Xử lý khẩn cấp sự cố tràn dầu, nguy cơ vỡ đập
Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai- ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão số 12 là cơn bão mạnh, có độ rủi ro thiên tai số 4, như cơn bão số 10 vào Bắc Trung bộ vừa qua.
Tuy nhiên, bão số 12 nguy hiểm, khốc liệt hơn bão số 10, vì đổ vào Nam Trung bộ, là vùng lâu nay không có bão. Từ đó, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, phối hợp; sự cảnh giác, ứng phó của người dân.
Thủ tướng gửi lời chia buồn đến các gia đình có người bị nạn, bị thiệt hại do bão lũ. Ảnh P.V.
Theo ông Cường, bão vào trong bối cảnh các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, đã đầy nước vì năm nay mưa nhiều. Trong khi đó, hoàn lưu của bão, kết hợp với không khí lạnh, tiếp tục gây mưa lớn ở miền Trung và Tây Nguyên. Mực nước trên các sông ở Huế, Quảng Nam…nhiều nơi đang trên mức báo động 3, thậm chí đạt mốc lịch sử, nên tình hình hồ đập hiện rất “căng”.
Ông Cường cho biết, bão đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Đến nay bão làm 46 người chết, 15 người mất tích; trên 1.350 nhà bị sụp đổ, gần 115.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng; trên 1.286 tàu cá bị đánh chìm, hư hỏng, trong đó nặng nhất là Khánh Hòa. Đến nay, nhiều khu vực vẫn bị ngập nặng, chia cắt giao thông, mất điện trên diện rộng…
Đáng lưu ý, sự cố tại Bình Định, có 10 tàu/101 thuyền viên bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0 và cảng Quy Nhơn (riêng tàu Thanh Hải 18 hiện chưa xác định được số thuyền viên). Hiện đã cứu vớt được 88 người, 8 người chết và 5 người mất tích. “Cần triển khai phương án xử lý, để không để xảy ra sự cố tràn dầu, sẽ rất nguy hiểm”- ông Cường nói.
Liên quan đến sự cố trên, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch tỉnh Bình Định cho biết, tại Cảng Quy Nhơn, theo quy định của Bộ GTVT chỉ cho tránh trú tối đa 30 tàu, nhưng tại thời điểm bão vào, tới 104 tàu hàng, đều là tàu lớn. “Tình hình đó, chỉ sắp xếp được 53 tàu trú tại cảng, còn lại buộc phải trú neo ở phao số 0, trong đó có 21 tàu không liên lạc được, không thấy họ báo cáo, họ tự làm nên cuối cùng thiệt hại rất nặng nề”- ông Dũng nói.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, địa phương đã lập Ban chỉ huy tiền phương để cứu vớt, hỗ trợ những người bị nạn. Đặc biệt, hiện quanh khu vực tàu bị đắm, đã xuất xuất hiện những vết dầu loang… Theo Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ này đã cử đoàn do Phó Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo vào Bình Định, để xử lý sớm về sự cố tràn dầu.
Hỗ trợ gấp gạo, thuốc men
Chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, bão số 12 đã gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, hạ tầng của 9 địa phương miền Trung, Tây Nguyên. Sau lũ lụt là dịch bệnh, đói kém, cản trở phát triển do hạ tầng thiệt hại nặng nề.
Đánh giá cao về công tác chỉ đạo, ứng phó, kể cả dự báo, điều tiết hồ chứa, Thủ tướng cho rằng, cần xem đây là bài học tốt, về tính chủ động, sáng tạo, nhiều giải pháp tiến bộ trong ứng phó với bão lũ.
Thủ tướng cũng gửi lời chia buồn đến các gia đình có người bị nạn, bị thiệt hại do bão lũ, đồng thời, yêu cầu chính quyền các cấp, hệ thống chính trị, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt không để người dân bị đói, cảnh “màn trời chiếu đất”, dịch bệnh, sớm giúp dân định cuộc sống trở lại và đặc biệt là đảm bảo tốt trong sự kiện APEC.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), khắc phục sự cố để cung cấp điện cho người dân sinh hoạt, sản xuất. Huy động lực lượng, nhất là quân đội dựng lại nhà cửa cho người dân, nhà bị sập, hư hỏng.
Bên cạnh đó, các Bộ có chức năng phải trực tiếp đi xuống các địa phương để kiểm tra, xử lý, giải quyết những vấn đề đặt ra ở địa phương, ví dụ, Bộ GTVT phải bảo đảm giao thông thông suốt, không bị ách tắc, Bộ Công Thương bảo đảm hàng hóa cần thiết Bộ NN&PTNT tổng hợp, đề xuất hỗ trợ giống các loại để cho vụ Đông.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đi sâu đi sát hỗ trợ địa phương trong lúc khó khăn này. “Phải giải quyết gạo đến dân kịp thời nhất, cơ số thuốc mà Bộ Y tế giải quyết cho các địa phương phải đưa đến dân sớm nhất. Đề phòng dịch bệnh sau lũ cần phải làm ngay, chứ không phải có dịch bệnh rồi mới làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề hồ chứa, Thủ tướng giao Bộ KHĐT, Tài chính, NN&PTNT đề xuất Thủ tướng xem xét về chương trình nâng cấp hồ chứa. Đồng thời, cần làm tốt vấn đề quy hoạch, bản đồ theo dõi sạt lở kịp thời, tránh để chết người hàng loạt.
Trước mắt, Thủ tướng quyết định hỗ trợ một lượng gạo cần thiết cho các địa phương, tỉnh bị nặng được hỗ trợ 500 tấn, nhẹ là 100-200 tấn. Bộ NN&PTNT sớm trình phương án hỗ trợ các địa phương thiệt hại nặng theo thứ tự ưu tiên để khắc phục hạ tầng, sản xuất với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.