TPHCM:

Vì sao hàng loạt lãnh đạo quận 7 bị kỷ luật?

TPO - Trong danh sách các lãnh đạo cấp quận, phường bị Thành ủy TPHCM công bố quyết định kỷ luật vào ngày 2/12 vừa qua, có không ít lãnh đạo ở quận 7 bị cách chức liên quan đến các vụ việc mà báo Tiền Phong phát hiện, phanh phui trước đó, trong đó chủ yếu là về vấn đề xây dựng trái phép trên kênh rạch.

Kỷ luật lãnh đạo chủ chốt

Tại hội nghị lần thứ 15 vừa qua, Thành uỷ TPHCM đã công bố quyết định kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt, có trường hợp cách hết các chức vụ trong Đảng.

Cụ thể, về quản lý đất đai, xây dựng tại quận 7, ông Lê Trọng Hiếu, Thành ủy viên, Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy, nguyên Bí thư Quận ủy đồng thời là Chủ tịch UBND quận 7 bị kỷ luật cảnh cáo. Ông Hồ Thái Thành, Quận ủy viên, nguyên Bí thư chi bộ, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 7 (từ năm 2012 đến tháng 4/2017) bị kỷ luật với hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Ông Dương Minh Thùy, Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đô thị thành phố, nguyên Quận ủy viên, Phó chủ tịch UBND quận 7 (phụ trách đô thị giai đoạn 2012 đến 1/2015) bị kỷ luật khiển trách. Bà Lâm Thị Kim Thanh, Quận ủy viên, Phó chủ tịch HĐND quận, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bình Thuận, quận 7 bị kỷ luật cảnh cáo. 

Vì sao hàng loạt lãnh đạo quận 7 bị kỷ luật? ảnh 1

Tại hội nghị lần thứ 15, lãnh đạo TPHCM cho biết kỷ luật rất là buồn, nhưng sai sót thì phải xử lý 

Ngoài ra, Ban thường vụ Quận ủy quận 7 cũng quyết định kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng một đảng viên, 5 đảng viên khác và 2 tổ chức đảng bị phê bình rút kinh nghiệm. Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 7 quyết định kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng một đảng viên, cảnh cáo một đảng viên.

Liên quan đến vụ việc Tiền Phong phanh phui

Tháng 11/2016, báo Tiền Phong nhận đơn phản ánh về việc con kênh thuộc khu phố 5, phường Bình Thuận, quận 7, TPHCM bị một số cá nhân lấn chiếm, xây nhà trái phép bán trục lợi hàng chục tỷ đồng.

Vì sao hàng loạt lãnh đạo quận 7 bị kỷ luật? ảnh 2

Lập biên bản vi phạm, ra Quyết định cưỡng chế nhiều lần nhưng chính quyền quận 7 không thực hiện  

Cụ thể, đầu năm 2012, một phần con kênh thoát nước ở cuối đường 47 bị ông T. cho xe đến đổ đất san lấp, ngang nhiên lấn chiếm, khiến người dân vô cùng bức xúc. “Trước đây mưa lớn, triều cường cao, khu vực này vẫn không ngập, nhưng từ khi ông Tiến lấp rạch khu dân cư thường xuyên rơi vào cảnh ngập úng do dòng chảy bị bóp nghẹt. Trước sự “ngó lơ” của chính quyền, chúng tôi đến UBND phường Bình Thuận làm dữ, lúc này họ mới xuống kiểm tra và lập biên bản về hành vi san lấp kênh rạch trái phép của ông T. rồi… bỏ đó”, một người dân phản ánh với PV.

Một thời gian, ông T. lại san lấp trái phép tiếp. Diện tích lấn chiếm con kênh ngày càng “phình” ra. Người dân phản ứng quyết liệt thì UBND phường Bình Thuận mới ra quyết định đình chỉ và ra kế hoạch cưỡng chế vi phạm, có nêu rõ thời gian nhưng sau đó không thực hiện. 

“Nghĩ vụ việc sắp được xử lý dứt điểm, nhưng sau đó đến thời hạn cưỡng chế người dân vẫn không thấy ai thực hiện. Trong khi ông Tiến công khai san lấp tiếp. Đến khoảng cuối năm 2014, diện tích san lấp kênh rạch trái phép lên đến hàng trăm mét vuông. Dân tiếp tục phản ánh thì chính quyền địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, xử phạt hành chính, ra quyết định cưỡng chế nhưng rồi… không thực hiện”, chị T. một cư dân bức xúc.

Vì sao hàng loạt lãnh đạo quận 7 bị kỷ luật? ảnh 3

Khu đất các cá nhân lấn chiếm...xây dựng nhà kiên cố bán trục lợi tại phường Bình Thuận, quận 7  

Theo điều tra của PV, khoảng cuối tháng 11/2012, UBND phường Bình Thuận lập biên bản cho thấy diện tích ông T. san lấp trái phép là 60,3 m2. Đến năm 2013, diện tích san lấp trái phép đã tăng lên đến 443,25 m2.

Năm 2015, ông T. tiến hành xây nhà trên đất san lấp trái phép, cư dân phản ánh thì UBND phường Bình Thuận tiếp tục “soạn lại bổn cũ” như: Lập biên bản, ra quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế rồi... bỏ ngỏ. Thời điểm này, bất ngờ xuất hiện ông Ch. khẳng định mình đã mua lại khu đất san lấp trái phép của ông T. và tiến hành xây khoảng 18 căn nhà trên diện tích 743,29 m2 đất kênh rạch lấn chiếm trái phép, mỗi căn nhà người dân mua lại không dưới 1 tỷ đồng.

Điều đáng nói, thời điểm phóng viên thực hiện bài viết, rất nhiều lần đến UBND quận 7 xin gặp lãnh đạo để khách quan thông tin, nhưng đại diện phòng tiếp dân của quận này luôn tìm cách phối thác, gây cản trở, hoạch sách về vấn đề thẻ nhà báo, giấy giới thiệu.

MỚI - NÓNG