'Xây lại' tư duy

TP - Lũ lụt miền Trung vừa qua đã qua cho chúng ta thấy bức tranh: Nhiều nhà khá giả, xây 2,3 tầng, thoát được đỉnh lũ; nhiều gia đình khó khăn hơn nhà cũng nổi lên trên lũ. Đó là những căn nhà gắn thùng phuy bằng sắt hoặc nhựa phía dưới.

Giải pháp chống lũ cho nhà dân không thiếu, nhất là trong thời kỳ mọi thứ đều cơ bản sẵn. Nhiều kiến trúc sư đã kỳ công vẽ, công bố chi tiết, miễn phí các mẫu nhà ở chống lũ phù hợp với các vùng miền với giá thành rẻ nhất. Mẫu nhà chắc chắn nhất là nhà hai tầng hoặc nhà một tầng nhưng có một căn phòng (hay chòi) phía trên. Nếu nhà có nuôi gia súc, kiến trúc sư khuyến cáo làm thêm cầu thang thoai thoải để có thể dắt các loại gia súc này lên.

Loại giá rẻ nhất là các nhà cỡ nhỏ được gắn thùng phuy sắt, hay thùng nhựa phía dưới để nổi lên trên lũ. Những căn nhà nổi này có thể là nhà bếp, nhà kho, chuồng trâu bò, chí khác là có gắn các thùng phuy phía dưới. Làm nhà vượt lũ giá chỉ cao hơn so với căn nhà xây dựng kiểu khác 2-3 triệu đồng. Nếu làm từ đầu chỉ từ 10 triệu đồng trở lên  - một số tiền không phải quá lớn ngay cả đối với hộ khó khăn. Các kiến trúc sư còn hướng dẫn cách neo, hoặc gắn mẫu nhà chống lũ này lên trần của nhà để nhà không bị trôi trong lũ.

Tính đến tháng 9/2020, các tỉnh miền Trung có khoảng 19.244 hộ nghèo xây được những căn nhà nổi trên lũ. Những căn nhà này đã phát huy tác dụng, chưa bị hư hỏng. Điều đó chứng tỏ, giải pháp đưa ra hiệu quả. Cái chính là làm sao giải pháp này có thể phổ biến hơn, người dân có thể tự làm.

Năm 2007, tôi được mời đi tham quan các mô hình nhà vượt lũ của tổ chức phi chính phủ tại huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, Sơn Trà thành phố Đà Nẵng. Những ngôi nhà cộng đồng này được xây như nhà sàn ở miền núi phía Bắc.

Phía dưới là các cột bê tông, bình thường làm nơi sinh hoạt cộng đồng, lũ lên có thể làm nơi để cho trâu bò, lợn gà trú ngụ. Phía trên là hội trường rộng, đủ cho hàng trăm người tránh lũ, rất tiện cho người dân khi xảy ra lũ lụt.

Các điều phối viên của tổ chức phi chính phủ tạo ra mô hình nhà vượt lũ ở Đà Nẵng đề xuất với chúng tôi: “Nên làm sao đó để các nhà văn hóa thôn ở vùng lũ được xây dựng theo mô hình này”. Năm nay, lũ rất lớn, mưa bão rất dữ ở khúc ruột miền Trung, thiệt hại do mưa, bão, lũ cũng khốc liệt hơn. Kể cả người ở trên sườn núi, chân đồi mưa lũ vẫn gây sạt trượt và bị vùi lấp thương tâm. Thực tế đó dường như mách bảo cho chúng ta biết rằng, làm nhà tránh lũ, lụt có lẽ phải “xây” lại tư duy!

Xây nhà tránh lũ chi phí thấp, song cứu được nhiều dân. Phải chăng những cụm nhà tránh lũ cũng cần có sẵn nhiều hơn, để khi có bão, lũ, nhiều người dân ở nơi dễ bị sạt trượt, ở chân núi, khe suối cũng có thể tìm đến để không bị chết vùi lấp thương tâm. Bên cạnh đó, việc xây nhà cũng cần để dân có vốn đối ứng, gắn bó trách nhiệm khi họ được tiếp quản sử dụng lâu dài.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.