Thuỷ điện chống lệnh, hại dân
Một tháng trước, Thuỷ điện Plei Kần tích nước khi chưa được cho phép đã làm ngập đường vào khu sản xuất hơn 300 ha hoa màu của người dân xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Ngày 23/10, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Sở Công Thương Kon Tum có văn bản yêu cầu chủ đầu tư của Thuỷ điện Plei Kần dừng ngay việc làm trái phép trên.
Ngoài ra, Sở Công Thương Kon Tum còn ra văn bản nói rõ: "Nếu Cty CP Tấn Phát tiếp tục tích nước trái quy định, không bồi thường, hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng; Sở Công Thương sẽ đề nghị Tổng Cty Điện lực miền Trung không huy động công suất nhà máy; đồng thời báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép hoạt động điện lực theo quy định".
Bất chấp những yêu cầu trên, Thuỷ điện Plei Kần tiếp tục tích nước trái phép. Cụ thể, ngày 28/10 (thời điểm bão số 9 đổ bộ vào Kon Tum), đoàn liên ngành kiểm tra phát hiện thuỷ điện Plei Kần vẫn tích nước trái phép, mực nước hồ chứa đang ở cao trình hơn 609m. Đoàn liên ngành cũng nhận thấy đường vào khu sản xuất của các hộ dân khu vực lòng hồ đã bị nước ngập.
Trước tình trạng này, một ngày sau khi đoàn liên ngành kiểm tra, Sở Công Thương Kon Tum lại phải ban hành công văn yêu cầu Cty CP Tấn Phát nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Bất chấp công văn của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Thuỷ điện Plei Kần vẫn tích nước trái phép
Ai "chống lưng"?
Ngoài tích nước trái phép, còn nhiều vấn đề khác cần làm rõ ở Thuỷ điện Plei Kần, trong đó có vụ tai nạn khiến 3 người tử vong, 3 người bị thương (có người mới 16 tuổi bị thương). Vụ tai nạn này đã xảy ra hơn 4 tháng nhưng đến nay cơ quan công an chưa làm rõ trách nhiệm các bên, chưa khởi tố vụ án.
Vậy ai “chống lưng” cho Cty CP Tấn Phát mà đơn vị này liên tiếp sai phạm, bất chấp việc cơ quan chức năng nhiều lần ký văn bản nhắc nhở? Câu hỏi này được ông Nguyễn Văn Quân-Tổng GĐ Cty CP Tấn Phát trả lời: “Có ai chống lưng đâu. Vụ tai nạn thực chất không phải lao động của công ty mà của nhà thầu, nhưng mà thôi bây giờ cũng không nói nữa. Anh đứng ra gánh trách nhiệm. Với lại việc này đang chờ kết luận của cơ quan điều tra".
Sở Công Thương Kon Tum cho biết, trên địa bàn này hiện có 81 thủy điện vừa và nhỏ; tổng diện tích đất bị ảnh hưởng (từ hơn 81 công trình thủy điện) hơn 4,1 nghìn ha, đất rừng hơn 1,5 nghìn ha (rừng sản xuất hơn 951 ha, rừng phòng hộ hơn 43 ha, rừng đặc dụng hơn 163 ha), đất sông suối hơn 1 nghìn ha (đất trồng lúa hơn 72 ha, đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm hơn 1,1 nghìn ha…