Sáng 6/10, HĐND TPHCM khóa IX đã tổ chức kỳ họp thứ 16 (kỳ họp bất thường) để xem xét nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có chính sách cho người dân khu 4,3 ha thuộc khu phố 1 phường Bình An (quận 2).
Theo thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ vào tháng 9/2018 thì khu đất trên nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm và việc thu hồi nhà đất của người dân để thực hiện dự án khu ĐTM Thủ Thiêm là sai.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết thông báo Kết luận số 1483 và thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao UBND TPHCM xây dựng chính sách cho các hộ dân tại khu đất khoảng 4,3 ha thuộc khu phố 1 phường Bình An (quận 2).
“Ngày 27/9, UBND TPHCM đã đề nghị và được sự thống nhất của thường trực HĐND TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, chỉ đạo của thành ủy, HĐND TPHCM đã triệu tập kỳ họp thứ 16 (bất thường) để xem xét, cho ý kiến tờ trình và một số nội dung khác”, bà Lệ cho biết.
Tại kỳ họp, Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM diễn ra trong thời điểm cả nước đang thực hiện 50 năm ngày thực hiện di chúc thiêng liêng của Bác. TPHCM cũng đang bước vào đợt cao điểm thi đua 90 ngày để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế năm 2019.
“Kỳ họp thứ 16 xem xét một số vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển của TPHCM, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đặc biệt là tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây cũng là việc làm vô cùng cần thiết theo lời dạy của Bác Hồ. Cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, ông Nhân nhấn mạnh.
Thay mặt UBND TPHCM, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan trình bày các tờ trình, trong đó có Tờ trình số 3974 ngày 27/9/2019 của UBND TPHCM về chủ trrương xây dựng chính sách bồi thường hỗ trợ bổ sung cho người dân khu 4,3 ha thuộc khu phố 1 phường Bình An theo thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ.
Trước đó, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng, Tổ trưởng tổ công tác liên ngành cho biết Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thông qua phương án hoán đổi đất, căn hộ cho 331 hộ dân trong khu 4,3 ha.
Sau khi chính sách bồi thường hỗ trợ được UBND TPHCM ban hành thì UBND quận 2 sẽ tiếp tục mời từng hộ dân trong khu 4,3 ha đến tiếp xúc lần thứ ba để trình bày chính sách và tổ chức hiệp thương. Hộ dân nào đồng thuận phương án hoán đổi nền đất, căn hộ và ký hiệp thương thì UBND quận sẽ thực hiện ngay.
Ông Nguyễn Phước Hưng cho biết trong khu 4,3 ha có 2 trường hợp có diện tích nhà đất gần 2.000 m2, số còn lại diện tích từ 200 - 400 m2. Một số trường hợp diện tích nhà đất bị thu hồi chỉ khoảng 20 - 30 m2 hoặc nhà đất có nguồn gốc đất công, đất lấn chiếm…
Tổ công tác đã tiếp xúc, lấy ý kiến người dân nhiều lần. Hầu hết các hộ đồng thuận với phương án đổi đất. Một số ít trường hợp đồng thuận về chính sách nhưng còn băn khoăn về tỷ lệ quy đổi.
Chủ tịch UBND quận 2 cho biết một số hộ dân nhà đất trước kia ở bên trong và diện tích quá nhỏ, không thể hoán đổi nền đất, căn hộ chung cư và buộc phải nhận tiền.
Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Tổ công tác đã thuê đơn vị tư vấn độc lập để xây dựng đơn giá bồi thường. Tổ công tác và đơn vị tư vấn thống nhất nghiên cứu phương án tính giá bồi thường theo quy chiếu hệ số.
Cụ thể: Đơn vị tư vấn vẫn tính giá thị trường không kiểm soát làm cơ sở quy chiếu hệ số tỷ lệ diện tích đất được hoán đổi. Sau đó, tổ công tác tính đền bù theo quy chiếu hệ số, tức là vẫn tính giá thị trường không kiểm soát để làm cơ sở quy chiếu hệ số tỷ lệ diện tích đất được hoán đổi.
Tiếp theo là lấy giá đất nhà nước ban hành gần nhất liên quan đến những vị trí được đổi đất để tính hệ số quy đổi. Kết quả thẩm định gần như tương đồng với con số đơn vị tư vấn đã tính. Cuối cùng, đơn vị tư vấn thẩm định và thống nhất với hệ số quy đổi mà tổ công tác đưa ra.
Sau khi tính toán, kết quả hoán đổi của tổ công tác và đơn vị tư vấn tương đồng với nhau. 1 m2 (mét vuông) ở vị trí mặt tiền đường Trần Não (trong khu 4,3 ha) quy đổi được lần lượt 1,3 m2 đất mặt tiền đường Lương Định Của; 1,7 m2 đất mặt tiền đường số 4 (rộng 22 m) và đường A (rộng 24 m) 2,2 m2 đất mặt tiền đường nội bộ (rộng 8 m). Cả 4 tuyến đường nói trên nằm trong khu đất 1,8 ha ở phường Bình Khánh mà UBND TPHCM đề nghị bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa trước kia trong khu 4,3 ha.
Theo phương án của tổ công tác, TPHCM dành một số quỹ đất để quy đổi cho người dân là khu 1,8 ha (phường Bình Khánh), khu 30 ha ở Nam Rạch Chiếc, khu 50 ha (phường Cát Lái), khu 174 ha và 143 ha (phường Thạnh Mỹ Lợi) cùng các khu chung cư tái định cư. Đất thu hồi trong khu 4,3 ha đều được quy đổi sang đất và căn hộ chung cư.
Phương án bồi thường sẽ ưu tiên cho 15 hộ dân bị cưỡng chế và hiện nay chưa nhận tiền bồi thường được lựa chọn vị trí nền đất hoán đổi. Sau đó mới đến các hộ dân có nhà đất sở hữu tư nhân, sở hữu nhà nước, mua nhà đất thuộc diện lấn chiếm, đất công…
Các hộ đã nhận bồi thường bằng đất sẽ ưu tiên chính vị trí đất đã nhận. Phần diện tích chênh lệch sẽ quy đổi sang vị trí đất khác. Riêng các trường hợp đã nhận tiền bồi thường thì phải nộp lại tiền mới được hưởng chính sách bồi thường hỗ trợ mới.
Nguyên tắc quy đổi là nếu người dân nhận vị trí đất hoán đổi càng xa trung tâm quận 2 thì diện tích đất nhận được càng lớn. Đơn vị tư vấn và tổ công tác đã tính toán nếu chuyển nhượng diện tích đất được hoán đổi thì người dân sẽ thu được số tiền tương đương giá trị chuyển nhượng nhà đất bị thu hồi trong khu 4,3 ha trước kia tại thời điểm này.