Xây lại trường viết văn Nguyễn Du: Ồn ào quanh “bánh ga tô và... nước mắm”

Xây lại trường viết văn Nguyễn Du: Ồn ào quanh “bánh ga tô và... nước mắm”
TP - Câu chuyện đại tu trường viết văn Nguyễn Du (trước đây), nay là Khoa Viết văn - báo chí thuộc Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, gây ra dư luận nhiều chiều. Có người cho rằng: Việc làm này giống như bắn vào quá khứ bằng súng lục. Còn người trong cuộc thì nhất định khẳng định: Xây dựng lại là việc không thể chần chừ.

“Lịch sử” sập xuống thì sao?

Trường viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Viết văn- Báo chí, thuộc trường ĐH Văn hóa Hà Nội) được thành lập từ năm 1979. Nơi đây là cái nôi nuôi dưỡng nhiều hội viên Hội nhà văn Việt Nam, có những người đã trở thành những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại: Hữu Thỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh…

Năm 1993, Trường viết văn Nguyễn Du khánh thành ngôi nhà gồm 3 tầng khang trang, đúng lúc khóa 5 vào trường, họ được thụ hưởng thành quả xây dựng ấy. Chức năng của ngôi nhà: Tầng 1, làm văn phòng; tầng 2, làm thư viện và phòng học; tầng 3 dùng làm nơi ở. “Lúc mới xây xong thì đẹp, trước ngôi nhà là khoảng sân rộng, nhà dân hồi đó chưa có nhà tầng.

Khánh thành ngôi nhà viết văn là một sự kiện thời đó”, nhà phê bình văn học Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn- Báo chí, Trường ĐH Văn hóa kể. Sau hơn 20 năm ngôi nhà viết văn đã không còn long lanh như xưa, “án ngữ 2/3 ngôi nhà là nhà thể chất cao 5 tầng, nhà dân xung quanh được xây lên cao, tự dưng ngôi nhà mất không gian, trở nên ngột ngạt, chật chội”, theo lời ông Văn Giá. 

Nhưng cảm giác mất đẹp chỉ là một phần, phần chính là sự xuống cấp trầm trọng của công trình. Ông Văn Giá cho biết: “Cứ mưa lớn là ngập toàn bộ tầng 1, tôi đã mất hàng trăm cuốn sách do ngập lụt, mối mọt thì khủng khiếp. Mối ăn sách, ăn tủ, chục cái tủ bị ăn mục ruỗng, đục sách, đục tài liệu”. Để xác nhận thông tin này, tôi đã gặp người phụ trách phần thi công công trình làm mới ngôi nhà viết văn xưa.

 Anh giải thích: “Nhà bị lún, bị nghiêng lại có tổ mối, ngày trước chưa xử lí nên mối vào hết, mối xông toàn bộ hệ thống cửa, mối đục hết từ viên gạch ốp sân trường, cứ kẽo kẹt cả ngày. So  với cốt đường của Đê La Thành (nơi đóng đô của Trường ĐH Văn hóa - PV) thì ngôi nhà viết văn là điểm cuối của trường ĐH Văn hóa, cứ mưa to là nước đến đầu gối, tràn hết tầng 1. Bây giờ phải nâng cốt nền cao lên. Giới văn nghệ sỹ bao giờ cũng bảo giữ lịch sử nhưng lịch sử sập xuống thì sao?”.

Xây lại trường viết văn Nguyễn Du: Ồn ào quanh “bánh ga tô và... nước mắm” ảnh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan cùng thầy trò trường viết văn Nguyễn Du. Ảnh: Tư Liệu.

Giống như là… Văn Miếu? 

Trang cá nhân luôn là con dao hai lưỡi, có lẽ không chỉ với giới làm giải trí mà ngay cả với những bậc trí thức. Trước bình luận về  kiến trúc của ngôi nhà viết văn trước đây thật tệ về mặt kiến trúc, “tỉ lệ nhốn nháo, kim cổ lộn xộn”… ông  Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội lên tiếng đồng tình trên mạng xã hội: “Một nhận xét xác đáng về kiến trúc của ngôi nhà! Nhốn nháo, lộn xộn của bánh ga tô và… nước mắm”. 

Thực ra về kiến trúc của ngôi nhà này, ngay từ khi khai sinh đã có nhiều ý kiến khác nhau: Người nhìn ra giống… chùa, kẻ lại nhìn ra giống… cá. Nhưng nhận xét cá nhân thẳng thừng của vị Hiệu trưởng đã vấp phải luồng dư luận khá giận dữ trên mạng xã hội, bởi ông vô tình đã đánh vào miền kí ức tốt đẹp của nhiều cựu sinh viên. 

Một ý kiến bày tỏ: “Tôi đã khóc vì phán xét này của thầy hiệu trưởng ĐH Văn hóa Hà Nội đương thời. Với tôi, kiến trúc như thế nào, tôi không quan tâm, nhưng tôi yêu ngôi nhà ấy”. Có người còn liên tưởng từ trường viết văn Nguyễn Du đến… Văn Miếu: “Tôi nghĩ nếu ông có “đam mê” phá bỏ, thì chỉ nên phá bỏ các phòng học để xây mới, phần còn lại của ngôi chùa nên tu sửa bảo tồn (…) Nếu ông bảo tồn được không gian kiến trúc cũ, biết đâu mai sau, không gian này sẽ là điểm đến cho những người yêu văn chương, cũng có thể, nó là biểu tượng cho một sự nỗ lực về sự vượt thoát văn chương ra khỏi biên giới nước nhà, giống như Văn Miếu, là nơi cho người ta nghĩ tới sự học vậy”.

Trường viết văn Nguyễn Du đã trải qua nhiều lần đổi tên. Trước dư luận về việc xây dựng lại trường giống như “bắn vào quá khứ bằng súng lục” ông Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, cởi mở tâm sự: “Sửa đẹp đẽ, khang trang là câu trả lời chính đáng nhất. Có những ý kiến của sinh viên cũ phản đối vì hoài niệm hình ảnh đẹp đẽ của nó, chứ không biết bên trong như nào, mối mọt ra sao, mong muốn của trường là xây dựng khoa Viết văn- Báo chí. 

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép chúng tôi đào tạo ngành báo chí, trước đây chỉ là chuyên ngành viết báo của ngành sáng tác văn học. Bây giờ, chính thức được đào tạo nghề báo rồi. Nhà trường muốn nâng viết văn, báo chí lên một tầm cao mới bằng diện mạo mới, phù hợp với thời đại.

Chúng tôi coi ngành viết văn như đặc sản, truyền thống của nhà trường, rất trân trọng. Tuy nhiên, cái phòng nhỏ nhỏ, chỉ phù hợp với 30 năm về trước, bây giờ cần thay đổi. Toàn bộ hệ thống mối mọt xông, những căn phòng xập xệ, mấy năm gần đây vào khoa này âm u như cái nhà hoang. Tết nhất Ban giám hiệu đi chúc tết thường nói đùa với nhau: Đi chúc tết vùng sâu, vùng xa”.

Hiện nay, ngôi nhà viết văn cũ đang được đơn vị thi công xử lí phần tháo dỡ. Dự kiến khoảng 4 đến 5 tháng nữa, Khoa Viết Văn- Báo chí, tức Trường viết văn Nguyễn Du trước đây sẽ có diện mạo mới trên nền kết cấu cũ (cho nên mới gọi là “đại tu”). Có hay không việc xây dựng lại ngôi nhà viết văn để lấy chỗ… cho thuê, kinh doanh. Vị đứng đầu nhà trường khẳng định: Không bao giờ có chuyện như dư luận nói, 3 tầng của ngôi nhà hoàn toàn phục vụ mục đích giảng dạy.

Nhà thơ, nhà báo Lữ Thị Mai: Đừng lên tiếng cảm tính

Xây lại trường viết văn Nguyễn Du: Ồn ào quanh “bánh ga tô và... nước mắm” ảnh 2
Về tình cảm thì không chỉ riêng tôi mà tất cả những học viên của Trường viết văn Nguyễn Du đều có tình cảm thiết tha với trường, kính trọng các bậc tiền bối đã xây dựng nên trường. Ai cũng yêu kí ức, yêu kỷ niệm, đặc biệt là giới nghệ sỹ nhưng thiết tha với ký ức và thay đổi hiện tại là hai việc cần phải nhìn độc lập. Giống như việc chúng ta yêu một căn nhà cũ kỹ nhưng bố mẹ ta ở đó, ký ức cái nghèo của ta còn đó nhưng không ai có thể giữ mãi được căn nhà như thế khi hàng xóm đã thay đổi, cấu trúc xung quanh đã thay đổi. Tôi quan tâm nhất là thế hệ sau này được thụ hưởng từ môi trường học tập mới ra sao, kế thừa được gì từ quá khứ?

Việc yêu trường còn thể hiện ở chỗ, mình có thường xuyên về trường hay không, hay cả năm, cả đời mình cũng chẳng về,  bây giờ nghe đâu nó thay đổi thì lại lên tiếng một cách cảm tính”.

Nhà thơ Dương Thuấn: Không bao giờ đẹp hơn cũ

Xây lại trường viết văn Nguyễn Du: Ồn ào quanh “bánh ga tô và... nước mắm” ảnh 3
“Chưa cần đập đi đâu, lụt thì có sao đâu? Khi người ta chưa xây tầng, như thời bọn tôi mới lụt chứ. Chắc người ta xây dựng để kinh doanh cái gì chứ, nghe nói xây nhà cho thuê. Xây lại không bao giờ đẹp hơn cái cũ cả vì cái cũ đã đẹp thế rồi cơ mà”.

Nhà văn Thái Bá Lợi: Tranh luận về cái nhà có mối xông làm gì?

Xây lại trường viết văn Nguyễn Du: Ồn ào quanh “bánh ga tô và... nước mắm” ảnh 4
“Cái trường có còn đâu, bây giờ là cái Khoa Viết văn- Báo chí của Trường Đại học Văn hóa rồi. Cho nên cái xác nhà thì ý nghĩa gì? Trường đã mất tên từ lâu. Cả cái trường còn xóa được thì cái nhà có mối xông còn để làm gì mà tranh luận?”. 

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.