Liên quan đến việc Thuỷ điện Plei Kần (trên địa phận tỉnh Kon Tum, do Cty CP Tấn Phát trụ sở ở tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư) tích nước trái phép làm ngập đường vào khu sản xuất hơn 300 ha hoa màu của người dân xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum mà báo Tiền Phong mới phản ánh; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có văn bản yêu cầu Cty CP Tấn Phát dừng ngay việc tích nước, mở cửa van cống dẫn dòng, đưa mực nước hồ chứa về mực nước của lòng sông tự nhiên để giảm thiểu thiệt hại đối với công trình giao thông, tài sản và hoa màu của nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, Cty CP Tấn Phát cần lập phương án hỗ trợ việc đi lại và vận chuyển nông sản cho nhân dân, đảm bảo an toàn qua khu vực bị ảnh hưởng bởi Thủy điện Plei Kần; kiểm kê, rà soát toàn bộ khối lượng hoa màu thiệt để có cơ sở thực hiện bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Sáng 26/10, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lâm Thế Hiển – Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Nga cho biết, Thuỷ điện Plei Kần đã xả hết nước tích trái phép, hiện cơ quan chức năng đang thống kê diện tích hoa màu của người dân bị thiệt hại. Ông Hiển nói rằng, có “khá nhiều” diện tích hoa màu của người dân ở xã Đắk Rơ Nga bị thiệt hại do việc Thuỷ điện Plei Kần tích nước trái phép.
Ngoài tích nước trái phép, còn nhiều vấn đề khác cần làm rõ ở Thuỷ điện Plei Kần, trong đó có vụ tai nạn khiến 3 người tử vong, 3 người bị thương (có người mới 16 tuổi bị thương). Bởi vụ tai nạn này đã xảy ra hơn 4 tháng nhưng phía công an gần như vẫn im lặng. Vụ việc này cũng đặt ra nhiều câu hỏi đối với chủ đầu tư và cơ quan chức năng: Trẻ vị thành niên vì sao lọt vào công trình; các công nhân có chứng chỉ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (bắt buộc khi tham gia thi công) hay không; quy trình xây dựng thủy điện, ai giám sát; chất lượng thi công thế nào?