Vì sao vụ khiếu nại, tố cáo ở Thủ Thiêm diễn biến 'rất gay gắt'?

Việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt, điển hình là khiếu nại, tố cáo của công dân Khu đô thị Thủ thiêm, TP HCM.
Việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt, điển hình là khiếu nại, tố cáo của công dân Khu đô thị Thủ thiêm, TP HCM.
TPO - Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt, điển hình là khiếu nại, tố cáo của công dân Khu đô thị Thủ Thiêm, TP HCM.

Công dân Hà Nội và TP HCM tập trung dài ngày

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019. Báo cáo đánh giá, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2019 của công dân vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng (kỳ họp Trung ương, Quốc hội, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ -Triều tại Hà Nội ...) và các ngày nghỉ lễ, Tết của đất nước.

Nhiều đoàn đông người và công dân của một số địa phương thường xuyên tập trung lên các cơ quan Trung ương khiếu nại, tố cáo dài ngày. Điển hình như công dân của thành phố Hà Nội (khiếu kiện công dân phường Dương Nội, các dự án tại quận Bắc Từ Liêm), TP HCM (Khu đô thị Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao quận 9, khiếu kiện đất đai tại quận 12), Hưng Yên (dự án Ecopark tại huyện Văn Giang), Lạng Sơn, Bắc Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Gia Lai…tập trung dài ngày tại trung tâm thành phố.

Đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt (điển hình là khiếu nại, tố cáo của công dân Khu đô thị Thủ thiêm, TP HCM).

“Hầu hết khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp là các vụ việc cũ chưa được giải quyết dứt điểm hoặc những vụ việc đã được cơ quan nhà nước giải quyết hết thẩm quyền, các cấp, ngành kiểm tra rà soát nhưng công dân không đồng ý tiếp tục khiếu kiện với thái độ bức xúc, gay gắt”, báo cáo nêu rõ.

Điểm đáng lưu ý khác, số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, so với năm 2018, tuy tổng số đơn thư các loại (khiếu nại, tố cáo; kiến nghị, phản ánh) giảm 6,1%, số đoàn đông người giảm 0,86%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 2,8% nhưng số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng 4,3%.

Bộ Xây dựng, TN&MT, Tư pháp giải quyết vụ việc rất thấp

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ cho rằng, vẫn còn địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo, của người đứng đầu theo quy định của Luật tiếp công dân, đặc biệt là trong các vụ việc phức tạp, khiếu nại đông người. Bên cạnh đó, trình độ năng lực một số cán bộ trực tiếp tham gia tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, chưa nắm bắt và áp dụng đúng quy định của pháp luật; tham mưu giải quyết vụ việc còn sai sót.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vẫn còn địa phương chưa chú trọng đúng mức tới công tác đối thoại, hình thức ban hành văn bản chưa đúng theo quy định, còn tình trạng giải quyết kéo dài quá thời hạn quy định, giải quyết chưa đúng trình tự, thủ tục, chính sách pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn.

Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt thấp hơn so với mục tiêu đã đề ra, như các Bộ Xây dựng (27%), Tài nguyên và Môi trường (50%), Tư pháp (62,5%); các tỉnh Quảng Ngãi (56,6%), Bắc Kạn (57,4%), Lai Châu (66,7%), Nam Định (67,0%), Hưng Yên (67,6%)... Mục tiêu của Chính phủ tại Báo cáo khiếu nại, tố cáo năm 2018 là phấn đấu giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019 đạt tỉ lệ trên 85%.

“Hiệu quả thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao, còn tình trạng nể nang, chưa kiến nghị xử lý kiên quyết những tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc thực hiện quy định của pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền”, báo cáo nêu rõ.

Chính phủ cho rằng, trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như các kỳ họp của Trung ương, Quốc hội, đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở những địa phương có sai phạm, sơ hở, yếu kém trong quản lý nhà nước.

Chính phủ yêu cầu Bộ TN&MT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm có báo cáo đánh giá đầy đủ, sát thực tế việc rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, làm cơ sở quan trọng để sửa đổi Luật đất đai 2013; triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 1248/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ về phối hợp tiếp công dân phục vụ đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh “điểm nóng” và kịp thời xử lý các tình huống khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp phát sinh.     

MỚI - NÓNG