Đại biểu vắng quá nhiều
Sáng 16/7, báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến Quốc hội làm việc 22- 25 ngày, họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/10 và bế mạc vào ngày 20/11.
Một trong những vấn đề cần quan tâm tại kỳ họp tới, Tổng Thư ký đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan sớm khẳng định việc trình Quốc hội xem xét về phê chuẩn các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); sửa đổi, bổ sung các luật để thực hiện Hiệp định EVFTA và EVIPA.
Tổng Thư ký cũng đề nghị nghiên cứu giảm hoặc bỏ thảo luận ở tổ do hiệu quả chưa cao. Trước mắt, đối với nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đề nghị không bố trí thảo luận ở tổ và tăng thời gian thảo luận ở hội trường (từ 2,5 lên 3 ngày), đồng thời, giảm thời gian phát biểu của đại biểu từ 7 phút xuống còn 5 phút.
Tuy nhiên, cho ý kiến việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, không nên bỏ thảo luận tổ, nhưng không nên ghép nhiều nội dung vào một buổi họp tổ. Đặc biệt cần khắc phục, hạn chế tối đa việc vắng mặt, nghỉ sớm tại các phiên thảo luận tổ. Có phiên họp đại biểu vắng quá nhiều, có đoàn vắng 13 người, thậm chí có phiên biểu quyết vắng 70 - 80 người, cần phải chấn chỉnh.
Tại kỳ họp này cũng cần giảm tối đa tài liệu bằng văn bản giấy, đồng thời, nâng cấp để tăng tiện ích của phần mềm cung cấp, thông tin tài liệu kỳ họp trên thiết bị di động, bảo đảm tiến độ chuẩn bị và gửi tài liệu để thuận tiện cho việc nghiên cứu, sử dụng tài liệu điện tử; cải tiến việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử theo hướng trên màn hình điện tử thể hiện đồng thời cả “phương án 1” và “phương án 2” để đại biểu bấm nút chọn một trong hai phương án (thay vì bấm nút chọn “đồng ý” hoặc “không đồng ý” đối với từng phương án).
Chất vấn còn mang tính bình luận, giải thích
Báo cáo về việc chỉ đạo chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV liên quan đến chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các buổi thảo luận về kinh tế - xã hội, các phiên trả lời chất vấn; chủ động trao đổi, phát biểu về những vấn đề Quốc hội và cử tri quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành.
Sau 2,5 ngày chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của 4 Bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hoá, Thể thao và Du lịch trực tiếp giải trình chất vấn, với sự tham gia trả lời, làm rõ hơn các nội dung liên quan của các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng.
Theo tổng kết của Chính phủ, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 7 đã có 230 lượt đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn và tranh luận. Thời gian tuy giảm so với các kỳ họp trước nhưng số lượng đại biểu Quốc hội và câu hỏi chất vấn tăng lên. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cử tri.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục khẳng định được hiệu quả, hiệu lực và thực chất hơn. Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, phù hợp với nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
“Đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều chất vấn gọn, rõ, bám sát nhóm vấn đề, thể hiện sự đồng hành, chia sẻ những khó khăn trong quản lý, điều hành của Chính phủ. Nhiều đại biểu đã tranh luận làm rõ thêm những vấn đề quan tâm. Thành viên Chính phủ đã trả lời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm, đồng thời đưa ra nhiều cam kết khắc phục những mặt hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực phụ trách. Chủ tọa phiên chất vấn kiên quyết, khéo léo, hài hòa, hướng câu hỏi và trả lời đúng trọng tâm, được cử tri đánh giá cao”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu.
Tuy nhiên bên cạnh đó, Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá, chất lượng chuẩn bị một số nội dung còn hạn chế. Cũng như các phiên họp trước, hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu Quốc hội. Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn một số ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng lắp. Có đại biểu nêu chất vấn còn dài, chưa rõ ý, chất vấn quá thời gian quy định. Một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng trọng tâm.
Thời gian tới đây, cần tăng cường công tác giám sát, trong đó tập trung các vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm như: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách tư pháp, gian lận thi cử, giá xăng, giá điện, mê tín dị đoan, bạo lực học đường, bạo lực gia đình…góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân.