Tiền Giang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

TPO - Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã đặt ra mục tiêu trong 5 năm trở thành “tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” và “phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh tự cân đối ngân sách”.

Trình bày báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ông Lê Văn Hưởng – Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, ngay từ đầu nhiệm kỳ (năm 2016) hạn, mặn đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân; tình hình khiếu nại đông người, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, các dự án lớn (dự án mở rộng Quốc lộ 1A, dự án Khu Thương mại Cai Lậy, dự án Khu Công nghiệp Long Giang,...) ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Đầu năm 2020, hạn, mặn đến sớm, kéo dài và đại dịch COVID -19; nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền nên hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 7,3%/năm. GRDP bình quân đầu năm người 2020 đạt 58,6 triệu đồng, tương đương 2.506 USD.

 Tuy nhiên, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yêu còn có chỉ tiêu chưa đạt so với Nghị quyết như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người và kim ngạch xuất khẩu. Việc hợp tác, liên kết phát triển theo chuỗi giá trị torng sản xuất sản phẩm chưa có sự gắn kết chặt chẽ...

Tiền Giang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh 1 ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Bộ phận Thường trực chuyên trách tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Phát hiểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Bộ phận Thường trực chuyên trách tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cho biết, Tiền Giang nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có vai trò quan trọng đối với chiến lược phát triển của Vùng ĐBSCL. Năm năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang luôn đoàn kết, nỗ lực, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X với quyết tâm chính trị cao, đạt được những kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực; hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá, cao hơn mức bình quân của cả nước và vùng ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Thu ngân sách tăng bình quân 15,9% năm. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm; công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu hút đầu tư đạt kết quả tốt; thương mại, dịch vụ phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục mở rộng, đồng bộ hơn, nhất là hệ thống giao thông kết nối, các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại - dịch vụ. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, khoa học - công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực...

Theo ông Hoàng Trung Hải, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã đặt ra mục tiêu trong 5 năm  trở thành “tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” và “phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh tự cân đối ngân sách”. Bộ Chính trị đã xem xét và cơ bản tán thành với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, những giải pháp chủ yếu, đặc biệt là 2 khâu đột phá đã được nêu trong báo cáo chính trị trình Đại hội.

Tiền Giang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh 2 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh N.H

Ông Hoàng Trung Hải cũng nêu ra một số vấn đề đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, bổ sung, hoàn thiện, làm rõ thêm để thống nhất thực hiện: tăng cường công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức và tổ chức, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu các tổ chức cơ sở Đảng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, có phẩm chất đạo đức, có trí tuệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; Tập trung phát triển đô thị trung tâm và nâng cao tỉ lệ đô thị hoá. Đẩy nhanh công tác tổ chức lập quy hoạch tỉnh phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.

Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Rà soát, xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cần lưu ý thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển các ngành công nghiệp chế biến các nông sản có thế mạnh của tỉnh và vùng đồng ĐBSCL. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, kết nối với sự phát triển công nghiệp của các tỉnh lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nhất là cho lao động ở khu vực nông thôn, vùng ven biển. Đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho giáo dục. Phải bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, làm trong sạch môi trường xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Chỉ đạo tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết kịp thời các khiếu kiện, các vấn đề phát sinh tại cơ sở, không để hình thành các "điểm nóng" trên địa bàn.

MỚI - NÓNG