Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến nay ông chưa nhận được đơn cũng như tài liệu hồ sơ liên quan đến đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn TP. HCM). Theo ông Phúc, Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là nơi tiếp nhận đơn xin thôi đại biểu Quốc hội của ông Phạm Phú Quốc (nếu có), cũng là nơi có trách nhiệm quản lý về việc này.
Hiện quy trình xem xét, xử lý đại biểu của ông Phạm Phú Quốc cũng chưa được bàn đến, cũng chưa có trong nội dung dự kiến chương trình phiên họpỦy ban Thường vụ sắp tới, vì hiện Ban Công tác đại biểu chưa có báo cáo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trong trường hợp này, ông Phạm Phú Quốc sẽ bị "bãi miễn" chứ không phải "miễn nhiệm" tư cách đại biểu Quốc hội, chính vì vậy sẽ phải trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới đây.
“Nêu miễn nhiệm thì thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ còn bãi miễn thì phải đưa ra Quốc hội vì chỉ Quốc hội mới có quyền bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội”, ông Phúc cho hay. Cùng ngày, phóng viên cũng liên lạc với Trưởng Ban Công tác đại biểu để xác minh thông tin, nhưng không nhận được hồi âm.
Tại buổi họp báo do TP. HCM tổ chức trước đó, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM cho biết, ngày 25/8, khi có thông tin về việc “mua” quốc tịch Cộng hòa Síp từ báo chí trong và ngoài nước, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi chức Tổng giám đốc Công ty TNHH Một Thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Trong đơn, ông Phạm Phú Quốc thừa nhận bản thân “có quốc tịch Công hòa Shíp, do gia đình bảo lãnh”. Ông Quốc cũng phủ nhận thông tin về việc “mua” quốc tịch Cộng hòa Síp với giá 2,5 triệu USD.
Cũng theo ông Khuê, vào năm 2018, khi còn là Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, ông có nhận được đơn của ông Phạm Phú Quốc, nhưng không phải là đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu, mà là đơn cung cấp thông tin việc đang bị thành phố xem xét kỷ luật. Nghĩa là ông Phạm Phú Quốc không phải có ý định thôi nhiệm vụ trong năm 2018.