Gây chết người ở đường cấm
Thời gian gần đây, dọc tuyến đường vành đai 3, cửa ngõ vào trung tâm thủ đô (dọc đường Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến) liên tiếp xảy các vụ xe tải gây tai nạn chết người.
Ngày 11/7, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) tạm giữ hình sự Vũ Trường Thăng (SN 1984, trú tại huyện Thanh Oai), tài xế xe tải 29C-722.11 để làm rõ vụ va chạm với xe đạp đi cùng chiều tại ngã tư Lê Văn Lương - Tố Hữu một ngày trước khiến ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1948, trú quận Hoàng Mai) tử vong. Trước đó, 10h30 ngày 10/7, sau khi gây tai nạn chết người, Thăng không dừng xe mà tăng ga bỏ chạy, buộc cảnh sát phải huy động lực lượng tuần tra sử dụng xe đặc chủng truy đuổi quãng đường 4 km bắt giữ.
Đây không phải lần đầu xảy ra tai nạn chết người do xe tải. Trước đó, chiều 7/10/2015, nam thanh niên điều khiển chiếc Honda Wave bị xe tải đâm trúng từ phía sau tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Tố Hữu. Nạn nhân bị kẹt dưới gầm xe tải, tử vong tại chỗ.
Chị Nguyễn Thanh Nga (32 tuổi, trú trên đường Khuất Duy Tiến) cho biết: “Ngã tư Lê Văn Lương - Tố Hữu là điểm đen tai nạn giao thông. Mỗi năm, tại nút giao này xảy ra ít nhất 2-3 vụ tai nạn chết người do xe tải gây ra”, chị Nga nói.
Vào đường cấm như đi chợ
Theo ghi nhận của Tiền Phong, trưa 11/7, một ngày sau sự cố xe tải hổ vồ gây chết người, tài xế lái ôtô bỏ chạy, hàng loạt xe hổ vồ Hưng Hà, An Thành nối đuôi nhau, nườm nượp ra vào đường cấm chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Nhiều xe cơi nới, thay đổi kích thước, nâng tải trọng vận chuyển vật liệu, đất cát di chuyển hai chiều từ các công trình xây dựng dọc đường Tố Hữu, Lê Trọng Tấn vào Trung Hòa, Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) qua nhiều chốt cảnh sát giao thông. Dọc tuyến đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng tình trạng xe quá tải, quá khổ hoạt động tấp nập không kém.
Ông Xuân Trung, hành nghề xe ôm trên tuyến đường này cho biết, dọc đường vành đai 3, xe tải trọng hàng chục tấn hoạt động 24/24 bất kể ngày đêm, giờ cao điểm. Thậm chí, nhiều xe quá khổ, quá tải để rơi vãi vật liệu khiến tuyến đường bụi bẩn, gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người điều khiển xe máy.
Dù tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng - Phạm Hùng luôn có lực lượng cảnh sát nhưng những xe này vẫn ra vào như đi chợ, không hề bị bất cứ lực lượng chức năng nào kiểm tra, xử lý.
Cũng theo ghi nhận của Tiền Phong, cuối giờ mỗi ngày tại các tuyến đường Dương Đình Nghệ, Trung Kính, Duy Tân kéo dài (thuộc địa phận quận Cầu Giấy), hàng chục xe tải đầy ắp vật liệu đã hoạt động náo nhiệt. Một số tài xế khác dừng xe tại những điểm khuất chờ hết giờ giới nghiêm lưu thông ban đêm.
Theo quy định của UBND TP Hà Nội, ôtô có tải trọng từ trên 2,5 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công chỉ được phép lưu hành từ 21h đến 6h sáng hôm sau và phải có giấy phép lưu hành, cấm hoạt động các khung giờ còn lại. Riêng đối với các loại ôtô tải có trọng lượng trên 10 tấn, phải có giấy phép lưu hành đặc biệt.
Phạm vi hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông được giới hạn bởi các tuyến đường: Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long (đoạn từ đường Phạm Hùng đến nút giao đường 70) - Đường 70 (đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến đường 72) – Đường 72 (đoạn đường 70 đến đường Lê Trọng Tấn - quận Hà Đông) - Đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - Phúc La - Văn Phú - Phùng Hưng (quận Hà Đông – đoạn từ Phúc La đến Cầu Bươu) - Cầu Bươu - Phan Trọng Tuệ - Ngọc Hồi (đoạn từ ngã ba Phan Trọng Tuệ đến ngã ba Pháp Vân) - Pháp Vân - Cầu Thanh Trì - Nguyễn Văn Linh - Ngô Gia Tự trở vào trung tâm thành phố.