Làm rõ bất cập trong việc thi hành Luật Công an nhân dân

TPO - Về Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công an nghiên cứu, bổ sung, làm rõ những vướng mắc, bất cập trong việc thi hành Luật Công an nhân dân...

Triển khai kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 24, Thủ tướng Chính phủ vừa phân công các thành viên Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ.

Về Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công an nghiên cứu, bổ sung, làm rõ những vướng mắc, bất cập trong việc thi hành Luật Công an nhân dân; bổ sung báo cáo tổng kết việc thi hành Pháp lệnh Công an xã, báo cáo rõ lộ trình xây dựng Công an xã chính quy, mô hình tổ chức, mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan quân sự địa phương, những tác động đối với đội ngũ công chức cấp xã, kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Công an xã tại Tờ trình và các tài liệu liên quan.

Nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý một số nội dung về phân loại lực lượng Công an nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân; lộ trình xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy bảo đảm đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương; cấp bậc hàm cao nhất của sĩ quan cấp tướng trong Công an nhân dân; thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức chức vụ Cục trưởng Cục quan trọng, đặc biệt; thẩm quyền quyết định thành lập đồn, trạm Công an và các đơn vị độc lập; tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Công an nhân dân; bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động của Công an nhân dân; công nghiệp an ninh…

Bộ trưởng Bộ Công an tiếp thu, chỉnh lý nội dung dự thảo Luật, bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đối với những nội dung có sự điều chỉnh, thay đổi so với ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị trong quá trình xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2014, báo cáo Chính phủ để xin ý kiến Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến Luật Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; tiếp tục rà soát các quy định tại các luật liên quan trên nguyên tắc chỉ bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan đến quy hoạch; những vấn đề về cơ chế, chính sách cần sửa đổi sẽ được nghiên cứu khi sửa đổi toàn diện các luật theo đúng quy trình xây dựng luật, pháp lệnh. Ngoài 25 luật trong Phụ lục 3 của Luật Quy hoạch, đề nghị Bộ tiếp tục rà soát các luật khác cần sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 để bảo đảm Luật Quy hoạch được triển khai đồng bộ, không có vướng mắc khi thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan hoàn chỉnh dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp.

Đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng làm rõ nội hàm “quy hoạch vùng tỉnh” và các nội dung có liên quan trên nguyên tắc lấy Luật Quy hoạch làm cơ sở, tránh sự trùng lắp, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tình hình triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, làm rõ thêm về: (1) Tăng trưởng kinh tế năm 2017 chưa thực sự bền vững, mô hình tăng trưởng chưa rõ nét, động lực tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, khai thác tài nguyên và khu vực FDI; (2) Vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương có phần bị hạn chế; (3) Số nợ xấu vẫn còn lớn, thị trường chứng khoán có khởi sắc song cần tránh sự phát triển thiếu bền vững, thị trường bất động sản đang có biểu hiện nóng lên và có tác động tiêu cực đến nền kinh tế; (4) Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản chưa được tháo gỡ, công tác quản lý tài sản công, kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo; (5) Vấn đề giáo dục, y tế, lao động, việc làm, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác tư pháp, quốc phòng, an ninh, tiếp công dân cần có sự phân tích sâu sắc hơn và dành thêm thời lượng đánh giá tương xứng với phần kinh tế.

Về triển khai kế hoạch năm 2018, đề nghị phân tích rõ thêm một số vấn đề sau đây: (1) Rủi ro do chính sách bảo hộ thương mại, chính sách biên mậu, giá dầu thô; (2) Tình hình sạt lở, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; (3) Xây dựng cơ bản và giải ngân một số công trình, dự án quan trọng quốc gia đạt thấp, chậm trình Quốc hội khoản 15.000 tỷ đầu tư vào các công trình cấp bách như đường sắt và 10 công trình về giao thông, 4.000 tỷ đồng cho Biển Đông, hải đảo; (4) Môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh và cải cách hành chính cần tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển, giải pháp để tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp FDI; (5) Các giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế và quản lý đô thị; (6) Tạo sự phát triển lành mạnh của các thị trường, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản; quản lý tiền ảo; (7) Giải pháp đào tạo nguồn lực, nâng cao năng suất lao động; (8) Các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; (9) Giải quyết các vấn đề “nóng” của xã hội hiện nay như vệ sinh an toàn thực phẩm, văn hóa, đạo đức xã hội, phòng cháy, chữa cháy, tai nạn giao thông, tội phạm công nghệ cao, các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng vấn đề tôn giáo, sự xuất hiện đạo lạ gây bức xúc trong dư luận.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh các báo cáo, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính có tờ trình và thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về: (1) Tỷ lệ điều tiết giữa các cấp ngân sách đối với nguồn thu tiền cấp quyền sử dụng tài nguyên nước; (2) Việc phát hành trái phiếu nhận nợ 22.090 tỷ đồng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ 01/01/2016.
Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách đã ban hành. Bổ sung đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ việc cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện chính sách cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng cao cùng với vấn đề giải quyết an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; báo cáo rõ việc đã xử lý 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương và sớm trình UBTVQH xem xét bố trí bổ sung thêm từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn để xử lý sạt lở của đồng bằng sông Cửu Long; tiến hành sơ kết, đánh giá 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và có phương án xử lý đối với số vốn ODA dự kiến thực hiện vượt mức 300.000 tỷ đồng đã được Quốc hội cho phép để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẩn trương tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh các báo cáo, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính thống nhất số liệu, hoàn chỉnh các báo cáo để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 theo quy định, trong đó lưu ý về khoản 233 tỷ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002, báo cáo để Quốc hội biết và giám sát. Chưa chấp thuận việc đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 số tiền 22.010 tỷ đồng và quyết toán năm 2016 số tiền 3.270,44 tỷ đồng của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Rà soát tổng thể, đề xuất phương án xử lý để xin ý kiến Bộ Chính trị, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Xác định số hoàn thuế giá trị gia tăng theo thực tế phát sinh, bảo đảm quyết toán ngân sách nhà nước phản ánh đúng số thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu.

Phân công chuẩn bị tài liệu bổ sung trình Quốc hội

Thủ tướng Chính phủ vừa phân công các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ chuẩn bị bổ sung tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị tài liệu bổ sung trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (2 nội dung: phân chia khoản thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017; việc xử lý nghĩa vụ của ngân sách nhà nước đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội về khoản đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời hạn làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là ở một số địa phương dự kiến thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Về Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ hợp trước, cho đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội mới nhận được báo cáo của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Xây dựng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa gửi báo cáo, khẩn trương chuẩn bị Báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước, gửi đến đại biểu Quốc hội.

MỚI - NÓNG