Tôi rất tiếc là vài hôm trước khi nghe người bạn nói ông Nikolai Kolesnik đến Việt Nam đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga thì ông đã lại rời Việt Nam rồi nên không gặp được. N. Kolesnik chính là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam toàn Nga (tổ chức của những người lính Liên Xô/Nga từng sang giúp nhân dân Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ).
Dẫu chưa từng gặp, nhưng tôi có chút duyên với ông. Năm 2012, cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm bản tiếng Nga được in ra, ông chính là người viết lời tựa cho cuốn sách. Bài viết có tên “Đất nước cần biết và nhớ những người anh hùng” rất hay, tôi đọc thấy xúc động nên đã dịch một lèo khoảng hơn 2 tiếng buổi trưa để chiều tối đưa vào số báo, lên khuôn đầy cả một trang. Kolesnik đã lý giải trong bài viết đó sự gần gũi về mặt khí chất, tính cách và tâm hồn cũng như số phận của người Việt và người Nga. Tôi đặc biệt thích những đoạn ông kể về những kỷ niệm khi ông là một người lính tên lửa cùng đồng đội sang Việt Nam từ năm 1965 để hướng dẫn cho các chiến sĩ Việt Nam cách điều khiến loại khí tài hiện đại này, mà chủ yếu dạy theo lối “truyền tay” ngay trên bệ phóng. Có giai đoạn các bạn chiến đấu Việt Nam chưa thành thạo, nhiều khi các sĩ quan, chiến sĩ Liên Xô phải trực tiếp ấn nút phóng tên lửa vào máy bay Mỹ. Kề vai sát cánh cùng đồng đội Việt Nam nên họ cũng hứng chịu bom đạn và tên lửa đáp trả của không quân Mỹ. Nhiều người bị thương, có người hi sinh.
N. Kolesnik kể trong số người bị thương có binh nhì Vitaly Smirnov thuộc trung đoàn Kemerovo bị rất nặng và hi sinh ngày 24/10/1965, khi mới 20 tuổi. Anh để lại ở quê hương người vợ và con gái Natasha lúc đó mới có 1 tuổi 4 tháng. Mãi cuối năm 2011, qua Internet, Natasha liên lạc được với ông, và sau gần nửa thế kỷ, lần đầu tiên chị được biết chi tiết về cái chết của cha mình qua hồi ức của người chỉ huy cũ của khẩu đội phóng trong nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trung đoàn 238, tướng Demchenko (năm 1965 ông là trung úy). Tháng 2/2007, tại quê hương của Vitaly ở làng Yaya, tỉnh Kemerovo, một tấm bia kỷ niệm về anh đã được đặt và đường Mátxcơva của làng này, nơi anh từng sống được đổi tên thành Vitaly Smirnov.
Trong bài viết của mình, N. Kolesnik không nói một chiều về những đóng góp của nhưng người lính Xô Viết, ông kể với lòng ngưỡng mộ về những chiến sĩ Việt Nam mà ông sống và chiến đấu cùng, những người mà ông dạy cho họ cách sử dụng vũ khí chiến đấu nhưng “học được ở họ cách chiến thắng”. Ông dành trọn tình cảm cho những nữ chiến sĩ quân y đã điều trị cho ông mà ông không quên tên sau gần 50 năm: “Tôi nhớ cô Dôi vui tính không bao giờ biết buồn, cô bé Liên ngượng nghịu, nguyên tắc, cô Quỳnh đáng yêu và mơ mộng”. Ông tả sinh động chuyện cô Liên khi tiêm cho ông đã lấy ngón tay út khẽ gãi gãi cạnh mũi kim khiến ông “bằng cách thần kỳ nào đó” không còn cảm thấy đau.
Khoảng một năm sau bài viết trên, vào tháng 4/2013, nhân kỷ niệm ngày Chiến thắng 30/4, trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói nước Nga, N. Kolesnik nói: “Đối với tôi cho đến tận bây giờ, đó là những ngày tháng đáng ghi nhớ nhất và đáng sống nhất trong cuộc đời. Tôi và những đồng chí của tôi, Xô Viết – Việt Nam đã tham gia vào những sự kiện lịch sử hùng tráng nhất và đã rèn lên chiến thắng – bằng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tôi vô cùng tự hào là đã mang nhiệt huyết và sức lực của mình đóng góp cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam và có một phần công sức trong công tác xây dựng Lực lượng tên lửa phòng không Anh hùng của Việt Nam”.
Tôi nghĩ, những cảm xúc và niềm tự hào của cựu chiến binh Việt Nam N. Kolesnik không bao giờ bị tổn thương vì chính trong Lời tựa cho “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”, ông cũng viết: “Cần phải thấy là lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và gìn giữ kỷ niệm về những giúp đỡ lớn lao mà Liên bang Xô Viết và các chuyên gia quân sự Liên Xô đã dành cho nhân dân và Quân đội Việt Nam trong những năm chiến tranh. Việt Nam có lẽ là đất nước duy nhất trong số những nước mà Liên Xô từng giúp đỡ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà nhân dân ở đó sau nhiều chục năm vẫn giữ trọn tình cảm biết ơn chân thành đối với người Xô Viết và khẳng định tình cảm đó bằng những hành động ân tình với các cựu binh Liên Xô tham gia chiến tranh Việt Nam. Giờ đây, khi mà một số cựu đồng minh của chúng ta trong Hiệp ước Vácsava, thậm chí một số nước cộng hòa Xô Viết cũ nữa phá đi tượng đài các chiến sĩ Hồng quân đã hi sinh để giải phóng đất nước họ ra khỏi ách phát xít, thì Việt Nam, đất nước duy nhất trong số các nước Liên Xô từng giúp đỡ đã dựng lên ở Cam Ranh cả một tượng đài để tưởng nhớ các quân nhân Liên Xô/Nga và Việt Nam đã hi sinh vì hoà bình và ổn định trong khu vực”.
Là người có can dự vào các hoạt động của Hội Hữu nghị Việt – Nga, tôi nhớ những ngày vui khi khánh thành tượng đài ở Cam Ranh, ngay gần sân bay, mà tôi cũng được có mặt để viết mấy kỳ ký sự-hồ sơ “Cam Ranh – lịch sử một tượng đài” trong đó kể về việc xây dựng và vận hành Trạm Hậu cần Kỹ thuật - tên gọi chính thức căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương, Liên Xô cũ ở Cam Ranh; trường hợp hi sinh của 44 sĩ quan, binh sĩ Xô Viết trong thời gian tồn tại căn cứ này. Lại cũng nhớ những cuộc họp bàn, triển khai xây dựng tượng Anh hùng Phi công vũ trụ Thượng tướng German Titov – nguyên chủ tịch Hội Hữu nghị Liên Xô – Việt Nam trên đảo Titov, vịnh Hạ Long mà lễ khánh thành tôi lại cũng được tham dự để viết hai kỳ ký sự “Huyền thoại Titov với Hạ Long”. Những việc làm nghĩa tình trên cùng với những chương trình khiến nhiều người Nga và Việt đều rơi nước mắt như “Gặp gỡ thầy trò Nga - Việt”, những chương trình giao lưu nghệ thuật, cầu truyền hình, các hoạt động rộng khắp cả nước ta nhân các dịp kỷ niệm chẵn Cách mạng Tháng Mười, Ngày Chiến thắng Phát xít Đức khiến các bạn Nga xúc động và ghi nhận. Một lần, sau khi ngồi trò chuyện và hát cùng chúng tôi suốt buổi trưa, một quan chức cao cấp Đại sứ quán Nga nói với tôi: “Cảm ơn các bạn, hôm nay nhìn lại, nước Nga thấy quanh mình vắng đi nhiều người từng là bạn, nhưng Việt Nam vẫn luôn bên chúng tôi”.
Lại nhớ đến lễ kỷ niệm rất trang trọng 55 năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Nga - Việt (tiền thân là Hội Hữu nghị Xô - Việt) ngày 22/11/2013 tại hội trường lớn một khách sạn sang trọng ở Mátxcơva với sự tham dự của 500 đại biểu, chúng tôi lắng nghe thư chúc mừng của các lãnh đạo nước Nga: Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch Duma Quốc gia Gennady Seleznev, Thị trưởng Mátxcơva Sergey Sobyanin. Mà không chỉ gửi thư tới Hội, họ còn cử trợ lý đến đọc trực tiếp nữa. Những lời hết sức tốt đẹp và ấm áp. Tôi nhớ mãi câu trong thư của Thị trưởng Mátxcơva Sobyanin: “Không hiểu sao khi ở nước Nga chúng ta đã chuyển sang gọi nhau bằng ngài mà mỗi khi gặp một người Việt Nam, tự nhiên chúng ta lại cứ gọi bằng đồng chí”.
Sự giúp đỡ của Liên Xô trong những năm chiến tranh cho Việt Nam là rất to lớn và toàn diện. Chỉ tính riêng viện trợ quân sự, theo số liệu của Liên Xô, thì Việt Nam đã nhận được từ bạn: 7.000 khẩu pháo và súng cối, hơn 5.000 pháo phòng không các loại và các tổ hợp kỹ thuật, 158 tổ hợp tên lửa phòng không, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng , 100 tàu chiến các loại, hàng nghìn xe tăng... Và tất cả đều là viện trợ không hoàn lại. Để giúp cán bộ chiến sĩ Việt Nam sử dụng vũ khí này, nhiều cán bộ, chiến sĩ, chuyên gia quân sự Quân đội Xô Viết đã được cử sang Việt Nam, theo công bố của phía bạn, tổng cộng hơn 10 nghìn lượt người.
Tượng đài Cam Ranh
Tượng đài “Tưởng niệm những người Liên Xô/Nga và Việt Nam hy sinh tại bán đảo Cam Ranh vì hòa bình, ổn định khu vực” được xây dựng trong khoàng thời gian 2007-2009, khánh thành ngày 10/12/2009. Chủ trì là Hội Hữu nghị Việt – Nga và tỉnh Khánh Hoà, nhà tài trợ chính là Liên doanh dầu khí Vietsopetro, tác giả tượng đài là nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thắng.Tượng đài bằng đá granit nặng 760 tấn, cao 21 m đứng ven biển Cam Ranh, ngay sát sân bay. Tượng đài gồm phần đài và phần tượng. Phần đài là mũi tàu với cột buồm thẳng đứng tượng trưng cho dải khói trắng của chiếc máy bay MIG-21 đang bay vút lên nâng hai lá cờ Việt Nam và Liên bang Nga. Phần tượng gồm 3 nhân vật: chiến sỹ hải quân Việt Nam, phi công Liên Xô/Nga và em bé nâng con chim hòa bình.
Hai bên tượng đài có những tấm bia ghi danh 44 quân nhân Liên Xô/Nga và 176 cán bộ chiến sĩ Việt Nam hi sinh tại Cam Ranh và khu vực miền Trung vì hoà binh và ổn định của khu vực trong thời gian tồn tại của căn cứ Hải quân Cam Ranh của Liên Xô. Đứng đầu danh sách bên phía Việt Nam là các anh hùng, liệt sĩ hi sinh ngày 14/3/1988 khi bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở khu vực các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao như trung tá Trần Đức Thông, Đại uý Vũ Phi Trừ, trung uý Trần Văn Phương...
Tượng đài Anh hùng vũ trụ Gherman Titov trên Vịnh Hạ Long
Vợ và con gái Anh hùng Titov bên tượng đài ông ở Vịnh Hạ Long.Thượng tướng Gherman Titov là phi công vũ trụ thứ 2 của Liên Xô, thứ 4 của loài người bay lên vũ trụ, người đầu tiên ở trên vũ trụ hơn 1 ngày đêm. Năm 1962, ông sang Việt Nam được Bác Hồ dẫn đi vịnh Hạ Long và được Người lấy tên đặt cho một hòn đảo nhỏ trên vịnh. Từ đó, Titov dành rất nhiều tình cảm và có nhiều hành động thiết thực để ủng hộ Việt Nam và phát triển tình hữu nghị Xô - Việt. Ông làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Liên Xô - Việt Nam một thời gian dài, là người có công lớn trong việc Liên Xô dựng tượng Bác Hồ ở Mátxcơva và bảo vệ tượng đài này trong thời kỳ lộn xộn sau khi Liên Xô sụp đổ.Việc xây dựng tượng Titov do Hội Hữu nghị Việt - Nga và tỉnh Quảng Ninh chủ trì, tài trợ chính là Vietsopetro. Tượng do nhà điêu khắc Lâm Quang Nới thiết kế, tư vấn phần ngoại cảnh là kiên trúc sư Trần Lang.
Tượng Titov làm bằng đá xanh Thanh Hóa gồm hai khối, cao gần 6 mét, nặng hơn 26 tấn. Tấm bia cũng là một khối đá tự nhiên, dày 30 cm, cao 1,5 mét, nặng gần 3 tấn, khánh thành ngày 14/9/2015.