Lại phát hiện mộ táng Đông Sơn ở di chỉ 3.500 tuổi Vườn chuối

Những phát hiện giá trị ở di chỉ Vườn chuốiẢnh: FB Di chỉ vườn chuối
Những phát hiện giá trị ở di chỉ Vườn chuốiẢnh: FB Di chỉ vườn chuối
TP - Các nhà khảo cổ phát hiện thêm nhiều di vật sau một tháng khai quật khu di chỉ 3.500 tuổi Vườn Chuối.

MỘ TÁNG ÐÔNG SƠN

Bộ VHTTDL quyết định cho phép BQL Di tích Danh thắng Hà Nội phối hợp Viện khảo cổ học, Bảo tàng Nhân học (Trường ĐH KHXH&NV) thăm dò, khai quật khu di chỉ Vườn Chuối tại ba khu vực là Gò Vườn Chuối, gò Mả Phượng, gò Dền Rắn (Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức). Thời gian khai quật hết 30/11/2019, để thăm dò 300m2 và khai quật 200m2.

Bộ lưu ý: Trong thời gian thăm dò - khai quật, cần “chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa, chỉ công bố kết luận chính thức khi có thỏa thuận với cơ quan chủ quản và Cục Di sản Văn hóa”. Hiện vật thu được tạm thời do Bảo tàng Hà Nội bảo quản.

Sau một tháng khai quật, các nhà khảo cổ học báo cáo nhanh với đoàn kiểm tra của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội hôm 7/6. Họ phân tích bước đầu về một số phát hiện mới, giá trị đợt này. Một trong những phát hiện đáng giá nhất là mộ táng thuộc tầng văn hóa Đông Sơn vào khoảng 2.500-1.800 tuổi.

Mộ táng văn hóa Đông Sơn phát lộ, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một số đồ tùy táng đi kèm. GS Lâm Mỹ Dung giải thích, khu vực tìm thấy mộ táng là khu vực người dân thường xuyên canh tác nên không còn nhiều mộ táng có hiện vật còn nguyên vẹn. Thêm nữa, nạn đào trộm cổ vật ở khu di chỉ Vườn Chuối khiến các nhà khoa học và người dân Lai Xá lo lắng thời gian qua. Những kẻ đào trộm thường nhòm ngó các khu mộ táng, dùng máy dò kim loại để phát hiện di vật ở mộ táng-một trong những nguyên nhân khiến di vật bị thất thoát.

“Hiện bước đầu xác định được quy mô, thực trạng của Vườn Chuối, có tín hiệu ban đầu về các di tích và di vật. Chúng tôi phát hiện mộ táng, cho tới nay các nhà khai quật biết tới bốn mộ táng khác ở Vườn Chuối”, PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học báo cáo kết quả bước đầu với đoàn kiểm tra.

Trong phần báo cáo nhanh của GS. TS Lâm Mỹ Dung và PGS.TS Bùi Văn Liêm, các nhà khảo cổ nói thêm về nhiều di vật có giá trị khác vừa thu lượm được.

 “Hệ thống di tích gốm cho ta những tín hiệu về các giai đoạn phát triển ở Vườn Chuối. Bên cạnh đó, chúng tôi thu nhặt tư liệu động, thực vật. Tổng thể di vật thu được giúp các nhà khoa học nghiên cứu môi trường địa lí, sinh thái và nhân văn ở vùng Vườn Chuối”, PGS Bùi Văn Liêm đánh giá.

Lại phát hiện mộ táng Đông Sơn ở di chỉ 3.500 tuổi Vườn chuối ảnh 1  

SỚM CÔNG NHẬN DI TÍCH

Khu di chỉ Vườn Chuối từng trải qua tám lần khai quật, hiện trong lần khai quật thứ chín. Nhiều ngôi mộ táng và dấu vết mộ táng cùng với hệ thống di vật thể hiện quá trình hình thành, cư trú của con người trải qua các thời Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Sở dĩ nhiều lần giới khảo cổ và di sản kêu cứu là bởi khu vực này được coi là “ngôi nhà” của những cư dân Hà Nội đầu tiên.

Hệ thống di vật tìm thấy đủ chứng minh diễn trình hình thành nhà nước thời đại đồng thau rất sớm, tương đương thời đại tiền Hùng Vương trong khi những di chỉ khảo cổ ở Phú Thọ chưa có được hệ thống di vật quý này. “Với tám lần khai quật, đủ cơ sở đưa di chỉ Vườn Chuối thành di tích lịch sử văn hoá của Hà Nội, chưa nói cao hơn là cấp quốc gia hay di tích quốc gia đặc biệt”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Giá trị Di sản nói.

Từng viết thư kêu cứu lên UBND TP Hà Nội về số phận mong manh của di chỉ 3.500 tuổi này, PGS.TS Huy lấy làm tiếc vì Vườn Chuối vẫn chưa được lập hồ sơ xếp hạng di tích. Toàn bộ phần đất khoảng 19 nghìn m2 ở đây bị quy hoạch vào dự án Thăng Long 9 để xây dựng đô thị. “Cần sớm xác định lập hồ sơ đưa Vườn Chuối thành di tích mới có cơ hội tốt nhất để bảo vệ nó”, ông đề xuất.

Lại phát hiện mộ táng Đông Sơn ở di chỉ 3.500 tuổi Vườn chuối ảnh 2
 

Nguy cơ xóa sổ khu di chỉ 3.500 tuổi vẫn còn đó, bởi để chuẩn bị cho khu đô thị mới này, nhiều con đường mới được mở quanh Vườn Chuối. Mới nhất là đường vành đai 3.5 chạy cận kề chân gò Vườn Chuối, cách vùng lõi chỉ khoảng 50m. Các nhà khảo cổ lo ngại, nếu cơ quan chức năng của Hà Nội không sớm vào cuộc thì di chỉ này không được bảo tồn. Trường hợp con đường mới nhất định phải đi qua Vườn Chuối, khu vực này có nguy cơ bị san ủi toàn bộ.

“Các nhà khoa học nghĩ tới phương án biến khu di chỉ này thành công viên khảo cổ. Cùng với khai quật khảo cổ học, cần có cơ quan chức năng và những nhóm nghiên cứu xem xét việc lập hồ sơ di tích, tính tới phương án bảo tồn và phát huy di sản. Chúng ta phải học tập các điểm khai quật khảo cổ trên thế giới. Chẳng hạn khi Trung Quốc khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng, khu vực này lập tức biến thành địa điểm bảo tồn nguyên trạng và thành địa điểm tham quan”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND TP Hà Nội) dẫn đầu đoàn kiểm tra tại di chỉ Vườn Chuối cho biết: Sau chuyến thị sát sẽ báo cáo lãnh đạo Hà Nội, để sớm có chỉ đạo sát sao hơn. Đoàn kiểm tra mong đẩy nhanh tiến độ khảo cổ. Tuy nhiên các nhà khảo cổ cho rằng điều đó chưa phù hợp. Tiến độ khai quật phụ thuộc thời tiết, nhân công và tầm quan trọng của di chỉ, trong trường hợp có phát hiện giá trị thì các nhà khảo cổ kiến nghị kéo dài thời gian, mở rộng diện tích khai quật. 

Di chỉ đặc biệt
Hệ thống di vật tìm thấy đủ chứng minh diễn trình hình thành nhà nước thời đại đồng thau rất sớm, tương đương thời đại tiền Hùng Vương trong khi những di chỉ khảo cổ ở Phú Thọ chưa có được hệ thống di vật quý này. “Với tám lần khai quật, đủ cơ sở đưa di chỉ Vườn Chuối thành di tích lịch sử văn hoá của Hà Nội, chưa nói cao hơn là cấp quốc gia hay di tích quốc gia đặc biệt”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Giá trị Di sản nói.

MỚI - NÓNG