Ngang nhiên hoạt động
Ngày 8/3, theo ghi nhận của Tiền Phong ở khu vực trước cổng bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), khu vực trước cổng Suối Tiên (quận 9),… tình trạng xe khách đón trả khách ở các “bến cóc” vẫn ngang nhiên diễn ra.
Cụ thể, trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) từ đoạn Hồ Học Lãm đến vòng xoay An Lạc, mỗi ngày có hàng chục lượt xe khách tấp vào lề đường đón trả khách, gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Ngoài ra, xe khách ở các tỉnh miền Tây vẫn còn đón trả khách ở một số cây xăng trên đường này. Trong khi tại giao lộ đường Võ Văn Kiệt – Phó Đức Chính (quận 1), tình trạng đón trả khách vẫn còn diễn ra. Ở phía bên kia hầm đoạn đường Mai Chí Thọ (quận 2), các xe khách đỗ dừng để đón trả khách diễn ra liên tục dù đoạn đường này đã được Sở GTVT TPHCM cắm biển cấm đối với ô tô trên 9 chỗ từ đầu năm 2016. Một điểm đón trả khách khác là dưới chân cầu vượt trước cổng Suối Tiên (quận 9), tình trạng các xe khách lạng lách vào lề đường để đón trả khách vẫn diễn ra tràn lan, gây mất an toàn giao thông nhưng không được cơ quan chức năng can thiệp.
Tình trạng các nhà xe đăng ký chở khách du lịch, chạy hợp đồng… nhưng hoạt động đón trả khách trên các tuyến đường như xe chạy tuyến cố định diễn ra nhiều ở khu vực trung tâm quận 1. Đặc biệt, trên đường như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm… quận 1, dù có biển cấm nhưng hoạt động đón trả khách của các nhà xe ở đây vẫn diễn ra rầm rộ. Các nhà xe cho xe ô tô loại 7 chỗ trung chuyển khách từ văn phòng ra các điểm đậu xe bên ngoài và dùng xe 16 chỗ tấp vào để đón khách hoặc dừng tại các ngã tư đèn đỏ để khách đi bộ ra lên xe.
Trong cuộc họp mới đây, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM, cho rằng trên địa bàn thành phố hiện nay có 86 điểm có hoạt động đón trả khách. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng đây không phải “xe dù, bến cóc” bởi, các điểm này đều có giấy phép kinh doanh, giấy phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện và giấy phép kinh doanh vận tải. “Qua kiểm tra các điểm có hoạt động đón, trả khách thì hiện trên địa bàn TPHCM không còn “xe dù””, ông Việt khẳng định.
Trong các đợt kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản xử phạt 3 điểm đón trả khách vừa phát sinh trong năm 2017. Trong đó có một công ty trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, đã thành lập bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch bị xử phạt. Ông Lê Hoàng Minh - Phó giám đốc sở GTVT TPHCM thừa nhận, hoạt động đón trả khách tại các điểm trên đã gây mất trật tự an toàn giao thông. “Theo thống kê có 54/86 điểm kinh doanh vận tải trên địa bàn TPHCM có hoạt động đón, trả khách trên đường trước trụ sở. Trong số này có 49 điểm hoạt động tại biển cấm dừng, cấm đỗ”, ông Minh nói.
Vì sao không dẹp được?
Để giải quyết vấn nạn “xe dù, bến cóc”, ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT TPHCM đề nghị nên lắp camera giám sát tại các vị trí thường xuyên có xe đón, trả khách và trang bị các công cụ kiểm tra. Đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm nhiều lần; xem xét lại việc cấp phép kinh doanh, chú ý điều kiện hoạt động, trước khi cấp phép cần có sự phối hợp, trao đổi với quận huyện…
Thượng tá Lê Hoàng Nam, Phó trưởng Công an quận 1 cho rằng, cần xem lại hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Bởi giao thông ở trung tâm thành phố rất phức tạp nhưng có nhiều điểm được phép kinh doanh vận tải và hàng loạt các doanh nghiệp lữ hành. Vào giờ cao điểm, lượng xe lưu thông nhiều, gặp thêm các xe khách loại lớn dừng, đậu đón khách khiến giao thông thêm rối. Vì vậy, cần xem lại hoạt động của các điểm đón trả khách: “Các đơn vị vận tải có bến bãi làm nơi đậu xe, đón khách thì cho phép hoạt động. Còn không thì chỉ cho hoạt động như một chi nhánh và không được đón trả khách”, ông Nam nói.
Ông Nam cho biết, chỉ trong phạm vi khoảng 1km trên đường Phạm Ngũ Lão có đến 20 đơn vị kinh doanh lữ hành nhưng thực tế hoạt động như tuyến cố định. Các nhà xe này không chạy theo tour như các doanh nghiệp lữ hành thông thường mà đón khách ở đường Phạm Ngũ Lão rồi chở đi Campuchia, Mũi Né và vận chuyển hàng hóa…. “Cần phải xem lại đây thực chất là kinh doanh lữ hành hay hoạt động trá hình”, thượng tá Nam đề nghị.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, để xảy ra tình trạng “xe dù, bến cóc” và không thể xử lý dứt điểm một phần do sự quản lý của cơ quan chức năng chưa thực sự chặt chẽ. Bên cạnh đó, TS Phạm Sanh cũng đặt vấn đề lợi ích nhóm vẫn còn tồn tại dẫn đến việc xử lý vi phạm không triệt để. Tình trạng “xe dù, bến cóc” không chỉ gây kẹt xe, mất an toàn giao thông, thất thu ngân sách mà còn gây mất lòng tin của người dân đối với lực lượng chức năng, thanh tra giao thông…
TS Phạm Sanh dẫn chứng bến xe lậu tại số 419, đường Lê Hồng Phong, quận 10, TPHCM bãi xe này được một doanh nghiệp thuê làm nơi đón trả khách suốt thời gian dài. Tháng 5/2016, 12 doanh nghiệp vận tải viết đơn kiến nghị lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM và các cơ quan liên quan điều tra, xử lý và chấn chỉnh lại bến lậu tại số 419 của nhà xe Thành Bưởi. Lãnh đạo TPHCM đã nhiều lần chỉ đạo ngành giao thông bao gồm Sở GTVT, Chánh thanh tra Sở GTVT xử lý dứt điểm và ra hạn trong tháng 8/2016 sẽ xử lý xong.
Sở GTVT đã khẳng định địa điểm kinh doanh ở số 419 Lê Hồng Phong, quận 10 là bến lậu, đồng thời cam kết sẽ kiên quyết dẹp bến xe lậu này ngay trong tháng 8/2016. Tuy nhiên, không xử lý được nên thành phố tiếp tục gia hạn đến cuối 2016 phải xử lý dứt điểm xe dù trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể xử lý được. “Như vậy liệu có tồn tại vấn đề lợi ích nhóm hay không mà các đơn vị không thể xử lý được”, TS Phạm Sanh nói.