Xây dựng cơ chế để 'hiệp sỹ đường phố' chống trộm cướp

TPO - “Tội phạm hiện nay rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ khí nóng để chống trả. Nếu cứ để các hiệp sỹ “đơn độc”, không có cơ chế phối hợp với lực lượng công an thì hiểm nguy rất lớn”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói.

Hiệp sỹ có nghĩa hiệp và tố chất bắt trộm cướp

Trao đổi với Tiền Phong về vụ việc 2 hiệp sỹ ở Sài Gòn bị các đối tượng trộm cướp tấn công dẫn đến tử vọng, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội bày tỏ: “Đây là vụ việc rất buồn và có nhiều điều đáng phải suy ngẫm”.

Theo Tướng Hồng, mô hình “hiệp sỹ đường phố” đã xuất hiện từ lâu ở các tỉnh Đông Nam Bộ, nhất là Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Phần lớn các hiệp sỹ đều có năng khiếu, có lòng dũng cảm, khả năng nhạy bén trong việc phát hiện tội phạm – đó là tố chất mà không phải ai cũng làm được.

“Nhiều trường hợp, hoàn cảnh kinh tế gia đình hết sức khó khăn, là công nhân, sinh viên nhưng họ lại có lòng nghĩa hiệp, sự dũng cảm, đấu tranh với các đối tượng “trộm cắp, cướp giật”, Tướng Hồng nói.

Xây dựng cơ chế để 'hiệp sỹ đường phố' chống trộm cướp ảnh 1 Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh.

Từ thực tế tìm hiểu, vị Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, ở một số nơi, mô hình hiệp sỹ đường phố hoạt động tương đối hiệu quả, nhất là trong việc ứng cứu các vụ tai nạn giao thông, phát hiện trộm cắp, cướp giật, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

“Tôi được biết, ở Bình Dương, chính quyền cũng đã ban hành quy chế, quy định để phát huy vai trò của các đội hiệp sỹ và cũng là để hoạt động đó phù hợp với các quy định pháp luật, không vượt quá giới hạn”, ông Hồng nói.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa hiệp sỹ và công an

Tuy nhiên, theo ông Hồng, tình trạng tội phạm hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp hơn. Các băng nhóm tội phạm, trộm cắp, cướp giật rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị truy đuổi. Do đó, công tác phòng chống tôi phạm ở TP.HCM cũng phải chuyên nghiệp, bài bản có hiệu quả hơn.

Vì thế, các hiệp sỹ khi tham gia chống trộm cắp, cướp giật cũng cần phải có sự hướng dẫn, quản lý, gắn với cơ chế trong hoạt động. Ví dụ có thể để các hiệp sỹ tham gia vào lực lượng dân phòng, tổ dân phố để thực thi nhiệm vụ cho phù hợp.

Ngoài ra, theo ông Hồng, lực lượng công an cần xây dựng một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các hiệp sỹ đường phố với lực lượng công an. Ví dụ như khi hiệp sỹ phát hiện các nhóm đối tượng có dấu hiệu trộm cắp thì có thể theo dõi rồi báo cho lực lượng công an gần nhất để phối hợp bắt giữ.

“Nếu cứ để các hiệp sỹ chỉ đơn độc thực hiện thì trong bối cảnh tội phạm manh động, sẵn sàng sử dụng “hàng nóng” để chống trả thì rất dễ gây ra thiệt hại cho bản thân các hiệp sỹ và những người dân xung quanh’, Tướng Hồng nói.

Ông Hồng cũng cho rằng, TP.HCM cần tính toán lập lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự trên đường phố, chống nạn cướp giật như mô hình 141 mà Hà Nội đã từng thực hiện. “Việc chống trộm cắp cần phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản, có trách nhiệm, trong đó chú ý phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác phòng chống”, ông Hồng nói.

MỚI - NÓNG