào quất dịp Tết vì có giấy phép hoạt động. Chiếc xe trong ảnh nhận chở cây đào từ vườn Quảng Bá về Linh Đàm với giá 500 nghìn
Chỉ một số xe ô tô được thuê chở đào quất dịp Tết vì có giấy phép hoạt động. Chiếc xe trong ảnh nhận chở cây đào từ vườn Quảng Bá về Linh Đàm (Hà Nội) với giá 500 nghìn đồng.

Vất vả

Cùng làm nghề chở hoa nhưng ở mỗi nơi, giá lại khác nhau. Vừa chở cây đào từ làng Nhật Tân về khu Văn Miếu Quốc Tử Giám, anh Mạnh, một người hành nghề này, cho biết, giá thuê chở cây đào là 700 nghìn đồng, thêm chiếc chậu nữa là 800.000 đồng, nhưng sợ gẫy xe nên phải một người chở cây, một người chở chậu. “Giá cao thật nhưng vất vả lắm em ạ” – Anh Mạnh nói.

Quả là vất vả thật. Cây đào chiếm gần hết chiếc yên xe, anh Mạnh chỉ ngồi một phần phía trước. Vừa ngồi, anh vừa phải cúi rạp người về phía trước, vì bị cành đào chèn ép.

Không chỉ có dân xe ôm bội thu mùa đào quất, mà chủ xe ba bánh cũng được dịp kiếm tiền. Anh Nguyễn Minh Chí (Gia Lâm – Hà Nội) cho hay, để thuê chở hai cây đào tại vườn hoa Quảng Bá về nhà, anh phải trả cho lái xe ba bánh 600 nghìn đồng.

Ông Nguyễn Văn Ái, 60 tuổi, một lái xe ba bánh cho biết, trung bình mỗi ngày chở được hai, ba chuyến, tùy khoảng cách gần, xa. Nếu về xa như Phúc Yên, cũng được khoảng 400 nghìn đồng/chuyến.

Hầu hết những lái xe ôm, xe ba bánh đều cho rằng, dù kiếm được nhiều tiền nhưng công sức bỏ ra cũng chẳng phải ít. Chạy xe ôm bình thường đã vất vả, đằng này, vừa chở cây cao, nặng phía sau, vừa phải quan sát để tránh cọ xát, va đập. Đường Hà Nội ngày Tết đông, chở hàng hoa, quả cảnh mà cứ vừa chạy vừa ngó nghiêng, chỉ sợ hỏng cây, khách bắt đền.

Thêm nữa, những ngày giáp Tết, trời hay mưa phùn, gió rét. Ở trong nhà đã ngại, ra đường chạy đi chạy lại hàng chục lần, thậm chí cả trong đêm, phải thật khỏe mới chịu được cường độ làm việc như thế.

“Vài ngày trước, lạnh, mưa như thế mà chúng tôi vẫn chở hàng cho khách đến tận đêm. Để chống lạnh, tôi phải mặc nhiều áo bên trong, ngoài phủ thêm hai cái áo mưa nữa mới đỡ lạnh. Tiền ai cũng quý, nhưng phải lo cho sức khỏe chứ” – Anh Nam – một xe ôm chở hoa thuê tâm sự.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.