Di chỉ hơn 3 nghìn tuổi Vườn Chuối: Lại lo bị xâm hại, phá hủy

 Di chỉ hơn 3 nghìn tuổi Vườn Chuối: Lại lo bị xâm hại, phá hủy
TP - Ba phương án bảo tồn di chỉ hiếm có hơn 3 nghìn tuổi Vườn Chuối vẫn đang chờ trình cơ quan chức năng, người dân và giới nghiên cứu một lần nữa lại phải sốt sắng lên tiếng lo ngại di chỉ bị xâm hại, thậm chí phá hỏng.

TIẾP TỤC SAN ỦI

Di chỉ Vườn Chuối có niên đại khoảng 3.500 năm cách ngày nay, là minh chứng cho sự xuất hiện của những cư dân đầu tiên ở Hà Nội. Cụm di chỉ khảo cổ học thời đại kim khí phân bố ở gò Vườn Chuối, gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn, gò Chùa Gio, gò Đình Lỗ, gò Cây Muỗng và gò Chiền Vậy. Cụm Gò Vườn Chuối, Mỏ Phượng và Dền Rắn nằm trong dự án khu đô thị mới Kim Chung-Di Trạch do Tổng Cty CP Thương mại Xây dựng làm chủ đầu tư, do đó mặt bằng bị biến đổi nhiều.

Hai tuần qua, ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) không ngừng kêu cứu trước hiện trạng di chỉ Vườn Chuối gặp nguy hiểm. Khu phức hợp di chỉ Vườn Chuối đang tạm ngừng khai quật, thăm dò. Hôm 22/10, các nhà khảo cổ có báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khu vực này, nêu bật giá trị xứng đáng di sản quốc gia thậm chí hơn thế. Tuy nhiên khu vực gò Mỏ Phượng, Dền Rắn vẫn bị san ủi làm đường nội bộ trong khu dự án đô thị. Theo đó, khoảng 90% khu vực Mỏ Phượng và hơn 50% Dền Rắn bị phá hủy hoàn toàn, do máy ủi, máy xúc làm đường và đặt hệ thống cống ngầm.

Không phải là nhà chuyên môn khảo cổ học, tuy nhiên PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nặng lòng với di chỉ Vườn Chuối suốt những năm qua. Mấy ngày qua, ông cũng xuống tận di chỉ Vườn Chuối và xót xa trước tình cảnh Mỏ Phượng, Dền Rắn bị san lấp, nạn đào trộm cổ vật lại hoành hành ở khu vực này. Các nhà khoa học nhặt được khá nhiều mảnh gốm do máy ủi làm đường. Ở di chỉ Vườn Chuối, đồ gốm chính là nhóm hiện vật có số lượng nhiều nhất như mảnh khuôn đúc, bi gốm, dọi xe sợi, chì lười, nồi, bát, bình... với gần 1 tấn mảnh gốm các loại cho thấy vai trò quan trọng của đồ gốm trong giai đoạn Tiền Đông Sơn-Đông Sơn ở khu vực này.

GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung phân tích trong buổi báo cáo ngay tại hiện trường khai quật hồi tháng 10 rằng: “Các nhà khoa học phát hiện tầng văn hóa mang đặc trưng của tầng văn hóa cư trú giai đoạn văn hóa Đồng Đậu-Gò Mun. “Tại địa điểm Dền Rắn và Mỏ Phượng phân bố liền khoảnh, là di chỉ cư trú của một nhóm cư dân từ giai đoạn Đồng Đậu tới Gò Mun. Lớp trên ở Dền Rắn đợt khai quật năm 2010 phát hiện, xử lý một mộ Đông Sơn chôn vào tầng văn hóa Gò Mun. Tương lai nếu mở rộng khai quật có thể phát hiện thêm nhiều mộ táng Đông Sơn chôn ở khu vực này”, GS. Mỹ Dung phân tích.

CHÍNH QUYỀN THỜ Ơ?

Xuống tận nơi khảo sát và tận thấy quá trình san ủi làm đường tại Mỏ Phượng và Dền Rắn, PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ-là người phụ trách công trường khai quật di chỉ Vườn Chuối- không thể ngồi yên. “Chúng tôi đề xuất khu Mỏ Phượng và Dền Rắn khi thi công phải có giám sát của cán bộ chuyên môn. Chúng tôi có 25 hố thăm dò ở hai khu vực này với tổng diện tích 200m2, chưa bàn giao mặt bằng mà đơn vị này đã thi công đường, đặt cống ngầm như thế vi phạm các văn bản thành phố, Luật Di sản văn hóa. Giấy phép khai quật cho phép khai quật hết tháng 11”, PGS. TS. Bùi Văn Liêm nói.

Giới khảo cổ học mới báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Vườn Chuối, thậm chí báo cáo chỉnh lí vừa gửi Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL), và Sở VHTT Hà Nội thì đơn vị thi công ngang nhiên san ủi đường. PGS.TS. Bùi Văn Liêm cho hay, chính quyền xã không có động thái gì, trong khi giới khảo cổ dự định cuối tháng 11 mới bàn giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư và chính quyền địa phương. “Muốn thi công gì thì thi công nhưng phải có cán bộ chuyên môn giám sát, trong trường hợp có bất cứ phát hiện gì phải dừng lại để khai quật”, PGS.TS. Liêm nói. Các nhà khoa học lập hàng rào mềm và biển cảnh báo ở các hố thăm dò còn lại ở Mỏ Phượng và Dền Rắn. Vùng lõi Gò Vườn Chuối còn nguyên, tuy nhiên nạn đào trộm cổ vật lại tái diễn ở đây.

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động đã có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức về việc bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Theo đó, Sở đề nghị các đơn vị chủ đầu tư xây dựng đường 3.5 và Khu đô thị Thăng Long 9 theo dõi phát hiện di tích, di vật trong quá trình thi công tại khu vực liên quan đến di chỉ Vườn Chuối cùng như các khu vực thi công khác. Trong trường hợp phát hiện có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chủ dự án phải tạm ngừng thi công, thông báo kịp thời cho Phòng VHTT huyện Hoài Đức, BQL Di tích và danh thắng Hà Nội.

TS. Nguyễn Doãn Văn, Trưởng BQL Di tích và danh thắng Hà Nội nêu: các ngành, các cấp thống nhất trong quá trình triển khai dự án ở khu Mỏ Phượng và Dền Rắn, đơn vị thi công phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã, huyện và cơ quan ngành văn hóa. TS. Văn lo ngại nhất trường hợp có xuất lộ và bất thường về hiện vật mà đơn vị thi công không báo cáo, không tuân thủ quy trình của Luật Di dản văn hóa.

PGS.TS. Bùi Văn Liêm và nhiều nhà khoa học đồng quan điểm khó giữ gìn nguyên trạng khu Mỏ Phượng, Dền Rắn, tuy nhiên vẫn mong muốn có khai quật rộng hơn để củng cố thêm giá trị của khu vực này. UBND TP Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội nhiều lần nhắc nhở, có văn bản về bảo vệ di chỉ khảo cổ học ở đây. Tuy nhiên, UBND huyện Hoài Đức lại thờ ơ, không sát sao chỉ đạo chính quyền xã theo dõi cũng như yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ Luật Di sản và các giấy phép khai quật liên quan di chỉ Vườn Chuối.

 Di chỉ hơn 3 nghìn tuổi Vườn Chuối: Lại lo bị xâm hại, phá hủy ảnh 1 Di chỉ Gò Mỏ Phượng, Dền Rắn bị máy móc san ủi nghiêm trọng

BQL Di tích và Danh thắng Hà Nội đang hoàn thiện báo cáo để gửi UBND TP Hà Nội và Bộ VHTTDL về di chỉ này. Theo đó, các nhà khoa học đề xuất ba phương án bảo tồn. Trong đó phương án 3 có tính khả thi nhất, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa khảo cổ học với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, Hà Nội bảo tồn 6 nghìn m2 nửa phía Đông của di tích, chính là vùng lõi của di chỉ Vườn Chuối, và tiến hành khai quật 6 nghìn m2 còn lại của nửa phía Tây. Đối với di chỉ Mỏ Phượng và Dền Rắn chủ đầu tư cần thực hiện khai quật trước khi xây dựng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.