Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM vừa công bố thông tin khởi công công trình sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh với chiều dài toàn tuyến gần 3,2km, mặt đường sẽ được nâng cao từ 50cm đến 1,2m. Tổng kinh phí là 472,9 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 371 tỉ đồng. Thời gian thi công dự kiến kéo dài khoảng 14 tháng.
Chiều 4/10, trao đổi với Tiền Phong, nhiều hộ dân ở hai bên đường Nguyễn Hữu Cảnh và các con hẻm nhỏ ở khu vực này tỏ ra không đồng thuận. Họ lo lắng việc nâng đường sẽ khiến tình trạng ngập càng nghiêm trọng hơn.
Theo người dân, ở thời điểm hiện tại, mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh đã cao hơn nhiều con hẻm. Nếu nâng đường lên thêm 1,2m, nhà dân sẽ biến thành hầm, nước từ đường chính đổ dồn xuống khó tránh khỏi tình trạng ngập nặng hơn trước.
Anh Lưu Chí Thiện (ngụ đường Nguyễn Hữu Cảnh) cho rằng, phương án nâng đường chống ngập là không hiệu quả mà chỉ chuyển ngập từ nơi này qua nơi khác. “Bao nhiêu năm nay, cứ ngập là nâng đường, như cuộc chiến Sơn Tinh – Thuỷ Tinh thì không thể giải quyết được gì. Không chỉ thế, nhà dân ở các con hẻm lại có nguy cơ biến thành hầm như đường Kinh Dương Vương trước đây. Cứ nâng đường kiểu này thì 100 năm nữa vẫn ngập. Tôi không hiểu tại sao nâng đường chống ngập không hiệu quả mà cứ làm hoài”, anh Thiện đặt vấn đề.
Theo anh Thiện, từ khi có “siêu máy bơm” khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh và các khu dân cư bên cạnh thoát cảnh ngập, hiệu quả thấy rõ so với lúc chưa có máy bơm. “Tôi cho rằng để mặt đường như hiện nay, cải thiện hệ thống cống và sử dụng máy bơm chống ngập là biện pháp tốt nhất. Bởi có máy bơm thì nước rút nhanh hơn, còn nâng đường là giải pháp không hiệu quả, tôi không tán thành”, anh Thiện nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thuỵ Khánh Ly (ngụ phường 22, quận Bình Thạnh) cho biết: “Chưa nâng đường mà hẻm đã thấp, mưa đã ngập rồi. Giờ nâng đường cao lên thì không biết ngập đến mức nào. Nâng đường lên chỉ khổ dân thôi chứ được gì đâu”.
Bà Ly cho hay, con hẻm nơi nhà bà ở hiện tại đang thấp hơn mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh khoảng 30cm, mỗi khi trời mưa lớn, nước dồn đọng gây ngập, nước tràn vào nhà. Khi mặt đường được nâng thêm 1,2m, nước đổ dồn về hẻm thì nhà dân dù có cao cỡ nào cũng sẽ ngập. “Giờ nâng đường thì phải nâng hẻm rồi người dân lại tốn tiền nâng nền nhà, mà nhà nào có tiền thì mới nâng được, không có tiền lại phải sống chung với ngập thôi. Tôi nghĩ để máy bơm chống ngập như hiện nay là phương án tối ưu”, bà Ly nói
Còn bà Nguyễn Thị Thu (ngụ phường 22 quận Bình Thạnh) cũng không giấu nổi sự lo lắng khi nghe tin nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh. Hiện tại nhà bà Thu đang có nền thấp, khi trời mưa lớn đã ngập do nước không thoát ra cống lớn được. Khi nâng đường, nâng cống thì nguy cơ nhà bà biến thành hầm sẽ không tránh khỏi.
“Nhà nào có tiền thì nâng nền, mà nhà cao mới nâng được chứ như nhà tôi nếu nâng lên cả mét thì chỉ có bò vào nhà chứ làm sao đi được. Hiện giờ ngập một lúc rồi hết chứ khi nâng đường mà gây ngập nặng thì tôi sẽ kiện”, bà Thu khẳng định.