Xe ai vi phạm cũng cẩu

Xe ai vi phạm cũng cẩu
TP - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định như trên, tại buổi làm việc với quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) sáng 2-3.

> Tắc vì vẫn bám trụ nội đô

Chiều 2-3, ô tô đỗ trên vỉa hè phố Nguyễn Thái Học. Ảnh: Trọng Đảng
Chiều 2-3, vỉa hè phố Nguyễn Thái Học còn có cả ô tô biển xanh.
Ảnh: Trọng Đảng.
 

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói, việc tăng thu phí đường cao tốc và quốc lộ là để thu hút các nhà đầu tư nâng cấp, mở rộng hoặc xây mới những tuyến quốc lộ. “Giao thông nông thôn, miền núi, dân đóng tới 60%, nhà nước chỉ phải bỏ 40%. Thậm chí có thôn ở Tuyên Quang, trưởng thôn không chịu làm đường, người dân yêu cầu cách chức. Trong khi ở thành phố, dân đi lại nhiều, buôn bán, mà nhà nước bỏ ra hết, lại còn kêu khi bị thu phí”, ông Thăng nói.

Ông Thăng còn dẫn chứng việc nhiều chủ phương tiện từ chối đi đường cao tốc TP HCM-Trung Lương: “Đường xong 3 năm rồi mới thu phí khiến người ta đi quen. Làm gì có chuyện tình cho không, biếu không”.

Ông Thăng cũng nói: “Trước cổng bộ có nhiều ô tô đỗ, tôi chỉ đạo thanh tra Bộ GTVT cứ vi phạm là dùng xe cẩu đi hết. Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ bảo ô tô của anh này, anh kia. Tôi chỉ đạo xe của ai cũng cẩu. Cán bộ lãnh đạo thì phải gương mẫu thực thi luật”.

Nói rồi ông Thăng hướng về phía Phó GĐ Công an TP Hà Nội Trần Thuỳ: “Xin lỗi anh Thuỳ, chủ yếu những xe đó là của phía công an đỗ”.

Ông Thạch Như Sỹ từng phụ trách thanh tra giao thông của Sở GTVT Hà Nội (nay lên Bộ GTVT) chỉ ra những lỗ hổng quản lý điểm đỗ xe tại Thủ đô.

“Hiện còn một số tòa nhà có điểm đỗ xe, nhưng không dùng hết, như phố Đinh Lễ. Một số cơ quan trường học, bệnh viện, đẩy trách nhiệm của mình cho xã hội. Như Cung Văn hóa Thiếu nhi có cả dãy cho thuê bán cà phê, nhưng dùng vỉa hè trông xe. Bệnh viện Việt Đức dùng toàn bộ chỗ đỗ xe làm căng-tin, bán thuốc, còn điểm trông giữ xe lại đẩy ra vỉa hè" - ông Sỹ cho biết.

Bộ trưởng GTVT thị sát giao thông quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Gia Khánh
Bộ trưởng GTVT thị sát giao thông quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Gia Khánh.
 

Quyết giành lại vỉa hè cho người đi bộ

Trước đề xuất quận Hoàn Kiếm cấm các tuyến phố đỗ xe, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đồng ý chuyển trông giữ xe ra các bãi đất trống ngoài bờ đê để xây dựng các tuyến phố đi bộ. Ông Khôi ủy quyền cho quận Hoàn Kiếm làm việc này và tuyên bố cho cơ chế đặc thù.

“Quận chủ trì cho rà soát các tòa nhà, công trình có bố trí diện tích đỗ xe, làm việc, thông báo công khai cho dân biết, và hướng dẫn người dân tới đấy gửi. Khu vực cổng trường, giao chủ tịch quận tổ chức lực lượng rà soát, hướng dẫn”, ông Khôi nói.

Vị lãnh đạo phụ trách lĩnh vực giao thông của thành phố còn chỉ ra cụ thể đường Nguyễn Hữu Huân một chiều nhưng vẫn có xe ô tô đỗ bên trái và thúc giục quận Hoàn Kiếm lập tờ trình mua xe cẩu, xe kéo để xử lý phương tiện vi phạm.

Về xây dựng các bãi đỗ xe, Bộ trưởng Thăng nói: “Phía Bộ và Ủy ban an toàn giao thông đã báo cáo nhiều lần rồi, sử dụng hạ tầng giao thông nói chung, thì phải có giá, không thể phí được. Cơ bản Quốc hội, Chính phủ đồng tình chuyển phí thành giá”.

Theo ông Thăng, để kêu gọi được các nhà đầu tư tư nhân xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt bãi đỗ xe, phải mở ra được giá. Người đứng đầu Bộ đề nghị TP Hà Nội sớm phân cấp triệt để cho các quận để thực hiện, bên cạnh đó trang bị xe chuyên dụng (để cẩu, kéo) cho các quận.

Tan họp, Bộ trưởng Thăng và các quan chức TP Hà Nội lên xe điện đi khảo sát giao thông quanh hồ Hoàn Kiếm.

Vẫn vô tư đỗ

Đã nửa tháng Hà Nội cấm đỗ xe trên 262 tuyến phố. Trên một số tuyến, ô tô vẫn dừng đỗ ngổn ngang.

Là tuyến cấm dừng đỗ xe cả trên vỉa hè và lòng đường nhưng những ngày qua, trên nhiều đoạn phố Nguyễn Thái Học ô tô, xe máy vẫn dừng đỗ thành hàng dài. Riêng đoạn từ ngã tư Nguyễn Thái Học - Chu Văn An đến ngã ba Nguyễn Thái Học - Hoàng Diệu, ô tô, xe máy, còn dừng đỗ đặc kín vỉa hè và một làn dành cho phương tiện thô sơ.

Trên tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân, ô tô, xe máy dừng đỗ tự nhiên như không có lệnh cấm. Dễ dàng bắt gặp những hàng xe máy, ô tô dừng trên đường để vào cửa hàng mua sắm. Riêng với tuyến phố Hàng Ngang, các điểm trông giữ ở đây vẫn để những hàng xe máy một bánh trên vỉa hè, một bánh dưới lòng đường.

Ô tô cũng dừng đỗ ngổn ngang ở Yết Kiêu, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Xã Đàn, Tôn Đức Thắng... Thậm chí, các tuyến phố Tràng Thi, Chợ 19-12, Hồ Hoàn Kiếm, các biển cấp phép cho dừng đỗ xe ở đây vẫn chưa được thu hồi, khiến hàng ngày, phương tiện đến đây vây kín.

Tuyến phố Chợ 19-12 cấm dừng đỗ cả lòng đường, vỉa hè nhưng những ngày qua gần một làn đường hướng Hai Bà Trưng - Lý Thường Kiệt vẫn dành cho đỗ ô tô. Tại điểm đỗ này còn có biển cấp phép của Sở GTVT với dòng chữ "điểm đỗ xe của Sở QH&KT Hà Nội".

Trung tá Nguyễn Hữu Tâm, Đội trưởng Đội CSGT số 1, Công an Hà Nội cho biết, với các tuyến phố không có biển cho phép dừng đỗ, các trường hợp vi phạm đều được đội xử lý triệt để.

Các tuyến phố, khu vực chưa thu hồi biển cấp phép như phố Đinh Tiên Hoàng đoạn trước toà nhà Hàm Cá Mập, đường 19-12... anh em làm nhiệm vụ không thể xử lý những xe dừng đỗ.

Chiều qua Thanh tra Sở GTVT cho rằng, do Sở QH&KT chưa có điểm đỗ xe nên tạm thời vẫn phải duy trì điểm đỗ tại đường 19-12 để Sở có nơi đỗ.

Theo số liệu ban đầu, sau nửa tháng thực hiện cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố, liên ngành đã xử lý hơn 700 trường hợp vi phạm, tạm giữ hơn 40 phương tiện (chủ yếu là ô tô).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.