Rầm rộ làm trang trại ‘điện mặt trời’ tại TT-Huế

Công trình điện mặt trời mái nhà trong một trang trại vùng rú cát tại huyện Quảng Điền, tỉnh TT-Huế.
Công trình điện mặt trời mái nhà trong một trang trại vùng rú cát tại huyện Quảng Điền, tỉnh TT-Huế.
TPO - Sau Tây Nguyên, phong trào làm trang trại “điện mặt trời” có dấu hiệu trở thành "cơn sốt" lan nhanh tại TT-Huế, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng đất trái mục đích, sa mạc hóa đất đai, biến tướng sản xuất nông nghiệp, gây mất an toàn về phòng, chống cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

Thời gian gần đây, tại nhiều vùng trang trại rú cát nội đồng tỉnh TT-Huế, đặc biệt là hai huyện Quảng Điền, Phong Điền xuất hiện hàng loạt trang trại “điện mặt trời”. Ngoài hàng nghìn tấm pin năng lượng được lắp đặt dày đặc trên những khung nhà bằng sắt thép có kiểu dáng tương tự nhau, bên trong trang trại chẳng có bất kỳ cây trồng, vật nuôi hay hoạt động sản xuất nông nghiệp nào.

Rầm rộ làm trang trại ‘điện mặt trời’ tại TT-Huế ảnh 1

Công trình xây dựng bằng kết cấu sắt thép dày đặc trên đất nông nghiệp thuộc trang trại rú cát ở Quảng Điền, TT-Huế

Theo đường tránh lũ từ thị trấn Sịa thuộc trung tâm huyện Quảng Điền dẫn ra vùng cát nội đồng dọc Tỉnh lộ 8C - nơi có nhiều trang trại rú cát ra đời và tồn tại cách đây gần 20 năm, đất sản xuất nơi đây bắt đầu bị các chủ doanh nghiệp từ nhiều nơi đổ về mua lại, san nhượng và lập nên những trang trại trồng “cây” pin năng lượng mặt trời.

 VIDEO: Cận cảnh trang trại "điện mặt trời" tại TT-Huế. Thực hiện: Ngọc Văn

Khác với hệ thống điện năng lượng mặt trời áp trên mái nhà ở, khách sạn, hàng quán, trại chăn nuôi gia súc gia cầm, hay vùng chuyên canh rau màu… đã hiện hữu công trình xây dựng phù hợp công năng, các trang trại “điện mặt trời” tại TT-Huế lại hình thành theo quy trình ngược lại, thực hiện áp pin năng lượng trên diện tích rất rộng lớn. Có nơi, tấm pin được áp thẳng lên khung sắt thép nhà thay cho mái lợp.

Rầm rộ làm trang trại ‘điện mặt trời’ tại TT-Huế ảnh 2

Liệu cây, con gì sống nổi bên dưới những ngôi nhà "pin mặt trời" có mật độ dày đặc trên đất nông nghiệp này.

Để hình thành trang trại, thay vì cải tạo đất đai màu mỡ để tạo ra nông sản trước tiên, chủ đầu tư lại cho san ủi mặt bằng, cạo sạch cây cối vốn có trên các phần đất nông nghiệp rộng nhiều hecta, tạo thành những khoảnh đất trống mênh mông bạc màu.

Bước tiếp theo, các công ty chuyên lắp đặt, thi công công trình điện mặt trời được chủ trang trại hợp đồng xây lắp hàng loạt khu nhà khung sắt lên phần đất nông nghiệp. Các nhà khung sắt này là nơi dùng bố trí hàng vạn tấm pin năng lượng mặt trời phủ kín mít đất trồng trọt, chăn nuôi để sản xuất điện. Đi kèm với nhà khung sắt gắn mái pin là hệ thống đường dây điện công suất lớn chờ đấu nối, hòa mạng vào lưới điện chung của tỉnh.

Rầm rộ làm trang trại ‘điện mặt trời’ tại TT-Huế ảnh 3

Nhà khung sắt na ná nhau, bên trên sẽ được lợp bằng tấm pin năng lượng mặt trời, phủ gần kín một khu trang trại rú cát có diện tích vài hecta.

Khi được hỏi về việc những trang trại “điện mặt trời” trên địa bàn liệu có sản xuất nông nghiệp đúng nghĩa, hay chỉ là biến tướng để tạo ra điện mặt trời bán cho công ty kinh doanh điện, một lãnh đạo UBND huyện Quảng Điền cho biết, khi trình đề án trang trại để huyện phê duyệt, thẩm định, chủ đầu tư khẳng định sẽ tổ chức trồng rau màu, cây nha đam bên dưới các tấm pin mặt trời, xung quanh trang trại sẽ trồng cây xanh.

Rầm rộ làm trang trại ‘điện mặt trời’ tại TT-Huế ảnh 4

Gọi là trang trại, nhưng bên trong không hề có cây cối, vật nuôi hay các hạng mục thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp mà chỉ rặt nhà khung sắt để lắp tấm pin năng lượng và hệ thống truyền tải điện năng.

Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động trang trại rú cát nội đồng lâu nay tại Quảng Điền, Phong Điền, việc sản xuất rau màu, trồng cây nha đam nếu thực hiện dưới mặt đất bạc màu có khoảng cách rất gần với các tấm pin mặt trời trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như nơi đây, sẽ là điều rất khó khăn, thậm chí là không tưởng.

Rầm rộ làm trang trại ‘điện mặt trời’ tại TT-Huế ảnh 5

"Cơn sốt" dựng nhà khung sắt hình thành trang trại trồng "cây" pin mặt trời đang lan rộng tại TT-Huế.

So với các vùng khác tại TT-Huế, khu vực trang trại rú cát ở hai huyện Quảng Điền và Phong Điền là nơi có điều kiện thổ nhưỡng khô cằn, khí hậu khắc nghiệt quanh năm, với chủ yếu cát trắng bạc màu, thiếu nước tưới, nhiệt độ nóng bức trong mùa hè. Gần 20 năm trước, các cấp chính quyền có chính sách vận động dân xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp tại những vùng đất khô nóng, cằn cỗi, bạc màu này. Đến nay, số trang trại thành công là không nhiều.

Rầm rộ làm trang trại ‘điện mặt trời’ tại TT-Huế ảnh 6

Phương án phòng chống cháy, nổ trong trang trại "điện mặt trời" cần phải bảo đảm theo quy định, trong khi có chủ trang trại chưa bảo đảm điều kiện này trước khi làm hồ sơ đấu nối bán điện ra ngoài.

Các trang trại rú cát tồn tại lâu nay chủ yếu để trồng cây keo tràm lấy gỗ, củi, chăn nuôi trâu bò, gà vịt, thả cá nước ngọt... “Việc họ có trồng trọt rau màu, cây nha đam bên dưới đúng như khai báo và hồ sơ xây dựng trang trại hay không thì cần có thời gian, lộ trình để minh chứng. Trước mắt, nơi đây đang xây dựng công trình điện áp mái. Sau này, họ làm không đúng đề án trang trại đã phê duyệt, huyện sẽ xử lý”, một vị lãnh đạo UBND huyện Quảng Điền cho biết.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.