Xây dựng giải pháp tổng thể ứng phó thiên tai

TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết, sắp tới, Bộ sẽ giao các cơ quan, tiếp tục rà soát, xây dựng đề án tổng thể ứng phó thiên tai trình Chính phủ.

Ông Thắng cho biết, miền Trung là khu vực trọng điểm của thiên tai, từ hạn hán đến lũ lụt, do vậy, cần phải có một giải pháp tổng thể. “Tuy nhiên, ở đây, không thể đưa một giải pháp kiểu chống chọi với thiên tai, mà cần giải pháp mềm, phù hợp với thực tế”- ông Thắng nói.

Thứ trưởng Thắng lấy ví dụ: Về mùa vụ, tìm cách nâng cao năng lực dự báo thiên tai để cảnh báo cho người dân, để chủ động phòng, tránh. Sử dụng đất một cách hợp lý, tăng cường quản lý đất đai, cơ sở hạ tầng vùng lũ. Hiện chúng ta xây dựng nhiều cống không đủ kích cỡ để thoát lũ, làm đường, xây nhà dân nhưng cản lũ, nên có giải pháp để giảm tác động đó.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, cần quy hoạch, sắp xếp, rà soát lại dân cư vùng lũ, nơi thường xuyên bị ngập sâu, lưu ý về hạ tầng như nhà trẻ, trường học, đảm bảo khi lũ xảy ra không bị thiệt hại.  Đặc biệt, xem xét vấn đề bảo vệ, và phát triển rừng để điều hoà nước, cản lũ, tăng nước ngầm; phổ biến kiến thức về ứng phó thiên tai, nhất là cho
trẻ em…

Theo ông Thắng, ngoài giải pháp mềm, về hạ tầng, cần xem xét, rà soát việc gì cần thiết, ưu tiên thì đề xuất làm sớm. Bộ NN&PTNT đang xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp cho lưu vực sông, đồng thời vận động các nguồn tài trợ quốc tế và trong nước để làm, đặc biệt là các lưu vực sông miền Trung.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho biết, với khu vực miền Trung, Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn trình Quốc hội. Bộ NN&PTNT cũng chủ động vận động các nguồn ODA, để xuất các nguồn vốn từ vốn trái phiếu Chính phủ. Hiện cơ bản được Quốc hội cân đối và thông qua tổng nguồn vốn cho chương trình này.

“Chẳng hạn ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, với các hồ chứa và trữ nước hiện chúng ta đã cân đối một phần cơ bản, kéo từ Bình Định đến Bình Thuận đến các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, trong chương trình an toàn đập, Ngân hàng Thế giới đã cho vay khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó tập trung cho miền Trung, Tây Nguyên”, ông Thắng nói.

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, trên cả nước, thiên tai đã làm 235 người chết và mất tích, ước tính thiệt hại hơn 37.650 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD). Trong đó, khu vực miền Trung, Tây Nguyên từ trung tuần tháng 10 đến nay, có tới 5 trận lũ, gây thiệt hại nặng nề về người và hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, có địa phương “đã kéo hạ tầng về 10 năm trước”.

MỚI - NÓNG