Những hoa khôi cao nguyên đá khoe sắc

Người đẹp cao nguyên đá Lưu Thị Hòa
Người đẹp cao nguyên đá Lưu Thị Hòa
TP - Nằm trong khuôn khổ Tuần văn hóa du lịch lễ hội chợ tình Khau Vai 2014, tối 25/4, tại thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) diễn ra Chung kết cuộc thi Người đẹp miền cao nguyên đá lần thứ nhất.

Giới thiệu bản sắc văn hóa

Cuộc thi dành cho thiếu nữ các dân tộc có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hà Giang. Sau vòng sơ tuyển, Ban tổ chức lựa chọn 27 thí sinh vào vòng chung kết. Cuộc thi không chỉ tôn vinh nét đẹp của thiếu nữ các dân tộc, mà còn góp phần giới thiệu, giao lưu hình ảnh và các nét truyền thống văn hóa truyền thống.

Thí sinh Vi Thị Thơm (SN 1992, dân tộc Tày) chia sẻ: “Trong chung kết, em trình diễn trang phục truyền thống của người Tày, gồm quần áo, vòng cổ và cây đàn Tính, hoặc nón…”. Hiện là giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng ở Yên Minh, Thơm cho hay, tham gia cuộc thi có thêm nhiều bài học về kỹ năng mềm, giao lưu kết bạn và tham gia hoạt động từ thiện, thăm hỏi người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc (chiều 24/4). Thơm chọn điệu múa “Xuân về trên bản Mông” để dự thi tiết mục tài năng vòng chung kết.

Đến từ huyện Quang Bình, thí sinh Phượng Mùi Mủi (SN 1994, dân tộc Dao) trình diễn trang phục truyền thống với nhiều màu sắc như xanh, đỏ, tím… thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc. Phần thi tài năng của Mùi Mủi là múa “Gậy tiền” của dân tộc Dao. “Đây là điệu múa ca ngợi vẻ đẹp lao động. Trong bài múa có nhiều động tác của nhiều công việc khác nhau như xay gạo, lên nương… Qua trang phục và điệu múa truyền thống, em muốn giới thiệu nét văn hóa của dân tộc Dao bên cạnh những nét đặc sắc của dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang”, Mùi Mủi nói.

Bí thư Tỉnh đoàn Hà Giang Vương Ngọc Hà cho biết: “Cuộc thi là một trong những hoạt động góp phần giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc miền cao nguyên đá Hà Giang đến với cả nước. Hơn thế, Ban tổ chức mong muốn cuộc thi sẽ góp phần định hướng thanh niên các dân tộc tới vẻ đẹp thể chất và tâm hồn, lối sống tích cực”.

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Trong đêm chung kết, các thí sinh đến từ nhiều dân tộc đã mang tới những bộ trang phục đậm sắc màu dân tộc truyền thống. Đó là những trang phục của dân tộc Dao, Mông, Tày…

Để đảm bảo thời gian chạy chương trình, các thí sinh cùng dân tộc được bố trí ở cùng nhau, cũng như giúp đỡ nhau trong việc mặc và trang trí phụ kiện… Thí sinh Lý Thị Mai (SN 1990, dân tộc Dao) cho biết, để mặc trang phục người Dao gồm khăn cuốn đầu, áo dài màu chàm đen có đính hạt cườm…, cần 30 phút. Các thí sinh hỗ trợ nhau trong lúc trang điểm, cuốn khăn đầu”.

Kết quả cuộc thi Người đẹp cao nguyên đá

Kết thúc cuộc thi, thí sinh đạt giải nhất với trị giá 10 triệu đồng là Lưu Thị Hòa (SBD 21, dân tộc K’lao, Đồng Văn); Hai giải Nhì với trị giá 5 triệu đồng/giải thuộc về Dình Thị Nhung (SBD 22, dân tộc Lô Lô, Mèo Vạc) và Hoàng Thị Hải Hiền (SBD 1, dân tộc Tày, Thành đoàn Hà Giang).

Ban tổ chức còn trao 3 giải Ba trị giá 3 triệu đồng; một số giải thưởng phụ gồm: Giải thí sinh có khuôn mặt đẹp nhất, giải Thí sinh ứng xử hay nhất có trị giá 500 ngàn đồng.

Trong số hàng ngàn khán giả trực tiếp xem tại Sân vận động huyện Mèo Vạc, hay theo dõi trực tiếp qua màn ảnh nhỏ, có một khán giả người Lào- anh Sy Thoom. Anh chăm chú theo dõi và cổ vũ các màn trình diễn của các thí sinh. Hẳn anh cũng đang mê mải Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

Trong đêm hội thanh sắc miền cao nguyên đá, ở hàng ghế Ban giám khảo có sự hiện diện của Á hậu 1 của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Lò Thị Minh, NSND Minh Hòa... NSND Minh Hòa vẫn nguyên vẹn vẻ quý phái, sang trọng trên gương mặt được “đóng đinh” trong vai diễn bà Trần Lệ Xuân của điện ảnh Việt một thời…

Dập dìu chợ tình Khau Vai

Ngay từ ngày 25/4 (tức 26/3 âm lịch), trước ngày chàng Ba cô Út gặp nhau trong truyền thuyết, nhiều hoạt động đã diễn ra sôi nổi.

Ban tổ chức Tuần văn hóa du lịch lễ hội chợ tình Khau Vai khéo sắp xếp thời gian để các du khách không phải bỏ lỡ hoạt động nào.

Những hoa khôi cao nguyên đá khoe sắc ảnh 1

Cưỡi ngựa xuống chợ tình Khau Vai

Cách thị trấn Mèo Vạc 20 cây số, tại Khau Vai, nơi khởi nguồn chuyện tình chàng Ba, cô Út đã diễn ra Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà. Đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái. Ngay từ cổng chào đến sân trung tâm xã Khau Vai, không gian văn hóa vùng cao địa đầu Tổ quốc nhộn nhịp cảnh tham quan, mua sắm của nhân dân địa phương và du khách.

Nhiều du khách thích thú tham gia “cưỡi ngựa xuống chợ tình”, cũng như chụp ảnh bên những con ngựa. Chị Lý Thị Mai, 20 tuổi, dân tộc Dao, cho biết: “Năm nay, lần đầu tiên mình mang ngựa xuống chợ tình để phục vụ du khách. Đây là ngựa của nhà, bình thường dùng để chở lúa, nông sản”. Những món ăn đặc sản của vùng cao nguyên như thắng cố, mèn mén, thịt lợn hun khói, lẩu ngựa... được bày bán, giới thiệu.

Chị Vàng Thị Siu, 40 tuổi, dân tộc Nùng, đến từ Bắc Quang (Hà Giang) đến chợ tình Khau Vai để buôn bán đồ lưu niệm. “Nhà mình cách Khau Vai gần 200 cây số, phải đi ô tô khách lên. Đây là năm đầu tiên mình lên đây buôn bán. Đồ là vòng tay, nhẫn và những món quà lưu niệm”. Các nghệ nhân địa phương đã tái hiện không khí giao lưu văn nghệ dân gian, nhất là Lễ hội Múa trống của dân tộc Giáy.

Khi màn đêm buông xuống, không gian chợ tình bắt đầu sống động với những giai điệu, ca từ lãng mạn. Các nghệ nhân địa phương trực tiếp trình diễn những khúc hát đối, hát giao duyên. Trong tiếng khèn dập dìu, tiếng đàn môi ngân vọng…, có những người bắt đầu xuống chợ tìm người mong gặp để tâm tình, hát cho nhau nghe trong phiên chính chợ tình vào ngày 27/3 âm lịch. Ngân vọng nơi chợ tình là câu hát: Đợi anh hết mùa lanh/ Đợi anh qua mùa đào/ Vượt đỉnh Mã Pì Lèng/ Ta tìm về với chợ tình Khau Vai...

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.