Xăng dầu rởm gây hỏng động cơ, cháy xe

Một vụ cháy ô tô trơ khung trên đường vành đai 3 - Hà Nội cuối năm 2018 bị nghi ngờ liên quan chất lượng xăng. Ảnh: Thắng Ngọc
Một vụ cháy ô tô trơ khung trên đường vành đai 3 - Hà Nội cuối năm 2018 bị nghi ngờ liên quan chất lượng xăng. Ảnh: Thắng Ngọc
TP - Các nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, từ đề tài cấp trường đến đề tài cấp Nhà nước đã chỉ ra, xăng rởm có thể ăn mòn thiết bị, hỏng hóc động cơ, giải phóng khí ô nhiễm, đặc biệt là gây cháy nổ xe.

Nhiều loại phụ gia, dung môi được pha vào xăng

Khi tình trạng cháy nổ xe liên tiếp xảy ra cách đây vài năm, gây hoang mang dư luận, một chuyên gia của Viện Dầu khí chia sẻ với Tiền Phong về nguy cơ pha tạp chất vào xăng để tăng lợi nhuận. Ông cho biết, các dung môi có thể pha vào xăng thường có giá thành rẻ hơn và trị số  octan (RON) lớn hơn 100 (trong khi trị số octan của xăng A95 là 95) nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số octan của xăng, tăng lợi nhuận.

Theo vị chuyên gia này, dung môi có thể pha với xăng trước tiên phải đảm bảo nguyên tắc hòa tan tốt trong xăng. Xét trên nguyên tắc này, các chất có thể pha vào xăng gồm methanol, ethanol, acetone, methyl acetate, ethyl acetate, condensat, naphtha, ete dầu hỏa. Thậm chí các dung môi pha sơn cũng có thể được sử dụng. Khi pha các tạp chất này, chẳng hạn như acetone hay methanol ở tỷ lệ cao sẽ gây trương nở và ăn mòn động cơ, tăng nguy cơ rò rỉ xăng.

PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an chia sẻ, qua việc tham gia một số vụ án về xăng dầu khi đương nhiệm, ông thấy xăng có thể được pha rởm theo nhiều cách. Chẳng hạn như xăng được cho thêm dầu hỏa hoặc các hỗn hợp chất tương tự. Khi pha thêm dầu hỏa vào xăng, nếu ít thì xe vẫn chạy được, nhưng không “bốc”, hiệu suất kém, khi cho nhiều dầu hỏa hoặc xăng máy bay vào sẽ gây nguy hiểm như máy nóng, hiệu suất động cơ kém, chất thải khói đen nhiều, gây ô nhiễm môi trường và hơi dầu không cháy hết, rò rỉ ra ngoài cũng dễ gây ra hiện tượng cháy xe, khi gặp nguồn nhiệt hoặc tia lửa.

Một thủ đoạn khác làm xăng rởm để tránh sự kiểm tra của các đoàn đi lấy mẫu khi đo chỉ số RON, đó là cho thêm vào xăng một số chất oxygenat, chẳng hạn MTBE để nâng chỉ số octan tăng lên. Nếu phân đoạn hydrocacbon trong xăng không theo tiêu chuẩn quy định thì chất oxygenat làm tăng sự tạo khói và phát ra hơi độc nhiều hơn. Việc này cũng ảnh hưởng đến sự phát tán hơi của nhiên liệu và hiệu suất chuyển động của xe.

Thủ phạm gây cháy xe

Để làm rõ tác hại của xăng rởm với động cơ xe, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành tại Việt Nam sau sự cố cháy nổ xe kinh hoàng những năm 2011-2012.

Nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho thấy, trường hợp sử dụng xăng có chỉ số octan (RON) thấp hơn so với yêu cầu của động cơ hay xăng pha methanol, aceton và ethanol kém chất lượng thì nhiệt độ cục bộ tại các khu vực như nhớt bôi trơn, nước làm mát, thùng chứa mũ bảo hiểm, khu vực mô bin sườn và trong thùng nhiên liệu tăng lên từ 10 - 20 độ C. Điều này làm tăng khả năng phá hủy hệ thống ống dẫn nhiên liệu hoặc tăng áp suất hơi, làm rò rỉ xăng. Khi kết hợp với nguồn lửa có thể gây cháy.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ KH&CN, Bộ Công thương cùng nhiều cơ quan nghiên cứu đã phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp Nhà nước “Xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống cháy nổ ô tô, xe máy”.

Quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện khi pha trộn xăng A83 vào A92, các phụ gia methanol, ethanol, amin thơm đã bị lạm dụng làm tăng trị số octan của xăng. Họ tiến hành giả định các trường hợp xăng bị pha phụ gia giống như trên thực tế và phân tích tác động đến nguy cơ cháy nổ của xe.

Kết quả cho thấy, xăng pha các phụ gia như methanol, ethanol, các amin thơm sẽ dẫn đến hình thành các màng polymer làm tắt bơm xăng, vòi phun, làm trương nở cao su và các vật liệu polymer khi các chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu. Bên cạnh đó tạo ra nhiều bồ hóng và muội than khiến động cơ tăng nhiệt lên rất cao, làm nguy cơ cháy nổ càng hiện hữu.

Ngoài ra, xăng pha phụ gia trên dẫn đến hình thành các oxit sắt và mangan, dẫn đến làm hỏng bugi, bộ chuyển đổi xúc tác dẫn đến trục trặc động cơ, làm tăng nhiệt độ của động cơ và tăng nguy cơ gây cháy. Xăng rởm còn dẫn đến hình thành các hợp chất FeS trong muội ở ống xả xe - thủ phạm khiến xe bùng cháy dữ dội khi gặp nhiệt độ cao.

Nghiên cứu sau đó đã khẳng định, xăng rởm là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng cháy nổ xe.

PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, việc phát hiện ra xăng dầu giả chỉ sau khi chúng được tiêu thụ lượng lớn trên thị trường như vụ việc vừa qua cho thấy, việc quản lý  ngành dọc còn nhiều kẽ hở cần được chấn chỉnh kịp thời. Ông cho rằng, Chính phủ cần giao cho cơ quan chuyên môn xác định được thủ đoạn pha chế làm giả xăng dầu, từ đó giao cho Bộ Công thương tăng cường biện pháp quản lý một số hóa chất có thể làm phụ gia pha chế xăng rởm.     

Quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện khi pha trộn xăng A83 vào A92, các phụ gia methanol, ethanol, amin thơm đã bị lạm dụng làm tăng trị số octan của xăng. Họ tiến hành giả định các trường hợp xăng bị pha phụ gia giống như trên thực tế và phân tích tác động đến nguy cơ cháy nổ của xe.

Kết quả cho thấy, xăng pha các phụ gia như methanol, ethanol, các amin thơm sẽ dẫn đến hình thành các màng polymer làm tắt bơm xăng, vòi phun, làm trương nở cao su và các vật liệu polymer khi các chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu. Bên cạnh đó tạo ra nhiều bồ hóng và muội than khiến động cơ tăng nhiệt lên rất cao, làm nguy cơ cháy nổ càng hiện hữu.

MỚI - NÓNG