Ngày 3/5, thông tin từ Bệnh viện Hòa Mỹ ITO Đồng Nai cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận một trường hợp cấp cứu cho cặp vợ chồng bệnh nhân bị ong đốt đến hơn 300 nốt.
Cụ thế vào 17h ngày 2/5, vợ chồng ông Đ.V.T (sinh năm 1955) và bà P.T.C (sinh năm 1959), ngụ Biên Hòa nhập viện trong tình trạng sưng tấy toàn thân, suy nhược, khó thở do bị ong đốt. Ông T. bị đốt hơn 300 nốt, người vợ bị đốt nhẹ hơn (chỉ khoảng 30 nốt).
Theo lời kể của ông T, ông và vợ được một gia đình tại Biên Hòa thuê cắt tỉa cây xanh quanh nhà. Mặc dù đã được chủ nhà cảnh báo có tổ ong trên cây xoài trước nhà, ông T. vẫn chủ quan nghĩ rằng ong mật sẽ không đốt người nếu không đụng vào tổ. Tuy nhiên trong lúc cắt tỉa, tổ ong bị động và bay ra đốt cả hai vợ chồng.
Sau khi bị đốt, ông T. và vợ được người nhà đưa đến Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cấp cứu. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các BS đã tiến hành điều trị bằng thuốc và hiện tại bệnh nhân đã hồi tỉnh. Hiện hai vợ chồng bệnh nhân vẫn đang tiếp tục được điều trị tại khoa Nội của bệnh viện.
Theo BS Hoàng Văn Tiến- khoa Nội Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, đã có rất nhiều trường hợp bị ong đốt nhưng không xử lí kịp thời và đúng cách khiến tính mạng bị đe dọa. “Người bệnh không nên chủ quan khi bị ong đốt, đặc biệt cần tránh xa các tổ ong, nhất là trẻ em và người lớn, người có sức đề kháng yếu. Đối với những người bị mẫn cảm với phấn hoa, trong trường hợp cần phải tiếp cận tổ ong thì nên có phương pháp phòng vệ an toàn”, BS Tiến nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp bị ong đốt, nạn nhân cần nhận diện loại ong đã đốt mình là gì để cung cấp thông tin cho bác sĩ, qua đó có hướng điều trị hợp lí. “Đặc biệt trong tự nhiên, có một số loại ong có nọc rất độc và có khả năng gây chết người như ong vò vẽ, ong đất. Vì vậy người dân không được coi thường khi bị ong đốt vì rất khó biết chính xác loại ong nào đốt mình tại thời điểm đó”, BS Tiến thông tin.