Trên một ngọn đồi thấp tại KP 5, phường Hiệp Thành, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương có một khu mộ cổ được phủ kín bởi những cây cổ thụ. Người dân địa phương chẳng ai biết khu mộ là của ai và xây từ lúc nào bởi vì cổng vào khu mộ không có tên. Ngay cả chính quyền địa phương cũng chỉ biết trên địa bàn phường có một khu mộ xa xưa hoang phế.
Từ ngoài nhìn vào, khu mộ khiến người ta có cảm giác sợ hãi bởi cảnh âm u. Thế nhưng, vào bên trong mới thấy một tuyệt tác bởi kiến trúc xưa để lại. Một lối kiến trúc độc đáo và những tàn tích còn sót lại từ hàng trăm năm, khu mộ cổ này làm cho ai đến cũng thấy tò mò.
Tư liệu lịch sử về khu mộ không được ghi lại nhưng theo tìm hiểu của PV báo Tiền Phong, khu mộ hoang phế này là của ông Trần Văn Lân, một người giàu thuộc hàng bậc nhất của vùng đất Thủ xưa. Ông Trần Văn Lân là người sinh thời theo nghề buôn gỗ, từng có nhiều trại cưa nằm ven sông Sài Gòn cũng như ở vùng rừng núi thượng nguồn dòng sông này ở phía biên giới giáp với Campuchia. Không chỉ là một thương nhân lừng danh, các con ông Trần Văn Lân cũng rất thành đạt.
Trong đó, phải kể đến ông Trần Văn Hổ (con ông Lân) là một đốc phủ, một chức quan khá lớn lúc bấy giờ. Căn nhà của ông Trần Văn Hổ được xem là có một không hai ở Bình Dương. Căn nhà được huy động hơn 300 thợ ở Cố đô Huế vào xây dựng trong hơn 3 năm liền. Được xây dựng năm Canh Dần (1890), Ngôi nhà “độc nhất vô nhị” này tọa lạc tại số 18 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Các người con khác gồm Trần Văn Tề, Trần Công Vị, bác sĩ và tiến sĩ Trần Văn Trai. Đặc biệt, người con thứ 3 của ông, Trần Công Vàng - một nha sĩ danh tiếng, làm rạng danh dòng họ khi bỏ tiền xây hàng chục khu dinh thự nhà họ Trần nằm rải rác nhiều nơi ở vùng đất này. Biệt thự cổ của ông Trần Công Vàng, cũng là một Di tích lịch sử văn hóa quốc gia của tỉnh Bình Dương được công nhận vào năm 1993.
Người dân cho biết, thỉnh thoảng họ thấy có người xưng là cháu của chủ nhân khu mộ từ nước ngoài về vào thăm mộ. Hiện, khu mộ cổ của ông Trần Văn Lân được rào chắn và không còn chỗ cho người dân vào tham quan.