Đất nước đang ở vào giai đoạn khó khăn nhất thời hậu chiến, chiến tranh Campuchia, chiến tranh biên giới phía Bắc, khủng hoảng kinh tế, điện rất thiếu, đêm ấy khi máy bay cất lên cao, tôi nhìn xuống chỉ thấy Hà Nội le lói vài ánh đèn. Mặc dù khi học tiếng Nga để đi, trong số thầy cô dạy chúng tôi có một số người Liên Xô, trong đó có người vợ Nga của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (người đã theo ông về Việt Nam trong thời gian chiến tranh phá hoại miền Bắc của Không quân Mỹ, người mà theo lời kể của nhà báo Xuân Ba thì có tham gia dạy các sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội các anh và mang giỏ ra đồng móc cua khi trường đi sơ tán ở mạn Kinh Bắc), tôi vẫn thấy lạ lùng khó tả khi được các tiếp viên sang trọng của hãng hàng không Airoflot phục vụ bữa ăn. Thời đó thế giới chưa bị đe dọa bởi chủ nghĩa khủng bố, cung cách phục vụ trên chiếc máy bay vận tải hành khách tầm xa IL-86 hơi giống nhà hàng: khăn ăn bằng vải bông thơm tho, mềm mại trắng tinh, dao, nĩa i nốc sáng loáng. Với những người mà mới hôm trước còn ăn cơm độn sắn với cả bo bo ninh, đó quả thật là chuyến bay đến cửa ngõ thiên đường.
Thực sự thì tôi chả còn nhớ được chuyến bay trong mơ đó đã đáp xuống sân bay nào ở Mátxcơva, Sheremechevo hay Demededovo? Chỉ nhớ rất rõ cái cảm giác lâng lâng khi sớm tinh sương được một lái xe người Nga to lớn chở cả đoàn du học sinh (chúng tôi chỉ là một nhóm trong gần 1.000 người được cử sang Nga học trong năm ấy), mà trong đó có hai người sau này trở thành rất nổi tiếng là Lê Chức (đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú, một người đọc lời bình xuất sắc) và Nguyễn Phương Nga (người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Nữ thứ trưởng ngoại giao đầu tiên của Việt Nam). Chiếc xe khoảng năm chục chỗ chở chúng tôi từ sân bay về thành phố sang trọng khác hẳn với những chiếc xe khách rách rưới chạy trên các con đường Việt Nam khi đó. Tôi có cảm giác như nó trôi bồng bềnh trong sương sớm giữa cánh rừng bạch dương thân trắng đốm đen nối tiếp rừng thông đang thẫm lại trong thứ ánh sáng lê minh huyền hoặc.
Chắc hẳn trong suốt ba bốn chục năm ròng, hằng năm, đều có từ mấy trăm đến cả ngàn cô cậu học trò Việt Nam có cái cảm giác hạnh phúc khó tả như tôi khi ấy trên những chuyến tàu, chuyến máy bay đến với đất nước người Anh Cả của phe Xã hội chủ nghĩa.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi ở xứ sở Bạch Dương là đền đài khoa học Nga – Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov – trên đồi Lenin. Chúng tôi ở đó 3 ngày trước khi được phân về các trường ở Mátxcơva hoặc các thành phố Nga hay các nước cộng hoà Xô Viết khác trong Liên bang. Không nhớ được gì nhiều ngoài ở đó có rất nhiều cây táo mà những quả táo tây tuy còn xanh chua đến cứng hàm nhưng chúng tôi vẫn vừa háo hức vừa len lén hái để ăn trong lần đầu tiên nhìn thấy ngoài đời thực.
Tôi được phân về học tiếp thêm một năm tiếng Nga ở Minsk, thủ đô của xứ Bạch Nga Belorusia, ngày nay gọi là Belarus. Đó là thành phố tôi luôn muốn về lại mặc dù chưa lần nào thực hiện được. Không quá lớn để gây ngợp, nhịp sống thì thanh bình, thư thả, con người thuần hậu. Người đón chúng tôi ở ga tàu là ông Volodia, người mà mấy ngày sau đó mặc dù nhìn ông đi có vẻ khoan thai nhưng chúng tôi cứ phải vừa đi vừa chạy cho kịp. Ông cũng là người sẽ dẫn chúng tôi đến Detsky Mir (Thế giới trẻ em) – siêu thị lớn bán quần áo trẻ con để chúng tôi mua sắm bằng số tiền to 300 rúp được bạn cấp để mua quần áo. Những cô cậu mười chín đôi mươi chúng tôi khi đó chỉ mặc vừa quần áo thiếu nhi Liên Xô. Thành thử diễn ra những cảnh tượng tức cười là xen kẽ với những hôm mặc quần áo thiếu nhi, chúng tôi mặc quần áo được bộ Giáo dục nước nhà cấp phát trước khi đi mà chúng tôi thường gọi nôm na là “áo quần chú Tứ” (xin vong linh cố Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ xá tội cho chúng tôi). Nói tức cười là vì không có quyền lựa chọn, phát gì thì cầm nấy, thành thử hai bộ “quần áo chú Tứ” thì có đứa vai áo trễ xuống gần khuỷu tay, quần thì phải xắn gấu, có đứa nhìn lùng thùng như khoác bao bố, cạp quần thắt lưng chặt lại dồn thành một đống. Chấn động nhất phải kể đến cảnh có lần 5 thằng con trai chúng tôi mặc 5 cái áo len cổ lọ màu đỏ hoa mười giờ giống nhau như 5 giọt nước nghễu nghện dăng hàng ra phố khiến người đi đường tròn mắt, có người còn đi theo để xem vì cứ tưởng chúng tôi là của hiếm sinh năm (thành thật mà nói hồi đó chúng tôi không hiểu vì sao họ lại ngạc nhiên thế).
Minsk là nơi đầu tiên tôi bước vào một cửa hàng thực phẩm và thú thực là trong đầu tôi khi ấy đã buột lên ý nghĩ giống như tiếng kêu: “Chết với mình rồi!”, khi nhìn thấy thịt bò, thịt lợn, gà, cá đầy ắp trong các tủ cấp đông còn giò và trứng thì xếp lớp trên các giá cao chạm trần nhà. Đó cũng là nơi mà từ cửa sổ tầng 3, ký túc xá Đại học Ngoại ngữ Minsk ở phố nhỏ Omski năm ấy, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy lá phong vàng trên cành rơi rụng xếp lớp xuống con đường phía dưới để cảm thấy hay hơn câu thơ của Bằng Việt - một người cũng từng du học Liên Xô “Vườn vàng phơi lá thu”. Cũng lần đầu tiên tôi thấy giữa đêm mà trời hồng lên diệu tuyệt bởi những bông tuyết đang rơi mau mau lặng lẽ, nhẹ như những cánh bông. Minsk cũng là nơi tôi cảm nhận đến tận cùng cái hạnh phúc thanh bình khi mỗi thứ bảy, chủ nhật ra quảng trường Pobeda (Chiến Thắng) ngồi nghe các ban nhạc chơi và nhìn các cặp đôi trẻ già đủ tuổi dìu nhau nhảy say mê đến mức nhiều khi mưa to vẫn che ô tiếp tục cuộc chơi. Đó cũng là nơi mà tôi được đến ngọn đồi mà tên giờ không còn nhớ ở Magilyov – một trong những điểm nóng của chiến dịch giải phóng Belorusia 1944, chiến dịch bao vây tiêu diệt lớn thứ hai trong lịch sử loài người khi Hồng Quân kết liễu một tập đoàn đến khoảng 500 nghìn lính Đức. Khi đó, tôi nhìn đúng là “hoa vàng trên cỏ xanh”, những bông Romashka – cúc dại nhỏ xíu màu vàng tươi, chi chít, mơn mởn trên tấm thảm xanh phủ mịn ngọn đồi và hiểu rằng trong cái màu xanh – vàng đẹp đến nao lòng ấy thực ra có màu đỏ của máu bao chiến sĩ vì tiến bộ và tự do của loài người mà hy sinh.
Chặng đường 5 năm tiếp theo của tôi ở xứ Bạch Dương là vùng thảo nguyên lưu vực sông Kuban trù phú và bát ngát ở miền Nam nước Nga sát bên bờ Hắc Hải. Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kuban – thành phố Krasnodar. Thành phố mà tên ghép có nghĩa là Quà (Dar) của Hồng Quân (Krasnưi) là một địa danh lịch sử vốn có tên Ekaterinadar (Quà của Hoàng hậu Ekaterina). Sở dĩ thành phố có tên như thế vì Ekaterina Đệ Nhị người Phổ là hoàng hậu Nga thế kỷ 18 đã có công rất lớn khi bình định được cho nước Nga vùng đất phên dậu vốn hoành hành những bộ lạc du mục thiện chiến lẫn những đám quân đông đảo của Đế quốc Ottoman - Thổ Nhĩ Kỳ.
Vùng Krasnodar rộng lớn, vựa lương thực của nước Nga với những cánh đồng lúa mì và hướng dương bát ngát xe chạy cả buổi có khi còn chưa ra khỏi. Đó là miền đất của những cây phong, cây du… và loài hoa siren màu lìm lịm bằng lăng mà ai đó trong chúng tôi đã đưa vào câu thơ “Anh ước quanh năm siren tím nở / Cho giấc mơ em không bận chút u buồn”. Đó là điểm đến mà có lần tôi đi tàu từ Mátxcơva về được hưởng cái màu tranh thu Levitan giữa những rừng bạch dương trổ sắc vàng rực rỡ chạy dài suốt cả mấy nghìn cây số trung bộ nước Nga. Đó là thành phố Krasnodar – nơi trang bị cho tôi những kiến thức mà mấy chục năm kế tiếp sau đó tôi không bị hụt hơi dù làm những công việc khác nhau từ dạy học đến xuất bản hay làm báo. Ở đó có giảng đường bao năm, bao tháng tôi ngồi cạnh những đôi mắt Nga xanh biếc, nâu trầm hay xám rực mà ánh sáng từ đó khiến trái tim ngượng nghịu phương Đông ít khi dám nhìn sâu vào đến tận cùng. Tôi nhớ Svetlana Vernhitskaya – cô giáo hướng dẫn luận văn tốt nghiệp của tôi thỉnh thoảng lại đến gõ cộc cộc rất thưa và đĩnh đạc lên cánh cửa phòng tôi rồi ra phòng đợi ngồi để chất vấn vì sao đến hẹn mà tôi không đến báo cáo tiến độ. Nhớ như in hình ảnh mặt bà vênh thượng lên khi rời buổi bảo vệ của tôi, gặp ai cũng khoe “nó đánh bật tất cả các đợt tấn công”, ý nói tôi trả lời không chút khó khăn các câu hỏi của hội đồng thi.
Và cũng không thể quên những mùa hè, những công trường xây dựng hay những cánh đồng táo, lê mênh mông mà chúng tôi lưng trần dưới mặt trời cận nhiệt đới chói chang thiêu đốt, làm quần quật từ bình minh đến hoàng hôn trong những át-tờ-ri-át – đội lao động sinh viên. Đó cũng là nơi mà có lần tôi ngồi lại một ghế đá mắt nhìn theo cô gái đi xa dần, khao khát đến thắt tim một cái ngoái đầu nhìn lại. Là nơi có hũ mật ong mà cô bạn mắt nâu Lilya Kamenhetskaya cầm trong tay đứng thập thò ở cửa khi nghe nói tôi bị viêm họng. Là nơi mà 3.000 em gái Việt thân thương làm việc trong hai liên hợp dệt Kha-bê-ka và Ka-ét-ska, những người quá may mắn vì có được chuyến xuất ngoại độc đắc kiếm tiền cứu nhà, nhưng tôi nghĩ cũng là những người bất hạnh sâu xa, bởi ba bốn năm đẹp nhất của thì con gái, hầu hết các em không được cảm nhận cái nhìn nặng trĩu của một người con trai nào đó. Đến tận giờ sau chẵn ba chục năm ròng, tôi vẫn thấy nhơ, thấy thương bao người em gái chẳng biết sau này đã về những nơi đâu ấy…
Kể đến bao giờ cho hết những kỷ niệm nơi nước Nga thương mến, đất nước mà mỗi khi nhớ về thì không có lời nào diễn tả hết được cảm xúc thẳm sâu ngoài một câu tựa như tiếng kêu vừa thảng thốt, vừa kiêu hãnh tràn ngập tự hào và thấm đẫm yêu thương trong “Cuộc hành binh của đoàn quân Igor” - bản anh hùng ca cổ xưa nhất, từ thời những người Nga lập nước: “Ôi, Nước Nga!”.
Sáng 5/11, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Dự Lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; nhiều đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng… Tại buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại những kỷ niệm và khẳng định, dù thế giới đang có nhiều đổi thay, nhưng trong ký ức và tình cảm của người dân Việt Nam, vẫn vẹn nguyên tình yêu Cách mạng Tháng Mười, tình yêu với nước Nga hào hùng…
Kể đến bao giờ cho hết những kỷ niệm nơi nước Nga thương mến, đất nước mà mỗi khi nhớ về thì không có lời nào diễn tả hết được cảm xúc thẳm sâu ngoài một câu tựa như tiếng kêu vừa thảng thốt, vừa kiêu hãnh tràn ngập tự hào và thấm đẫm yêu thương trong “Cuộc hành binh của đoàn quân Igor” - bản anh hùng ca cổ xưa nhất, từ thời những người Nga lập nước: “Ôi, Nước Nga!”.
Đón xem kỳ 3: Như thể cố hương