Sáng 8/6, trao đổi với PV báo Tiền Phong bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết, đơn vị này đã gửi công văn đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương thu hồi giấy phép hoạt động nuôi nhốt hổ ở khu sinh thái Thanh Cảnh (Bình Dương).
Động thái này được thực hiện sau khi cơ sở này liên tiếp để xảy ra những hệ lụy rất nghiêm trọng như, chủ nuôi bị xử lý hình sự về hành vi nấu cao hổ mang bán và để hổ cắn lìa 2 tay nhân viên.
Bà Hà cho biết thêm, tại Bình Dương có 2 cơ sở nuôi nhốt hổ là Khu sinh thái Thanh Cảnh và Công ty Thái Bình Dương đều có nguồn gốc hổ nuôi không rõ ràng. “Tại hai cơ sở nuôi nhốt hổ trên địa bàn Bình Dương hiện tại được cấp phép nuôi hổ. Tuy nhiên, việc cấm phép này được thực hiện khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và phát hiện nuôi nhốt hổ trái quy định sau đó mới cấp phép cho nuôi. Việc nuôi nhốt hổ ngay từ đầu đã sai. Từ đó, dẫn đến những hệ lụy sau này”, bà Hà nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên dẫn chứng, tại khu sinh thái Thanh Cảnh được cơ quan chức năng cấp phép nuôi thí điểm bảo tồn hổ từ năm 2007 nhưng năm 2011, người của cơ sở này còn bị kết án về buôn bán hổ trái phép. Đến này, cơ sở này lại để xảy ra việc nhân viên bị hổ cắn lìa 2 tay.
Từ đó, bà Hà đặt nghi vấn về việc cơ sở nuôi nhốt hổ Thanh Cảnh mục đích nuôi rõ không rõ ràng và không có ý bảo tồn động vật quý hiếm. “Tất cả các điểm được cấp phép nuôi nhốt hổ nếu thực hiện tốt việc bảo tồn thì đều được khuyến khích. Tuy nhiên, các điểm cấp phép nuôi động vật hoang dã cần có nguồn gốc rõ ràng và phải được đăng ký ngay từ đầu, không để khi phat hiện nuôi nhốt trái phép mới xin cấp phép. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần có quy định rõ ràng để xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm”, bà Hà nói.
Nói về trách nhiệm quản lý các điểm nuôi nhốt động vật quý trong đó có hổ, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng rất khó khăn. Bởi lẽ, các điểm nuôi hổ đều không được gắn chip và khi kiểm tra thì lực lượng chỉ dùng mắt thường và phải đến nơi. Do đó, hầu như chỉ kiểm tra bằng báo cáo văn bản là chính.
Theo bà Hà, cơ quan chức năng cho phép các cơ sở nuôi hổ vì mục đích bảo tồn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các cơ sở không những không có đóng góp gì về mặt bảo tồn mà có nơi lợi dụng mục đích bảo tồn để làm chuyện mờ ám như giết hổ lấy cao hoặc mang bán kiếm lợi bất chính.
“Các điểm nuôi nhốt hổ năm nào cũng duy trì số lượng chừng đó con, trong khi họ nuôi nhốt cả hổ cái và hổ đực. Hổ sinh dễ nên không thể 5 năm, 10 năm không sinh thêm. Vậy những con hổ con được sinh ra họ làm gì chúng? Trong khi cơ quan chức năng lại rất khó kiểm soát được bởi hổ không được gắn chip, khi đến nơi thì chủ cơ sở dấu diếm làm sao biết được”, bà Hà cho hay.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam cho PV báo Tiền Phong biết thêm, đối với động vật hoang dã dù được cấp phép nuôi, chủ cơ sở cũng không được tự quyết định chúng. Ví dụ, khi hổ có dấu hiệu bất thường thì chủ phải báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Trong trường hợp hổ chết, phải được tiêu hủy công khai chứ không được bán thịt hoặc nấu cao.
Theo khảo sát của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, cả nước hiện còn 4 cơ sở nuôi nhốt tổng cộng hơn 30 con hổ không có nguồn gốc, không có xuất xứ rõ ràng. Trong đó, Thanh Cảnh (Bình Dương) có 5 con; Công ty Thái Bình Dương (Bình Dương) có 14 con (khảo sát vào tháng 6/2018); ông Nguyễn Khắc Thường ở Thái Nguyên có 6 con (4 con ban đầu và 2 con được đẻ ra, khảo sát tháng 2/2019); ông Nguyễn Mậu Chiến có 11 con (khảo sát tháng 6/2018).