Xây dựng thương hiệu cho hàng 'Made in Vietnam'

“Giá trị để lại ở một quốc gia là bao nhiêu mới quan trọng, “Made in” ở đâu không còn quá quan trọng nữa. Ai, thương hiệu nào là người chịu trách nhiệm cuối cùng với người dùng mới quan trọng nhất. Hàng hóa sản xuất ở đâu cũng được nhưng muốn vào Mỹ, Nhật là chuyện không hề đơn giản.” – Luận điểm sắc bén đi ngược lại nhân thức thông thường tại Chương trình đối thoại về Thương hiệu Việt

Quan trọng là giá trị để lại cho đất nước

Phát biểu tại buổi tọa đàm về thương hiệu Việt tổ chức ngày 29/12, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse chia sẻ về giá trị của việc xây dựng thương hiệu. Điều đáng nói, năm 2020, Sunhouse tiếp tục là thương hiệu duy nhất trong ngành hàng gia dụng có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia.

Xây dựng thương hiệu cho hàng 'Made in Vietnam' ảnh 1  

Ông Phú cho rằng: “Một sản phẩm khi được công nhận là thương hiệu quốc gia thì đầu tiên người tiêu dùng tăng niềm tin với sản phẩm đó. Đây là giá trị vô hình không thể đo đếm được bằng tiền. Giá trị tinh thần với chủ doanh nghiệp, đội ngũ cho cán bộ, nhân viên, nỗ lực hơn nữa để tạo ra những sản phẩm không làm hổ danh đất nước”.

Ông Nguyễn Xuân Phú chia sẻ: Việc đưa được thương hiệu ra nước ngoài không phải đơn giản, phải từng bước. Mỗi doanh nghiệp phải tự lần mò con đường đi của mình. Như vậy, nếu dám xây dựng thương hiệu, dám đầu tư vào hệ thống quản lý chất lượng thì quốc gia cũng phải đầu tư vào hệ thống chất lượng, phải tập trung đầu tư cho truyền thông marketing tốt. Làm được vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều thương hiệu nổi tiếng. Nhiều thương hiệu đi ra được toàn cầu thì đương nhiên thương hiệu quốc gia cũng sẽ phát triển.

“Thương hiệu quốc gia muốn phát triển phải phát triển các hạt nhân là thương hiệu sản phẩm, tức là thương hiệu sản phẩm vươn ra thị trường toàn cầu, được người dùng tín nhiệm, sử dụng” ông Nguyễn Xuân Phú nhận định.

Theo ông Phú, cần làm rạch ròi chuỗi giá trị trong sản phẩm. Trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay, một doanh nghiệp có thể đặt nhà máy ở Việt Nam, nghiên cứu phát triển (R&D) ở Hàn Quốc, nguyên liệu ở Trung Quốc…, miễn sao tạo cho sản phẩm có giá thành tốt nhất, chất lượng tốt nhất. Còn thương hiệu của quốc gia nào đăng ký thương hiệu ở quốc gia đó. Bản chất hàng “made in Việt Nam” là hàng để lại giá trị nhiều cho Việt Nam chứ không phải là hàng sản xuất ở Việt Nam. Ví dụ, iPhone thương hiệu của Mỹ nhưng lại sản xuất tại Trung Quốc.

Ông Phú cho rằng giá trị để lại ở quốc gia đó bao nhiêu mới quan trọng, chứ “Made in” ở đâu không quan trọng. Ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng với người dùng mới quan trọng nhất. Hàng hóa sản xuất ở đâu cũng được nhưng muốn vào Mỹ, Nhật là chuyện không hề đơn giản.

Đối với Sunhouse, doanh nghiệp này cũng đã đầu tư mạnh cho hoạt động R&D. Nhiệm vụ chính của R&D là cải tiến các dòng sản phẩm cũ (về công năng, hiệu năng); gia tăng tỉ lệ nội địa hóa các dòng sản phẩm OEM theo tiêu chuẩn phù hợp với người Việt (một phần trong số đó để giảm giá thành sản phẩm, hướng đến đại đa số người dùng hơn).

Cần sự hợp tác với nước ngoài

Bà Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch HĐQT DN Khoa học và Công nghệ Ngân cho rằng: Để xây dựng được một thương hiệu tốt phải đi từ nền móng vững chắc, phải có sản phẩm tốt, chăm sóc khách hàng tốt, marketting tốt… Muốn làm được điều đó, một mình người Việt là không đủ.

“Ví dụ, tôi đang phải mời nhà đầu tư để đầu tư cùng với tôi, vì một mình tôi không thể cáng đáng được. Lúc đó, tỷ lệ phần trăm cho nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu, mặc dù hiện tại tôi là thuần Việt: Sáng chế của người Việt, người Việt sản xuất trên đất Việt. Nhưng nếu tôi cứ ì ạch mãi như vậy, không kêu được nguồn đầu tư và không phát triển được thì dần dần tôi lụi tàn đi”, bà Loan đắn đo và lo lắng 60 thị trường công ty đang có mặt sẽ không phát triển được.

Bà Loan mong muốn có nguồn đầu tư của nước ngoài vào, có tài chính, quản trị, marketing giỏi để đẩy thương hiệu lên và có thể phát triển ra toàn cầu.

“Khi sản phẩm của chúng tôi có chữ made in Vietnam đi ra được toàn cầu, thì dần dần sẽ xây dựng được thương hiệu của Việt Nam ra toàn cầu. Đó là tác động qua lại. Nói một cách nào đó, thương hiệu là của dân tộc, là rất thiêng liêng. Nhưng nếu chỉ mình tự phát triển thì coi chừng mình sẽ không theo kịp thời đại”, bà Loan chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia thương hiệu, Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV cho rằng: Nếu tôi muốn thương hiệu của tôi là thương hiệu toàn cầu, thì tôi phải có cái nhìn toàn cầu. Tất nhiên toàn cầu là phạm vi rất rộng, không thể ngay lập tức chiếm lĩnh toàn bộ các thị trường toàn cầu. Lúc đó chúng ta phải xem đâu là thị trường trọng tâm của mình.

Xây dựng thương hiệu cho hàng 'Made in Vietnam' ảnh 2  

Ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh: “Một trong những điểm yếu của thương hiệu Việt Nam là tầm nhìn của chúng ta. Chúng ta có sẵn sàng cạnh tranh ở tầm toàn cầu hay không hay bằng lòng với thị trường trong nước, hay bằng lòng thi đấu ở thị trường Đông Nam Á. Phần lớn quốc gia thành công khi xây dựng thương hiệu quốc gia đều nhấn mạnh tầm nhìn toàn cầu của các thương hiệu. Các thương hiệu phải chấp nhận đi ra nước ngoài để tranh đấu. Khi tranh đấu ở thị trường toàn cầu, họ chưa chắc đã thắng. Nhưng ít nhất ở thị trường khu vực họ cũng sẽ rất mạnh.”

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) Việt Nam trong 17 năm qua nhiều hoạt động triển khai như nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội. Câu chuyện thương hiệu được quan tâm hơn, tuy nhiên đâu đó các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được rõ ràng vai trò của thương hiệu. Thậm chí, ý thức về giá trị thương hiệu thế nào với doanh nghiệp vẫn còn mông lung.

Lãnh đạo Cục XÚc tiến thương mại cho rằng cần xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua xây dựng sản phẩm. Nhiều nước tự bỏ kinh phí ra để đầu tư xây dựng thương hiệu quốc gia đó. “Ở Việt Nam, chúng tôi kiến nghị xây dựng thương hiệu sản phẩm mạnh mới có thương hiệu doanh nghiệp mạnh, từ đó quảng bá Thương hiệu quốc gia”, ông Chiến nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG