Xây dựng nền công vụ tận tụy, trong sạch

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
TP - Để Việt Nam bứt phá mạnh mẽ, không sa vào bẫy thu nhập trung bình, không bị tụt lại trong cuộc đua tiến đến sự khá giả và phồn vinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành cùng quyết tâm xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, loại trừ tham ô, nhũng nhiễu; kịp thời thay thế những cán bộ kém năng lực và thiếu nhiệt huyết…

Ngày 28/12, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Đây cũng là lần đầu tiên hội nghị của Chính phủ có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng dự còn có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đại diện các cơ quan của Đảng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tăng trưởng cao từ lợi thế so sánh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2017, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, phức tạp, hạn chế, thiên tai nặng nề, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng với sự quyết tâm, kiên định, đến nay tất cả các chỉ tiêu Quốc hội đưa ra đều đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó tăng trưởng chủ yếu đến từ tiềm năng, lợi thế so sánh của các ngành và các địa phương.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn cảnh báo, “nếu bằng lòng hoặc chủ quan với kết quả đó và không tiếp tục nỗ lực thì quán tính sẽ không còn và cỗ máy phát triển sẽ dừng lại”. Bởi ngoài thuận lợi, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, chất lượng và tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhưng chất lượng, hiệu quả, quy mô hoạt động, sức cạnh tranh còn thấp.

“Chủ tịch, bí thư các địa phương không lên trung ương biếu xén nữa, tốn kém, huy động ngân sách, viết hóa đơn giả, tạo nên chứng từ thế này thế khác, đi huy động chỗ này chỗ kia... Ta chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở ngay bây giờ thì mới chuyển biến được”. 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Một số ngành, địa phương vẫn còn các thủ tục, điều kiện gây trở ngại sản xuất, kinh doanh, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp. “Cắt thủ tục này lại mọc ra thủ tục khác, vì lợi ích của bộ mình, sở mình, địa phương mình, thì cái đó là cái rất nguy nan”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, có nhiều việc nói nhưng không làm, nên mới trì trệ. “Phải mạnh mẽ trong chuyện này để lời nói và việc làm đi đôi với nhau, chứ không phải ai cũng nói nhưng không ai thực hiện”, Thủ tướng yêu cầu.

Lãnh đạo Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, những hạn chế, bất cập, yếu kém trong lĩnh vực kinh tế - xã hội chậm được cải thiện có mấu chốt từ con người thực hiện. Do đó, muốn tái cơ cấu thành công, muốn khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém thì trước hết phải bố trí lại đội ngũ cán bộ, thay đổi cách làm việc của bộ máy.

“Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp phải làm sao để Việt Nam bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, để Việt Nam không bị giẫm chân vào chiếc bẫy thu nhập trung bình, không bị tụt lại trong cuộc đua tiến đến sự khá giả và phồn vinh cho mọi người dân Việt Nam và không một ai phải đứng bên lề của sự phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng nền công vụ tận tụy, trong sạch ảnh 1 Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội nghị. Ảnh: Q.H.

Loại trừ tham ô, nhũng nhiễu

Về nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng nêu ra phương châm 10 chữ là: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”. Trong đó, Chính phủ sẽ siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ.

“Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế. Hãy sáng tạo và sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, luôn tìm ra giải pháp tốt, tối ưu để đáp ứng yêu cầu năng động và cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh mới với công nghệ liên tục thay đổi; phải làm sao để sử dụng nguồn lực của dân ít nhất nhưng đem lại hiệu quả phục vụ nhân dân tốt nhất”.

Dẫn thực tế về tình trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ tướng đặt vấn đề các cấp chính quyền có đối thoại với dân không. “Tất cả những việc khiếu nại này chủ yếu là đất đai, giải phóng mặt bằng, địa phương không làm, cứ đẩy lên trung ương”, Thủ tướng nói. “Chính phủ do dân, vì dân mà dân đi khiếu nại quá trời đất thì làm sao". “Dân địa phương nào kéo ra Hà Nội khiếu nại sẽ mời chủ tịch tỉnh ra nhận nhân dân về, giải quyết”, Thủ tướng nói.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong năm 2018, Chính phủ quyết định dừng việc giao bổ sung biên chế, chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số lượng đã được cấp có thẩm quyền giao. Chính phủ cũng sẽ quyết liệt giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao, giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Dự thảo Nghị quyết nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày, đề ra 4 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; thành lập mới khoảng 135.000 doanh nghiệp; dư nợ công khoảng 63,9%...

4 trọng tâm chỉ đạo điều hành gồm: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập...

Trong số 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có việc chấn chỉnh những bất cập trong các dự án BOT; tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng yếu (cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không Long Thành…); thành lập ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, trong năm 2017, Chính phủ tích cực triển khai có kết quả các Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XII); đã thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Vinamilk, bảo đảm công khai minh bạch, chống thất thoát, lợi ích nhóm, thu về gần 120.000 tỷ đồng; quyết liệt xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, thất thoát và đạt được kết quả bước đầu...

“Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, dịch vụ theo hướng khuyến khích đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Những kết quả nổi bật về kinh tế, xã hội năm 2017:

* Tăng trưởng GDP đạt 6,81%.

* Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 420 tỷ USD; xuất siêu 2,7 tỷ USD.

* Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%.

* Thị trường chứng khoán vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008.

* Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 33,3% GDP, tăng 12,1%.

* Gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký  tăng 45,4%

TPHCM triển khai cơ chế chính sách đặc thù từ đầu năm 2018

Ngày 28/12, báo cáo tại tại buổi họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2018, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM ngay từ Quý I/2018 với 21 nội dung, đề án cụ thể.

Ông Phong cam kết trong quá trình triển khai, TPHCM sẽ thực hiện tốt quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia nhằm đánh giá tác động xã hội trước khi ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù.

“TPHCM quyết tâm triển khai thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội, xứng đáng với niềm tin mà Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước đã dành cho để TPHCM có điều kiện phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước”, ông Phong cam kết.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM kiến nghị Chính phủ điều chỉnh một số Nghị định theo hướng tiếp tục phân cấp mạnh mẽ trên một số lĩnh vực, như phân cấp cho UBND TPHCM được quyết định số lượng cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và UBND quận, huyện; phân cấp cho các cơ quan chuyên môn của TPHCM tổ chức thẩm định thiết kế đối với các công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố, kể cả công trình cấp I và cấp đặc biệt.

Huy Thịnh

MỚI - NÓNG