> Bỏ lọt trách nhiệm thủy điện xả lũ
Ông Quang cho rằng, thời gian qua chúng ta đã quá ưu tiên thủy điện.
Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang. |
Phải chăng công tác quản lý xây dựng thủy điện chưa theo kịp thực tế, thưa ông?
Thủy điện rất cần nhưng chúng ta phải tính toán kỹ trong quản lý. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã đề cập việc quản lý các hồ chứa. Thực tế, việc xả nước còn liên quan an toàn công trình. Cái gì chúng ta cũng muốn được cả thì rất khó. Các hồ đều có quy trình xả lũ và nhà nước phải kiểm soát. Tất nhiên, có thể hồ này, hồ khác có vấn đề thì cần khắc phục. Trong mùa lũ, các ngành chức năng, chủ đầu tư phải tăng cường kiểm tra.
Vấn đề thủy điện xả lũ gây lũ lụt khiến dư luận bức xúc trong thời gian dài, nhưng xem ra chúng ta chưa có giải pháp toàn diện để hạn chế?
Đây là vấn đề liên quan nhiều bộ. Bởi những công trình thủy điện không phải Bộ TN&MT quản lý và đầu tư mà là ngành điện. Ngoài ra, còn liên quan đến nông nghiệp, phòng, chống lụt bão. Ở đây là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành trong đó có Bộ TN&MT.
Khi thảo luận về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, chúng ta đã bỏ qua trách nhiệm của chủ đầu tư thủy điện xả lũ?
Tôi tiếp thu ý kiến này. Đương nhiên khi gây ra lũ lụt vì nguyên nhân chủ quan thì chủ đầu tư thủy điện phải bồi thường cho dân. Quy định này là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải xem lại, nội dung này đã được các luật khác điều chỉnh chưa.
Các địa phương không muốn giữ nhiều đất lúa mà muốn chuyển sang công nghiệp đô thị để tăng thu ngân sách, vậy làm sao để đảm bảo việc chấp hành của địa phương?
Đây là vấn đề nan giải. Quan điểm của Chính phủ là kiên quyết giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa. Chúng tôi rất chia sẻ với các tỉnh vùng trọng điểm lúa, địa phương nào cũng muốn làm giao thông, khu công nghiệp. Nhưng việc sử dụng đất phải hết sức tiết kiệm.
Thực tế, hiện đất trồng lúa được 2 vụ trở lên chỉ còn 3,2 triệu ha, còn lại gần 500.000 ha đất một vụ và 120.000 ha đất lúa nương năng suất thấp. Do vậy, nếu giảm diện tích xuống nữa thì rất gay.
Vậy thông qua cơ chế gì để địa phương thực hiện đúng quy hoạch đã duyệt trong khi thẩm quyền giao đất thuộc địa phương?
Tới đây, Luật Đất đai sửa đổi sẽ có nhiều vấn đề liên quan thẩm quyền. Cần tăng cường kiểm soát của trung ương trong việc quy hoạch đất đai. Thái Lan có tới 10,5 triệu hécta đất lúa, trong khi chúng ta quy hoạch chỉ 3,8 ha thì không thể giảm được nữa.
Muốn làm khu công nghiệp phải lên vùng trung du, miền núi chứ tại sao lại cứ nhảy vào ruộng lúa. Đi cùng với đó phải có chính sách giải quyết hài hòa lợi ích trong đó có lợi ích của người dân có đất, nhà nước, doanh nghiệp.
Cảm ơn ông!