Đứng trên góc độ một người làm công tác tư pháp lâu năm, vị này cho biết theo dõi rất sát diễn biến câu chuyện. “Con của ai thì trả về cho người đó. Bệnh viện là chủ thể trao nhầm con, gây ra việc đó thì phải là người chịu trách nhiệm, phải lo toàn bộ việc thử ADN, chi phí thiệt hại về tổn thất tinh thần để hỗ trợ. Tuy nhiên, cái này thuộc về định tính, không thể định lượng được”, vị này nói.
Chuyên gia tư pháp chia sẻ, tính toán về bao nhiêu ngày công nuôi con thì không thể định lượng được. “Bởi vì hai bên nuôi con là công sức như nhau. Không thể nói rằng tôi nuôi con ông bằng sữa voi mà ông nuôi con tôi bằng sữa bò. Không có chuyện đó”, vị này nêu quan điểm.
Ông Phương cho rằng, nếu không thương lượng được thì buộc phải dựa vào phán quyết của tòa án. “Tôi cũng có đọc được một ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu không trả con thì sẽ xử lý hình sự. Nhưng tôi cho rằng hình sự hóa vấn đề này thì không nên. Phải làm tốt công tác tư tưởng cho hai bên gia đình, đi lại với nhau”, chuyên gia tư pháp nói thêm.
“Phán quyết của tòa án sẽ giúp cho mấy việc, thứ nhất là khẳng định cháu bé này là con của ai. Thứ hai là giúp cơ quan tư pháp sau này làm thủ tục thay đổi thông tin khai sinh cho các cháu thuận lợi hơn”, vị này phân tích.
Ông này cho rằng, trách nhiệm chính trong sự việc này thuộc về bệnh viện Ba Vì. Bệnh viện phải thỏa thuận cùng hai gia đình, có sự thống nhất, đồng ý. “Nếu ra tòa, người ta sẽ đòi hỏi mức đền bù thiệt hại về tinh thần. Tòa sẽ phải tính mức độ để phán quyết phải trả bao nhiêu tiền đền bù thiệt hại về tinh thần”, vị này phân tích thêm.
Ông Phạm Xuân Phương cũng chia sẻ thêm, ngay trong bạn bè của ông cũng từng có trường hợp nhầm lẫn như vậy. “Thời chiến tranh, nhà bạn tôi ở phường Quan Hoa. Cùng sinh một ngày ở bệnh viện, lúc bom nổ, hai bà mẹ cùng bế con chạy thế là nhầm. Sau này phát hiện ra là chẳng thấy giống bố mẹ gì cả, người ở Quan Hoa mà lại giống người trên Bưởi. Thấy nghi ngờ, lên tìm hiểu về ngày sinh tháng đẻ thì phát hiện giống hệt nhau. Nhìn thấy nhau nhận ra luôn, rồi hai gia đình đi lại với nhau, thành ra có hai người con”, vị này kể, đồng thời cho rằng, kết quả tốt đẹp nhất là hai gia đình thống nhất, chia sẻ với nhau vì tương lai các cháu bé.