Xây đắp niềm tin, trách nhiệm cho thanh niên Quân đội

Thông qua việc thực hiện Đề án, đã giúp cán bộ, chiến sĩ vững niềm tin trong cuộc sống, yên tâm công tác và cống hiến cho Quân đội, đất nước. Ảnh: Nguyễn Minh
Thông qua việc thực hiện Đề án, đã giúp cán bộ, chiến sĩ vững niềm tin trong cuộc sống, yên tâm công tác và cống hiến cho Quân đội, đất nước. Ảnh: Nguyễn Minh
TPO - 3 năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, ĐVTN trong Quân đội đã mang lại hiệu quả sâu rộng trên nhiều mặt. Thượng tá Trần Viết Năng, Ủy viên Thường vụ T.Ư Đoàn, Trưởng ban Thanh niên Quân đội chia sẻ về những kết quả nổi bật này. 

Trong 3 năm (2018-2020), toàn quân có 99,89% cán bộ, ĐVTN chấp hành nghiêm kỷ luật; 90,41% tổ chức Đoàn đạt vững mạnh. Kết quả này đã phản ánh điều gì, thưa anh?

 Hôm nay (27/11), Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức sơ kết  3 năm thực hiện kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh niên Quân đội giai đoạn 2010-2015 đến năm 2020”. Tại hội nghị, 79 tập thể, cá nhân xuất sắc sẽ được vinh danh, trao thưởng.

Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, các cấp lãnh đạo đã chỉ đạo tổ chức Đoàn trong toàn quân triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án; kịp thời cụ thể hóa, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn đơn vị. Đề án thực sự mang lại hiệu quả sâu rộng, đi vào trực tiếp giải quyết các vướng mắc, góp phần nâng cao nhận thức và đả thông tư tưởng cho cán bộ, ĐVTN.

Xây đắp niềm tin, trách nhiệm cho thanh niên Quân đội ảnh 1 Thượng tá Trần Viết Năng, Ủy viên Thường vụ T.Ư Đoàn, Trưởng ban Thanh niên Quân đội (bên trái) chia sẻ với PV Tiền Phong về những kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án.

Điều này có được là nhờ công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, quán triệt các văn bản về pháp luật, kỷ luật cho thanh niên được tăng cường; các đợt sinh hoạt chính trị chuyên đề về công tác giáo dục, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, từ cấp toàn quân trở xuống cấp cơ sở, đã tổ chức tốt tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, PBGDPL cho đội ngũ cán bộ Đoàn, cán bộ đảm nhiệm công tác thanh niên. Triển khai có hiệu quả các cuộc vận động và ngày hội, hội thi “Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông”. Chú trọng nhân rộng mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến…

Vai trò của tổ chức Đoàn và cán bộ Đoàn được thể hiện ra sao trong việc thực hiện Đề án này?

 Kết quả thực hiện Đề án tại mỗi cơ quan, đơn vị đã trở thành tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động, thành tích hằng năm của các tập thể, cá nhân. Nếu tổ chức Đoàn không đạt vững mạnh thì thành tích của tổ chức Đảng ở đơn vị đó cũng bị ảnh hưởng, vì thế đã tạo động lực phấn đấu, thi đua một cách cụ thể và thiết thực.

Chúng tôi luôn xác định rằng, tổ chức Đoàn và mỗi cán bộ Đoàn chính là nơi để ĐVTN của mình gửi gắm niềm tin và sẻ chia những khó khăn, vướng mắc trong công tác và đời sống thường nhật. Nhờ vậy, nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm kỷ luật, pháp luật như đào bỏ ngũ, trộm cắp hay thậm chí có ý định tự tử do buồn chán chuyện gia đình… đã được nắm bắt và ngăn chặn kịp thời. Từ nhận thức đúng thì cán bộ, ĐVTN sẽ có hành động đúng và không vi phạm kỷ luật, pháp luật.    

Xây đắp niềm tin, trách nhiệm cho thanh niên Quân đội ảnh 2 Mô hình điểm “Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân” của Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đã góp phần hạn chế vi phạm kỷ luật của quân nhân mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, vướng mắc về tư tưởng nhưng không được giải quyết kịp thời.

Thời gian qua, các mô hình “Chi đoàn không có cán bộ, ĐVTN vi phạm kỷ luật, pháp luật” và “Chi đoàn không có cán bộ, đoàn viên hút thuốc lá” được áp dụng ở tất cả các chi đoàn trong toàn quân với 100% cán bộ, ĐVTN đăng ký thực hiện, là một trong những tiêu chí đánh giá, phân tích chất lượng và bình xét khen thưởng công tác Đoàn hàng năm. Hay các mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi, mỗi tuần 1 điều luật”, “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Tháng, tuần điều lệnh”, “Chi đoàn không có thanh niên đào, bỏ ngũ”, “Chi đoàn 4 tốt - 1 nghiêm”, “Chi đoàn 5 tiên phong”,“Xử trí tình huống pháp luật, kỷ luật”… được đại đa số các đơn vị thực hiện trong phạm vi rộng, với tiêu chí, cách làm sát thực tiễn.

Bên cạnh việc xây đắp niềm tin, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, ĐVTN trong Quân đội, Đề án đã lan tỏa trong cộng đồng như thế nào, thưa anh?

 Để giữ gìn, phát huy hơn nữa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời đại hội nhập và phát triển, tuổi trẻ Quân đội đã xung kích và dấn thân trên mọi lĩnh vực công tác. Trong quá trình thực hiện Đề án này, đã xuất hiện nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo.  

Tiêu biểu như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã phối hợp triển khai nhiều mô hình PBGDPL cho thanh niên đơn vị và thanh, thiếu nhi, bà con nhân dân địa phương. Trong đó nổi bật là các mô hình “Tiết học vùng biên” của Biên phòng tỉnh Đắk Nông, “Biên giới, pháp luật với học đường” của Biên phòng tỉnh Điện Biên, “Một ngày cùng chiến sỹ biên phòng” tại Biên phòng tỉnh Tây Ninh, “Tổ tư vấn hỗ trợ thuyền viên” của Biên phòng tỉnh Bến Tre…

Xây đắp niềm tin, trách nhiệm cho thanh niên Quân đội ảnh 3 Từ năm 2013 đến nay, mô hình “Em yêu biển đảo quê hương” của lực lượng Cảnh sát biển đã được tổ chức tại 19 tỉnh, thành, với sự tham gia của 49 trường THCS, gần 1.300 lượt cán bộ, ĐVTN Cảnh sát biển, 4.000 lượt học sinh và trên 40 nghìn lượt cán bộ, giáo viên và bà con nhân dân.

Đặc biệt, mô hình “Em yêu biển đảo quê hương” đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ, ĐVTN học tập, nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng PBGDPL. Đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, biển đảo và kiến thức phòng, chống ma tuý, bạo lực học đường, tạo ấn tượng tốt đẹp, có sức lan tỏa lớn trong nhân dân và đã trở thành “thương hiệu” của thanh niên Cảnh sát biển. Năm 2019, mô hình này được T.Ư Đoàn tặng giải thưởng Vừ A Dính và công nhận là Công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc.

Ngoài ra, hằng năm, Tổng cục Chính trị chỉ đạo Ban Thanh niên Quân đội chủ trì, phối hợp tổ chức Ngày hội “Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông” tại từng khu vực Bắc, Trung, Nam. Ngày hội ở mỗi khu vực có trên 3.000 ĐVTN Quân đội, Công an và các tỉnh, thành Đoàn tham gia. Thông qua mỗi ngày hội, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân địa phương một cách thiết thực, hiệu quả.

Cám ơn anh!

Thực hiện Đề án, các đơn vị đã tổ chức hơn 20 nghìn lượt hội thi, tọa đàm, trao đổi, diễn đàn, nói chuyện chuyên đề, sân khấu hóa về pháp luật, kỷ luật... kết hợp với thi đua đột kích, đồng thời vận dụng các hoạt động bổ trợ, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn thanh niên; đăng tải gần 150 nghìn tin, bài, phóng sự trên phương tiện thông tin nội bộ và các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Quân đội. 100% tổ chức Đoàn trong toàn quân thực hiện 2 đợt sinh hoạt chính trị chuyên đề “Thanh niên Quân đội “nói không” với vi phạm pháp luật, kỷ luật” và “Tuổi trẻ Quân đội xung kích thực hiện “Năm kỷ luật, kỷ cương 2020”.
MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.