Viện Khảo cổ học hoàn thiện báo cáo gửi Bộ VHTTDL, UBND TP Hà Nội kết quả sơ bộ quá trình khai quật và thăm dò di chỉ Vườn Chuối. Các nhà khoa học một lần nữa khẳng định giá trị quý hiếm của di chỉ-chứng minh cho sự phát triển liên tục, kế thừa, tiếp nối xuyên suốt của thời đại kim khí ở thủ đô Hà Nội và phía Bắc Việt Nam. Cuối tháng 11, ông Ngô Văn Quý Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức).
Trước đó, các nhà khoa học và người dân thôn Lai Xá, xã Kim Chung lại lên tiếng về tình trạng xâm phạm gò Dền Rắn và Mỏ Phượng, chỉ ít lâu sau khi các nhà khoa học báo cáo kết quả khai quật. Theo đó, khoảng 90% khu vực Mỏ Phượng và hơn 50% Dền Rắn bị máy xúc, máy ủi phá hủy để làm đường nội bộ. Việc phá hủy này ảnh hưởng khá lớn tới quá trình nghiên cứu, khảo cổ toàn diện Di chỉ Vườn Chuối, bởi theo đánh giá của các nhà khoa học dù trải qua chín lần khai quật nhưng quy mô chưa xứng tầm và chưa đánh giá tổng quan giá trị của cả di chỉ hơn ba nghìn tuổi.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nghe Giám đốc Sở VHTT Hà Nội báo cáo và lấy các ý kiến của các bên như Viện Khảo cổ học, Cục Di sản văn hóa cùng các sở ban ngành liên quan. Lãnh đạo thành phố giao Sở VHTT chủ trì phối hợp với các Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hoài Đức và các đơn vị khác tổ chức khảo sát, xác định vị trí, ranh giới, diện tích chính xác ba khu di chỉ Vườn Chuối, gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng.
“Trên cơ sở xác định vị trí, ranh giới, diện tích chính xác đối chiếu với bản đồ quy hoạch khu vực, đề xuất phạm vi khảo cổ, phương án bảo tồn, khai quật di dời thích hợp từng địa điểm, bảo đảm vừa bảo tồn di sản vừa phát triển kinh tế xã hội bền vững”, lãnh đạo thành phố yêu cầu. Công việc khảo sát và khảo cổ này phải triển khai và báo cáo UBND thành phố trước 30/3/2020.
Quan điểm bảo tồn di chỉ Vườn Chuối có nhiều ý kiến khác nhau, các nhà khoa học cũng đề xuất ba phương án dựa trên thực trạng của di chỉ hiện nằm trọn trong vùng đất dự án xây dựng chung cư Kim Chung-Di Trạch.
Tuy nhiên, PGS.TS. Bùi Văn Liêm Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ phân tích phương án tối ưu nhất chính là bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ (Gò Vườn Chuối), tiến hành khai quật nghiên cứu và di dời khoảng 6.000m2 nửa phía Tây. Sau khi kết thúc nghiên cứu sẽ giải phóng mặt bằng nhằm trả lại mặt bằng phục vụ cho tuyến đường vành đai 3.5 của thành phố. Phương án này vừa có thể bảo tồn phần lõi của di chỉ, vừa không làm ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.
Để có cơ sở bảo tồn khu di chỉ Vườn Chuối, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung và nhiều nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu lịch sử trong buổi báo cáo kết quả khảo cổ đều cho rằng Hà Nội sớm xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích đối với di chỉ này. Di chỉ Vườn Chuối xứng đáng với danh hiệu di sản quốc gia và hơn thế, bởi niên đại của di chỉ cách nay khoảng 3.500 năm và là minh chứng cho sự xuất hiện của những cư dân đầu tiên ở Hà Nội.