Năng động
Từ miền quê nghèo, thuần nông, xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) trở thành xã giàu có bậc nhất ở Nghệ An. Dạo quanh một vòng các con đường, tôi không khỏi ngạc nhiên trước chi chít những căn biệt thự cao cấp, những ngôi nhà khang trang kiên cố, xe hơi. “Hầu hết nhà lầu, biệt thự, ô tô,… ở đây đều là tiền đi làm từ nước ngoài gửi về”, ông Vũ Hồng Sơn (SN 1965, xóm trưởng xóm Phú Vinh, xã Đô Thành, huyện Yên Thành) nói.
Ông Sơn kể, những năm 80 của thế kỷ trước, Đô Thành là một vùng chiêm trũng thuần nông, cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu sống bằng cây lúa, một nắng hai sương, cần cù lam lũ nhưng cái đói cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Ước mơ thoát nghèo luôn thôi thúc họ cố gắng phấn đấu, vượt lên số phận. Nhiều thanh niên quyết định rời xa quê hương, mưu sinh lập nghiệp nơi xứ người.
Người dân Đô Thành may mắn bén duyên với nghề buôn gỗ, làm mộc. Với sự nhanh nhạy và thông minh, họ đã biết cách biến những cây gỗ thô mộc thành các sản phẩm mỹ nghệ. Mẫu mã đẹp, sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng đã góp phần đưa thương hiệu gỗ Đô Thành vang danh gần xa và được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Nhờ vậy cuộc sống người dân dần khấm khá hơn. Thế nhưng, thời cuộc thay đổi. Vào những năm 90, khi thị trường gỗ bão hòa, sản phẩm làm ra ế ẩm, người dân nơi đây đành bỏ nghề. Một số người bắt đầu chuyển hướng tìm kiếm tương lai bằng việc xuất ngoại đến các nước Nga, Ba Lan, Đức,...
Nhận thấy xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp thoát nghèo mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân Đô Thành khăn gói…đi Tây. Để có tiền gửi về cho gia đình, họ làm đủ mọi nghề, từ công nhân đến buôn bán, spa, làm Neo… Cứ nghề nào kiếm ra tiền một cách chính đáng là họ không ngại khó ngại khổ. Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, nhận thấy công việc mang lại thu nhập cao, người sang trước dắt díu người sau sang. Có gia đình, toàn bộ anh em trong nhà đều xuất ngoại.“Ở làng này nhà có hai, ba thậm chí bốn, năm người đi Tây là chuyện bình thường. Cứ anh sang làm bên đó thấy có tiền là kéo em sang, rồi bác kéo cháu, cha kéo con… cứ thế họ đua nhau đi xuất ngoại. Người trước rước người sau, tạo thành một phong trào sôi nổi”, ông Sơn cho hay.
Nói rồi vị xóm trưởng này kể một loạt những gia đình được xem là tỷ phú nhờ xuất ngoại. Nhờ nguồn lao động này xóm làng trở nên trù phú, giàu có, đời sống bà con cũng như cơ sở vật chất hạ tầng được nâng lên rõ rệt.Gia đình ông Nguyễn Đức Hòe có tới 3 người con trai, một con gái và một cô con dâu đang làm ăn ở Đức. Sau một thời gian vất vả mưu sinh nơi đất khách, ông Hoè đã xây dựng được một cơ ngơi hoành tráng. Bước vào căn biệt thự của gia đình ông, khách thăm không khỏi choáng váng trước sự đồ sộ của nó.
Với lối thiết kế độc đáo, đây được xem là căn nhà “khủng” nhất vùng đất này với giá xây dựng lên đến nhiều tỷ đồng từ năm 2004.Ông Hòe bảo, trước đây gia đình ông rất nghèo, nhưng từ khi nhà nước có chính sách mở cửa, các con của ông được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động. Lúc đầu là người anh đi, khi ổn định thì đưa em sang. Lần lượt như thế, ông có bốn con trai thì ba cậu đang “sống bên Tây”. Ở xã Đô Thành, gia đình ông Hòe là một trong những tỷ phú có khối tài sản không kém cạnh với những đại gia thành phố.
Đa số người làng Đô Thành đi nước ngoài đều cân đong đo đếm, dè xẻn khi tiêu pha đồng tiền. Những căn biệt thự, ngôi nhà cao tầng mọc lên; những “xế hộp” của nhiều hãng xe nổi tiếng ngày một nhiều trên đường làng. Chỉ trong thời gian ngắn, xã nghèo Đô Thành đã “thay da đổi thịt” một cách chóng mặt.
Làng chỉ còn người già và trẻ em
Đường sá sạch sẽ, bên cạnh là những dãy biệt thự cao tầng được xây dựng bằng tiền người đi Tây gửi về, thế nhưng ở Đô Thành ngày nay chỉ còn lại phần lớn người già và những đứa trẻ. Nhiều gia đình cả bố mẹ đều ở nước ngoài, con cái phó mặc cho ông bà. “Thanh niên trong xã khi đã tốt nghiệp phổ thông nếu không thi đỗ đại học, sẽ đi học nghề rồi nối bước xuất khẩu lao động.
Vậy nên đi từ đầu đến cuối xã, chỉ gặp toàn người già, trẻ nhỏ, hiếm lắm mới thấy bóng dáng của thanh niên. Người trẻ tất bật với cuộc mưu sinh nơi xứ người, nên từ việc đồng áng, nhà cửa đến việc chăm sóc lũ trẻ đều trông vào các cụ từ 60-80 tuổi. Những đứa trẻ sống xa bố mẹ cũng đã quen, chúng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành rồi quanh quẩn bên ông bà”, xóm trưởng xóm Phú Vinh cho biết.
Con trai và con dâu lần lượt xuất ngoại sang nước Rumani rồi sang Đức làm việc, vợ chồng ông Vũ Văn Quang (SN 1949) trở thành chỗ dựa cho 4 đứa cháu thơ dại. “Chúng đi gửi lại 4 đứa con. Đứa lớn học lớp 10, còn đứa bé nhất mới 5 tuổi. Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu nhưng chúng tôi vẫn cố gắng nuôi dưỡng và chăm các cháu để con yên tâm làm ăn. May mắn là cả 4 đứa cháu gái đều ngoan ngoãn, học giỏi”, ông Quang tâm sự.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Đào (SN 1952) năm nay cũng đã gần 70 tuổi. Bà mang trong mình gần chục loại bệnh khác nhau như thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm, rối loạn tiền đình,… thường xuyên phải đi Hà Nội chữa trị. Nghĩ về người vợ đau yếu cùng bốn đứa cháu, ông Quang không giấu được nỗi trăn trở: “Hằng tháng chúng vẫn gửi tiền về quê cho tôi ở nhà chăm cháu. Nhiều lúc đau ốm, trong nhà lại toàn người già, trẻ nhỏ, không biết nương nhờ vào ai. Có khi tôi khoẻ thì các cháu lại ốm, quanh năm chỉ mấy ông bà cháu chăm nhau. Biết các con đi làm xa để phát triển kinh tế, chúng cũng vất vả. Nhưng ở cái tuổi gần đất xa trời này, tôi chỉ mong được sum vầy cùng con cháu.Có lúc tôi nghĩ nếu mình có đau yếu đột ngột không biết các cháu sẽ sống như thế nào?”. Rồi ông bảo, mấy tháng nay, do dịch COVID-19 nên các con không có việc làm. Ông thường gọi điện động viên các con cố gắng vượt qua thời kỳ khó khăn này. Bởi, giờ về quê cũng không biết làm nghề gì.
Ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho biết, hiện toàn xã có gần 9.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó có 1.353 người đi xuất khẩu lao động ở các nước châu Âu; hơn 1.000 người đi làm việc, buôn bán tại Lào. Tính trung bình một nhà có ít nhất một người đi xuất khẩu lao động. Xã có hơn 4.000 hộ với gần 18.000 nhân khẩu thì 3/4 trong số đó có nhà cao tầng, biệt thự.