Phát hiện quý giá
Sáng 22/10, giới khảo cổ, nghiên cứu lịch sử và văn hóa quy tụ tại khu di chỉ Vườn Chuối (Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức) nghe báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, thăm dò khu vực này gần nửa năm qua, cũng là đợt khai quật quy mô lớn nhất so với 8 lần khai quật trước. GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học (trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) báo cáo nhanh kết quả thăm dò ngay tại hai hố khai quật di chỉ Vườn Chuối.
PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học sau đó phân tích kết quả khai quật gò Vườn Chuối và thăm dò gò Dền Rắn, Mỏ Phượng với tổng diện tích khoảng 500m2 theo quyết định cho phép của Bộ VHTTDL. Công nghệ hiện đại giúp các nhà khai quật nghiên cứu tổng thể quy mô, diện phân bố và vị trí chính xác vùng lõi, vòng đệm và vùng phụ cận di chỉ Vườn Chuối. Địa tầng văn hóa khảo cổ học-như quyển sách ghi chép lại các lớp văn hóa ở các thời kỳ văn hóa khác nhau- ở Vườn Chuối được nhận xét “quá đẹp”. Ở đây xuất hiện lớp muộn của văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu-Gò Mun và đỉnh cao hội tụ văn hóa Đông Sơn.
Việc tìm ra địa tầng này là một trong những minh chứng cho sự phát triển liên tục, kế thừa, tiếp nối xuyên suốt của thời đại kim khí ở thủ đô Hà Nội và phía bắc Việt Nam. Các nhà khảo cổ cũng tìm được di tích như gò, bếp, di tích và di vật liên quan đúc đồng của cư dân Gò Mun, Đông Sơn-những tư liệu vật chất quan trọng. Di tích lớn và quan trọng khác là các mộ táng Đông Sơn, được xem là minh chứng sự phân chia giai cấp cũng như văn hóa tâm linh của thời đại kim khí ở cư dân sơ sử thủ đô.
“Từ di tích tới di vật như đồ đá, đồ đồng, xương và đặc biệt đồ gốm-một trong những minh chứng hùng hồn nhất- chứng tỏ diễn trình cư trú, định cư của cư dân sơ sử ở Hà Nội. Tất cả di tích, di vật giúp chúng tôi đánh giá những giá trị tiêu biểu, đặc sắc nhất của Vườn Chuối trong đợt khai quật này. Cùng với kết quả 8 đợt khai quật trước, cuộc khai quật này đi tới kết luận ban đầu về giá trị rất lớn của Vườn Chuối”, PGS Bùi Văn Liêm nói. Di chỉ này được xem là một trong những di chỉ tiền sơ sử phản ánh nhiều giai đoạn phát triển văn hóa liên tục từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn ở Hà Nội và phía Bắc còn sót lại.
Ba phương án bảo tồn
Trước khi có kết quả khai quật, các nhà khoa học từng hơn một lần kêu cứu cho di chỉ nghìn tuổi này. Thực tế di chỉ nằm trong đất dự án phát triển đô thị, hiện nay con đường vành đai 3.5 chạy cắt ngang gò Vườn Chuối với khu Dền Rắn và Mỏ Phượng. Các nhà khoa học đề xuất ba phương án bảo tồn, lo ngại nguy cơ xóa sổ vĩnh viễn di chỉ nghìn tuổi.
Phương án tối ưu được các nhà khoa học tâm đắc là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối với 12 nghìn m2 cùng với diện tích còn lại của Dền Rắn và Mỏ Phượng. Với biện pháp khoanh vùng bảo vệ, không xây dựng bất cứ công trình nào, các nhà khoa học tiếp tục khai quật, nghiên cứu làm rõ giá trị đặc trưng của di tích và xây dựng hồ sơ xếp hạng. Tuy nhiên ngay GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung nhận thấy hạn chế lớn nhất là sự xung đột gay gắt giữa di sản với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và hạ tầng giao thông của thành phố.
Phương án thứ hai, dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện. Các đơn vị chủ đầu tư xây dựng đường vành đai 3.5 và chủ đầu tư dự án khu đô thị Kim Chung-Di Trạch cần thực hiện khai quật di dời trước khi xây dựng theo Luật Di sản văn hóa.
Các nhà khoa học đề xuất phương án thứ 3, mong muốn bảo tồn một nửa di chỉ Vườn Chuối-khoảng 6 nghìn m2 phía Đông di chỉ, khai quật nửa còn lại ở phía Tây. Song hành với khai quật nghiên cứu là xây dựng hồ sơ di tích để xếp hạng kịp thời. Đây là phương án kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khảo cổ với phát triển kinh tế, giao thông của thành phố. Tuy thế phương án này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn.
Không bỏ phí di sản
GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho hay, đi đến đâu cũng nghe nói chúng ta có quá nhiều di tích, chỉ cần cuốc một nhát cuốc cũng tìm thấy di sản khảo cổ học, tuy nhiên cho tới nay Hà Nội gần như không có địa điểm khảo cổ học tiền sơ sử nào được bảo tồn, khai thác giá trị một cách hữu hiệu. “Ngoài Hoàng thành Thăng Long tôi nghĩ rằng chúng ta đến lúc báo động tình trạng các di sản lần lượt đội nón ra đi”, GS Dung nói.
Là người trực tiếp khảo cổ 8/9 đợt khai quật, GS Dung đề xuất phương án bảo tồn nguyên trạng, tuy nhiên bà cũng chỉ ra cần đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đồng thuận giữa các bên.
TS Phạm Quốc Quân đồng tình phương án bảo tồn nguyên trạng. Ông nhắc lại lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi dự hội nghị bảo tồn di sản rằng cái gì cũng có thể làm lại được nhưng di sản không bao giờ, nhất là di sản chứa đựng nhiều tầng văn hóa lại rất đặc trưng của thời kỳ kim khí như ở Vườn Chuối. TS Quân đề xuất nên biến cả di chỉ Vườn Chuối là công viên khảo cổ học, ở đó trồng những thảm cỏ và cây rễ nông không phá hủy tầng văn hóa, lại tạo ra không gian xanh cho đô thị. Một bảo tàng nhỏ nhắn trưng bày di vật khai quật rất phù hợp, bởi ngay cộng đồng Lai Xá cũng có hai bảo tàng ảnh rồi. Còn chuyện xếp hạng di tích là đương nhiên, ít nhất di chỉ xứng đáng di tích quốc gia.
Ý tưởng biến nơi đây thành nơi đào tạo các nhà khảo cổ học trẻ nhận được sự hưởng ứng của các nhà khoa học, nghiên cứu. TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học kể, nhóm các nhà khảo cổ từng phải nộp 100 bảng Anh phí khai quật 5 ngày ở một di tích phía Bắc nước Anh. Khu vực này do tư nhân quản lý nên họ còn bố trí căng tin bán đồ ăn trưa rất đắt đỏ, khu vực đồ lưu niệm cũng khai thác giá trị di chỉ đem lại nguồn lợi lớn. Một nhà nghiên cứu địa chất nói cây đa 200 tuổi trên đường Võ Chí Công còn phải bảo tồn, huống hồ di chỉ quý tới 3 nghìn tuổi. “Nếu không bảo tồn được là có tội”, vị này nói.