Theo báo cáo của ngành chức năng Lạng Sơn, trong năm 2017 có khoảng 21.542 lượt người xuất cảnh trái phép qua biên giới. Phía Trung Quốc đã bắt giữ, trao trả về Việt Nam 141 trường hợp.
Mất cả chì lẫn chài
Những ngày cuối cùng của tháng 12, ở khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) thời tiết buốt giá. Cái rét từ dãy núi Con Voi chạy dọc biên giới Việt - Trung như phả ra, lạnh thêm cộng với mưa gió từ phương Bắc ùa về.
Tại Km số O, ở phía bên kia đường biên có tốp người nam nữ, già trẻ đứng co ro. Thoảng đếm có 18 người đứng xếp hàng trật tự với sự hướng dẫn, theo dõi của ngành hữu quan Trung Quốc. Ánh mắt họ đều hướng về phía Việt Nam.
Hôm nay, Đội công tác thuộc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (XNC-PA 72), Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị tổ chức tiếp nhận số công dân Việt Nam do công an Trung Quốc trao trả.
Ngay khi đặt chân đến đất mẹ nhiều người ứa nước mắt, vui tủi như khụyu chân xuống. Lực lượng biên phòng cửa khẩu và công an Lạng Sơn tiếp nước, động viên những người con tha hương vì miếng cơm manh áo.
18 người này có hộ khẩu thường trú tại các huyện trong tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn tự ý vượt biên trái phép sang nước bạn làm thuê với những công việc bốc vác hàng hóa, chặt mía, làm vườn. Họ bị lực lượng chức năng nước sở tại tịch thu toàn bộ tài sản, giam giữ từ 15 ngày đến 3 tháng, sau đó đẩy đuổi về nước.
Chị Lý, người dân tộc thiểu số ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn kể lại: Quê tôi thuộc vùng núi đá, đất khô cằn, ruộng nương ít ngày nông nhàn được mọi người rủ đi Trung Quốc chặt mía thuê với tiền công cao, ngày lĩnh khoảng 200 đến 300 ngàn đồng. Nghe vậy, tôi cùng một số bà con xóm giềng khăn gói quả mướp, lặn lội băng qua đường mòn biên giới Cốc Nam (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) đi đến một điểm tập kết ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ở đó, có người hướng dẫn về công việc, những luật lệ của nước sở tại và cả những mánh khóe đối phó các cơ quan chức năng. Sau cùng họ thu mỗi người 300 ngàn đồng “tiền hồ”, tương tự như kiểu phí môi giới.
Chị Lý cùng trên năm chục người Việt Nam được đưa lên một chiếc xe ô tô “túc túc”, loại nhỏ mang biển số Trung Quốc cửa đóng kín mít. Chiếc xe đi khá nhanh và sau ba tiếng thì đến một vùng hẻo lánh thuộc Sùng Tả (Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc).
Trước mắt chị Lý là những ruộng mía chạy dài tít tắp. Có tiếng lanh lảnh từ phía nhà trình tường vang lên. Mới biết, đó là bà chủ người Choang.
Công việc của chị Lý và những người Việt Nam sang làm thuê bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 18 giờ hàng ngày với công việc chặt mía, róc vỏ và bó tròn thành chục, thành trăm rồi khuân vác lên các xe ô tô tải Trung Quốc đến “ăn hàng”. Buổi trưa được nghỉ ăn cơm với ít thịt, rau, đậu, có hôm phải ăn cháo loãng kiểu Trung Quốc với củ cay, tàu xoong, đậu dị.
Hết tháng, chủ Trung Quốc thông báo số lương được hưởng của mỗi người được từ 50 đến 70 Nhân dân tệ/ngày (gọi tắt là NDT, tương đương 160 ngàn - 180 ngàn VNĐ), tùy theo chất lượng và sức khỏe của từng người. Tuy nhiên, chủ không trả tiền ngay mà “giữ hộ” để đến 6 tháng hoặc một năm sẽ thanh toán trọn gói vì các “cửu vạn” đã được chủ nuôi, không phải tiêu pha gì. “Có tiền nhỡ mất hoặc sinh chuyện cờ bạc, trai gái thì chết. Thêm nữa, khi công an đến kiểm tra hành chính sẽ tịch thu tiền ngay”. Chị Lý dẫn lại lời lý giải của chủ và cho biết mọi người không biết phải làm gì hơn và chờ đợi.
Cuối năm mọi người bàn tính và xin phép bà chủ mía cho về quê ăn tết, hẹn qua xuân lại sang làm tiếp. Bà chủ đon đả nói, ngày mai gia đình sẽ tổ chức buổi liên hoan chia tay, hẹn ngày tái ngộ. Bà chủ cho công bố 7 tháng lao động và tiền công, tiền thưởng rất hậu hĩnh. Trước hết, ứng cho mỗi người 100 NDT để mua quà cho con.
Đúng ngày hôm sau, trong lúc bà chủ bận rộn công việc bếp núc thì bỗng nhiên có xe ô tô cảnh sát ập đến. Họ lăm lăm súng ống và dùi cui điện, bắt mọi người thu xếp hành lý và xếp hàng ngay ngắn rồi đọc lệnh bắt người. Thông qua phiên dịch viên, bà Lý và những người làm thuê hiểu rằng họ đã vi phạm luật pháp nước sở tại là xuất cảnh và tạm trú trái phép.
Tất cả mọi người được đưa lên ô tô. Bà Lý là người lên xe sau cùng, bà ngoái lại tìm kiếm bà chủ mía thì thấy bà này tươi cười và bắt tay rất chặt với những người cảnh sát, kèm theo tiếng nói vẫn lanh lảnh như ngày nào: “hảo lớ” (tốt lắm).
Bà Lý bị giam giữ tại đồn công an để thẩm vấn. Tại đây, mọi người bị tịch thu toàn bộ tài sản. Sau gần 2 tháng, họ được đưa đến cửa khẩu Hữu Nghị đẩy đuổi về nước.
Kết cục bi thảm tiền mất, tật mang khi “đi chui” kiếm sống của những người lao động phổ thông ở Lạng Sơn không phải hiếm. Có những người vừa qua khỏi biên giới đã bị bắt giữ như trường hợp anh Hoàng Văn T, trú tại xã Tân Văn, huyện Bình Gia, Lạng Sơn là một ví dụ. Anh T cho biết: “Học xong phổ thông, không đủ điểm vào đại học tôi buồn chán và theo bạn bè vượt biên sang Bằng Tường làm thuê. Vừa qua biên giới đến đất Trung Quốc được một người phụ nữ đón, di chuyển bằng xe ô tô đến khu vực Nàm Chàm, Bằng Tường thì bị công an Trung Quốc tuýt còi, kiểm tra. Sau đó tôi cùng hai anh nữa bị bắt giam. Tiền, đồng hồ, quần áo, điện thoại bị tịch thu và đương nhiên tiền nộp phí cho người đưa sang Trung Quốc cũng mất tiêu luôn”.
Tìm đường chính ngạch
Gần đây, phía Trung Quốc siết chặt quản lý người nhập cư. Họ cho dán giấy tuyên truyền người dân bản địa phát hiện, tố cáo người xuất cảnh, tạm trú trái phép sẽ được treo thưởng 100 NDT/lượt/người. Nhiều “Lão pản”, chủ mía, chủ thuê lao động sắp đến kỳ thanh toán tiền lương bèn mật báo ngành chức năng để hưởng “lợi kép” vừa lĩnh thưởng lại quỵt được nợ người lao động.
Trước tình hình này, việc xuất cảnh “chui” giảm đi rõ rệt. Người dân đổ về Phòng Xuất nhập cảnh (XNC) Công an tỉnh Lạng Sơn để làm giấy thông hành rất đông ngày cao điểm lên đến trên 500 lượt người.
Đại tá Lê Văn Trung, Trưởng phòng XNC, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Vào thời điểm nông nhàn, nhất là đến vụ mía ở Trung Quốc, lượng khách đến làm thủ tục XNC tăng cao.
Đơn vị cố gắng đơn giản thủ tục hành chính, bố trí làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ nhằm tạo điều kiện người dân có nhu cầu xuất cảnh qua cửa khẩu với mục đích thương mại, du lịch, thăm thân và công việc cá nhân khác. Ngày trước, thời hạn làm giấy thông hành với thời hạn 3 ngày thì nay rút ngắn chỉ xuống một ngày.
Theo số liệu báo cáo của phòng XNC, Công an tỉnh Lạng Sơn trong năm 2017, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ, đề nghị và cấp 6.280 hộ chiếu, cấp 124.210 giấy thông hành cho công dân.
Nỗ lực đưa lao động hợp pháp
Cùng một nỗi niềm trăn trở về hiện trạng người lao động Việt Nam tự ý sang Trung Quốc gặp nhiều hệ lụy đáng tiếc như: bị bóc lột sức lao động, mất của cải, đánh đập, bị truy quét đẩy về nước, bị lừa bán nên chính quyền tỉnh Lạng Sơn, các ngành hữu quan địa phương tìm mọi cách để giải bài toán này.
Ông Trương Minh Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (gọi tắt là Trung tâm) tỉnh Lạng Sơn cho biết: kể từ tháng 5/2017, sau khi ký kết cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới giữa Sở LĐ - TB&XH Lạng Sơn và Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội, thành phố Sùng Tả, Trung Quốc, đơn vị đã phối hợp tuyên truyền nội dung xuất khẩu lao động sang Trung Quốc lồng ghép trong 21 phiên giao dịch việc làm lưu động và định kỳ. Thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức 3 đợt, đưa hàng trăm lao động đi làm ăn hợp pháp ở Trung Quốc.
Trao đổi với Tiền Phong, anh Vũ Tùng Lâm, ở thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn cho biết, trước kia anh có thời gian làm việc ở Quảng Đông, Trung Quốc, nhưng cả ngày không được phép ra ngoài. Bây giờ, anh tìm được việc làm tại Sùng Tả qua Trung tâm, tham gia công việc sản xuất gỗ phù hợp với khả năng, ngoài ra được đảm bảo chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, bảo hiểm và tiền lương.
(Còn nữa)
Từ đầu tháng 12 đến nay, phía Trung Quốc đã trao trả cho Lạng Sơn 6 lần với 177 người Việt Nam nhập cảnh, cư trú trái phép. Những người này rủ nhau đi theo nhóm từ 5 đến 15 người, vượt biên theo các đường mòn, đường tắt biên giới để sang Trung Quốc làm thuê. Do vi phạm pháp luật XNC, họ bị cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ, bị xử phạt, tịch thu toàn bộ tiền bạc, tài sản mang theo người.