Cuộc gặp ám ảnh và ý tưởng điên rồ
Chị Phạm Thị Hương Giang (còn gọi là Jang Kều) - người sáng lập Quỹ Sống và dự án thiện nguyện Nhà chống lũ, cho biết dự án xuất phát từ mong muốn của chính chị và đồng đội là làm điều gì đó thiết thực để góp phần cho một bộ phận người dân vùng lũ có cuộc sống an toàn, an tâm chống chọi với bão lũ.
Jang Kều vốn hay đi làm từ thiện, năm 2009, trong một lần đi cứu trợ đồng bào lũ lụt ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam, chứng kiến cảnh tang thương, tiêu điều nơi đây, chị trăn trở làm sao để có một ngôi nhà an toàn cho một bộ phận người dân vùng lũ.
Năm 2013, khi xem được bức ảnh trên mạng xã hội về một ngôi nhà gỗ được đặt trên sáu cọc bê tông, vững chãi giữa biển nước lũ, Jang ấn tượng mạnh. Qua tìm hiểu, chị biết đó là công trình của GS Tống Trần Tùng, chuyên gia về vật liệu nhẹ dành tặng người hàng xóm ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Chị ngạc nhiên hỏi người bạn đăng tấm hình và sung sướng khi phát hiện ra ngôi nhà gỗ này đã “sống bình yên” trong lũ bão đã được hơn 10 năm. Và chi phí làm khung nhà có sáu cột bê tông, một cầu thang bê tông chỉ khoảng 25 triệu đồng. Từ đây, ý tưởng về “Nhà chống lũ” lóe lên trong Jang.
Điều khó khăn nhất đối với Jang Kều lúc này chính là chi phí. Jang đã kêu gọi cộng đồng quyên góp và bắt đầu bán đấu giá các bức tranh nghệ thuật để hiện thực hóa ước mơ. Năm 2013, cô và bạn bè đã gây quỹ được hơn 200 triệu đồng, xây được 5 căn nhà chống lũ đầu tiên tại xã Sơn Thị, Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Dự án Nhà chống lũ của Jang Kều ra đời với phương châm chung tay cùng người dân xây nhà, chứ không cho dân hẳn ngôi nhà. Điều này đồng nghĩa với việc, người dân sẽ đóng góp ít nhất 50% số vốn đối ứng. “Chúng tôi không giúp đỡ người khác trong tâm thế đi cho, mang những điều mình có đến cho người khác, mà phải thật sự thấu hiểu họ, hỗ trợ họ thực hiện những điều mà chính họ đang ao ước. Giúp họ có được sự tự hào, tự chủ thì cuộc sống của họ và những thế hệ sau đó mới thay đổi và tốt đẹp hơn”, chị Jang chia sẻ.
“Năm 2013, khi đến huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, chúng tôi gặp bà Hồ Thị Nga. Ngôi nhà của bà gần như mục nát, sắp đổ. Tài sản giá trị nhất trong nhà bà là một chiếc quan tài để trên gác xép. Bà kể, cách đây 3 năm trong một đợt lũ, bà và chồng phải núp trên gác xép. Do đợt lũ năm đó kéo dài, chồng bà bị ốm và qua đời. Bà phải ôm xác chồng trên gác và cuốn ông bằng chiếc chiếu để sau đó đem chôn. Mấy năm gần đây, bà tích góp mua một chiếc quan tài để sẵn, phòng trường hợp bà chết có cái để chôn cho tử tế”, Jang Kều kể về một câu chuyện đầy ám ảnh.
Lũ đi qua, nhà an toàn ở lại
Theo tiêu chí của nhà chống lũ, hộ dân phải đóng góp vốn đối ứng ít nhất 50% ngôi nhà. Trong trường hợp của bà Hồ Thị Nga, phải cần ít nhất 25 triệu đồng vốn đối ứng. Nhóm của Jang Kều đã động viên bà Nga dỡ căn nhà để bán đống gỗ và bà đã thu được 8 triệu đồng. Ngoài ra, nhóm cũng thuyết phục 3 người con gái của bà Nga đã lấy chồng xa đóng góp thêm 6 triệu đồng/người. Cuối cùng, dự án đã giúp bà xây một căn nhà mới.
“Chúng ta thường nghĩ bà con khó khăn thì làm sao có tiền góp đối ứng? Nhưng thực tế chỉ cần chúng ta biết cách khơi gợi cho họ sự tự chủ, cùng họ sáng tạo các giải pháp như: bán trâu bò, hoặc đóng gạch, đổi công xây dựng, vay không lãi suất, vay người thân, tận dụng các nguồn vật liệu của nhà cũ còn sử dụng được để tự chủ phần đối ứng. Qua 7 năm thực hiện, nhóm thực hiện Dự án Nhà chống lũ cho rằng, chung tay là nhân tố quyết định sự thành công của dự án”, Jang khẳng định.
Tính đến nay, Dự án Nhà chống lũ đã góp phần xây được hơn 700 căn nhà an toàn tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hậu Giang và Sóc Trăng. Theo bà Jang Kều, tùy địa bàn, địa hình mà nhóm triển khai xây dựng các kiểu nhà chống lũ khác nhau, cải tiến phù hợp với từng vùng miền. Chẳng hạn, kiểu nhà kê nền, nhà hai gác, nhà phao.
Jang cho rằng, trong bối cảnh thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, mỗi người dân cần điều chỉnh tư duy từ ứng phó, khắc phục thiệt hại sang xây dựng năng lực chống chịu và nâng cao khả năng thích ứng. Một căn nhà vững chãi là yếu tố quan trọng đảm bảo cho bà con khó khăn thực sự vững vàng cho tương lai, chứ không chỉ chờ đợi cứu trợ hằng năm.
Theo người sáng lập dự án, nhà chống lũ chỉ là chiếc cầu nối để những tấm lòng đáng quý, tài trợ trong xã hội đến được đúng người, đúng chỗ cần. Đó cũng là lý do trong suốt 7 năm qua, dự án đã quyên góp được hàng chục tỷ đồng từ các hoạt động đấu giá tranh, quyên góp online, bán áo thun, góp gạch xây nhà, và cả đóng góp thầm lặng mỗi tháng của nhiều người...
Tối 30/10, nhóm Sống của Jang Kều đã cùng phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật gây quỹ “Lũ ơi, chào mi!”. Qua đó, Dự án Nhà chống lũ của Jang và đồng đội đã gây quỹ được 2,6 tỷ đồng thông qua các hoạt động như: bán vé, ủng hộ trực tiếp qua tài khoản quỹ.
Sẽ tổng rà soát về nhà ở vượt bão lũ
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau đợt thiên tai năm nay, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai sẽ tổ chức rà soát về nhà ở các địa phương trong vùng thường xuyên bị bão, lũ để hạn chế thiệt hại cho người dân.
Theo ông Hoài, nhà chống lũ với miền Trung là hết sức cần thiết và trong nhiều năm qua Việt Nam đã triển khai rất tích cực cho chương trình này. Qua đợt mưa lũ vừa rồi ở các tỉnh miền Trung cho thấy, nhà chống lũ phát huy rất tốt tác dụng.
“Vừa qua, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung khiến hơn 1 triệu người dân trong khu vực bị ảnh hưởng ngập lũ, nhưng nhiều ngôi nhà phòng chống lũ vẫn đảm bảo an toàn là một thành quả lớn”, ông Hoài nói.
Ông Hoài cũng cho biết, hiện tại nhiều chương trình Chính phủ, dự án hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (Unicef) về xây dựng 4.000 căn nhà an toàn trong khu vực vùng lũ, các chương trình nghiên cứu nhà nổi, đảm bảo an toàn cho cả lũ và bão đều phát huy hiệu quả.
“Tuy nhiên, qua đợt bão lũ này, chúng ta cần rà soát, có phương án để giảm thiểu số lượng nhà mất an toàn ở khu vực thường xuyên lũ, bão, ngập sâu”, ông Hoài nói. (Nam Khánh)