Xăng dầu liên tục tăng giá, siêu thị ở TPHCM trước sức ép của nhà cung cấp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chi phí vận chuyển bị đẩy lên sau khi xăng dầu liên tục tăng giá, thời tiết thất thường… đã tác động trực tiếp đến giá cả nhiều hàng hóa thiết yếu, trong khi nỗ lực ổn định giá của doanh nghiệp sản xuất đã đến giới hạn.

Giá cả nhảy múa

Bùi Thị Trang (công nhân Cty 3Q Vina chuyên về may mặc) thở dài khi thấy nhiều thực phẩm đã tăng giá so với đầu tháng 9/2023 tại các quầy thực phẩm khu chợ nhỏ trên đường Nguyễn Văn Luông (quận 6, TPHCM). Giá nhiều loại rau củ tăng thêm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.

“Trước đây, thịt đắt thì mình ăn trứng cho rẻ nhưng giá trứng bây giờ cũng tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/chục. Với mức giá này, mình đành phải mua ít lại vì mỗi bữa đi chợ, mình chỉ có thể mua khoảng 50.000 đồng cho gia đình 3 người” - chị Trang nói.

Xăng dầu liên tục tăng giá, siêu thị ở TPHCM trước sức ép của nhà cung cấp ảnh 1

Nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng giá khiến đời sống người dân thêm chật vật. Ảnh: U.P

Tại các chợ dân sinh, nhiều mặt hàng đã lập mặt bằng giá mới theo chiều hướng tăng. Bà Thủy, tiểu thương chợ Căn Cứ (quận Gò Vấp) cho biết, từ khi gạo tăng giá thì những thực phẩm rẻ nhất như bún, bánh ướt… tăng theo và hiện có giá từ 16.000 - 25.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng); đường cát vượt ngưỡng 30.000 đồng/kg (tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với tháng 7); mì gói, dầu ăn, sữa… tăng giá từ 10 - 20%.

Nhằm giữ ổn định giá từ nay đến cuối năm và Tết 2024, Sở Tài chính TPHCM vừa phê duyệt mức giá bán mới cho mặt hàng gạo, đường tham gia chương trình bình ổn thị trường của Cty CP Lương thực thành phố, Cty TNHH Gạo Vinh Phát Wilmar, Cty TNHH Lương thực Tấn Vương, Cty CP Thương mại Bách Hóa Xanh. Mức giá mới tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường 5%.

“Thông thường gần cuối năm, hàng hóa sẽ có thêm đợt tăng giá mới nhưng bây giờ nhiều mặt hàng giá đã tăng, nếu tiếp tục tăng thêm, e rằng buôn bán sẽ càng thêm khó khăn” - bà Thủy bộc bạch.

Giá cả hàng hóa tăng còn làm nhiều doanh nghiệp sản xuất lo “sốt vó”. Bà Nguyễn Thị Hồng Hà (chuyên sản xuất bún, phở khô xuất khẩu) cho biết, giá xăng dầu sau 5 - 6 lần tăng giá trong 2 tháng qua dẫn đến giá cước vận chuyển tăng, từ đó ảnh hưởng đến giá thành sản xuất. “Chúng tôi đang cố gắng cầm cự giữ giá. Nếu tăng bây giờ thì sẽ ảnh hưởng đến sức mua nhưng Cty khó cầm cự được lâu” - bà Hà chia sẻ.

Theo bà Huỳnh Phương Trinh, Phó tổng giám đốc Cty liên doanh Bột Quốc Tế (Intermix), từ đầu năm đến nay giá nhiều nguyên liệu đầu vào tăng cao, trung bình khoảng 15%. Thậm chí có nguyên liệu tăng đến 100% như bột bắp nhập từ các nước châu Âu tăng từ 25.000 đồng lên 50.000 đồng/kg. Lãnh đạo Intermix cho biết sẽ cố gắng giữ giá bán cho các khách hàng là nhà sản xuất đến cuối năm.

Phó Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM Nguyễn Đặng Hiến nhìn nhận, trong bối cảnh giá xăng dầu và một số nguyên liệu đầu vào tăng, việc tăng giá hàng hóa cũng chỉ là vấn đề sớm muộn.

Nỗ lực bình ổn

Đại diện hệ thống Saigon Co.op cho biết, hơn 2 tháng nay, đơn vị này nhận được đề nghị của hơn 100 nhà cung cấp về việc điều chỉnh tăng giá bán hàng hóa với lý do như giá điện, xăng dầu, chi phí logistics, hoặc các chi phí liên quan đến nguồn nguyên liệu đầu vào tăng… Đáng chú ý, giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm có liên quan đến nguyên liệu đầu vào như gạo, đường, dầu ăn, ngũ cốc… có xu hướng tăng. Có sản phẩm, nhà sản xuất đề nghị tăng đến 20%.

Trước sức ép tăng giá gạo, hệ thống siêu thị MM Mega Market đã làm việc trực tiếp với nhà cung cấp để có giá tốt nhất, tăng nguồn cung 2 - 3 lần so với trung bình lượng bán hàng trong 3 tháng gần nhất; đồng thời tăng khuyến mãi hỗ trợ khách hàng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức, trong tình hình kinh tế khó khăn, việc điều chỉnh tăng giá phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng.

Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết đang phối hợp với các sở, ban ngành, doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá, khuyến mãi để hạn chế tình trạng tăng giá hàng hóa, đồng thời giám sát chặt chẽ việc niêm yết giá nhằm ổn định thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” khi xăng dầu tăng giá.

MỚI - NÓNG