Cái quảng bá này có vẻ dễ ợt bởi Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) mà tôi phụ trách có quan hệ chặt chẽ với Mạng lưới Báo chí Trái đất (EJN) của nhà báo Mỹ James Fahn vốn không xa lạ gì với các dự án biến đổi khí hậu toàn cầu...
Chảo lửa tràn đến Trường Sơn
Căn cứ kịch bản biến đổi khí hậu do quốc tế giúp xây dựng, không khó để có số liệu chẳng hạn, đến 2050, nhiệt độ tại Bắc Trung Bộ tăng 1,3 – 1,80C và, đến năm 2100, tăng 2,6 – 3,20C. Từ thông số đó, chúng tôi nhờ chuyên gia đi đến nhận định hộ đại thể biến đổi khí hậu sẽ gia tăng mạnh ở Bắc Trung Bộ, thiên tai khắc nghiệt hơn và sẽ là nguyên nhân chính gây thay đổi hệ thống sinh thái. Bước tiếp theo, chúng tôi đi tìm câu chuyện để minh họa cho dãy “Gia Cát Dự” nêu trên mà một trong số ấy là về Trường Sơn, từ khóa nổi tiếng của cả nước và của gần như mọi thế hệ mà bây giờ ta hay gọi là đạt chuẩn SEO nếu đăng trên ấn phẩm điện tử.
Tôi giao cho một số phóng viên, cộng tác viên và đích thân tôi đi vợt chuyện từ các hội thảo khoa học và nói với họ hãy lấy đấy để kể cho độc giả trước khi mình tự sản xuất chuyện của riêng mình. Vấn đề là phải minh bạch. Cũng may tôi có một đội ngũ cộng tác tuyệt vời về phẩm chất.
Rừng Miền Trung mà ta quen gọi là dãy Trường Sơn trải trên vĩ độ dài hơn nghìn cây số. Bên cạnh chùm tin, bài mở đầu đề cập cảnh báo thảm họa có thể ập xuống Trường Sơn trước khi nước biển dâng làm ngập phần lớn diện tích hai đồng bằng Sông Hồng và Cửu Long trong 50-80 năm nữa. Đầu tiên, chúng tôi dẫn cảnh báo đỏ của Trung Quốc về suy giảm đa dạng sinh học khi nhiệt độ lưu vực sông Dương Tử tăng dù chỉ 0,710C những năm 2001-2005.
Để phân tích diễn biến nhiệt độ khu vực Bắc Trung bộ, các nhà khoa học đã lựa chọn 16 trạm có số liệu quan trắc trên 30 năm và coi giá trị trung bình 30 năm (1979-2008) là giá trị trung bình chuẩn để so sánh. So với thập niên 1979-1988, nhiệt độ không khí trung bình thập niên 1999-2008 cao hơn, rõ rệt nhất là vào giai đoạn chuyển tiếp trong năm, tháng 4 và tháng 10; rồi nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn mùa hè rõ rệt.
Tại một hội thảo bảo tồn xuyên biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia do Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức sau Tết Nguyên Đán năm 2010, một số kết quả phân tích bước đầu cho thấy tình hình của ta tệ không kém lưu vực Dương Tử của Trung Quốc. Tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mức tăng nhiệt độ phổ biến cao hơn 0.5-0.80C, có trạm cao hơn 1,00C. Nghĩa là đã có thể tệ hơn người ta mà ta chẳng có cảnh báo nào ở cấp quốc gia. Nhà khoa học nói để nhà khoa học nghe.
Xa dần món trứng ngạt
Nhóm nhà khoa học của VACNE hôm ấy công bố một khảo cứu trước đó hai năm ở một xã của tỉnh Thanh Hóa tên là Cẩm Tâm thuộc huyện Cẩm Thuỷ. Mở bản đồ vệ tinh thì thấy ngay xã Cẩm Tâm tiếp giáp giữa vùng đồng bằng và miền núi. Địa hình khá phức tạp, dạng lòng chảo, chủ yếu là đồi rừng và vùng đất thấp ven khe suối. Dân bản địa kể chuyện cổ tích cho các nhà khoa học. Bốn mươi năm trước là đã thành cổ tích bởi nó khác nay nhiều quá.
Đại loại những năm 60 của thế kỷ trước, rừng ở Cẩm Tâm chủ yếu là cây lá rộng điển hình của rừng nhiệt đới, có hệ thực vật phong phú đa dạng về họ và loài.
Ngoài chúng ra, Cẩm Tâm có cái riêng mà chỉ vài vùng khác mới có như cua đá, ốc đá và, nhất là trứng kiến. Bà con thường gọi nó là món trứng ngạt, khai thác từ kiến đen hay kiến ngạt. Trứng kiến thực ra không hiếm nhưng chủ yếu khai thác từ kiến vàng vốn có mùi hắc và khá được chuộng ở miền Nam. Trứng kiến đen hay kiến ngạt nghe bảo có mùi thơm, bùi, ngọt. Kiến trứng đen thường quần tụ trên các chạc cây gỗ, tre trên rừng làm làm thành các ổ to như cái rổ. Các khu rừng thường xanh nhiệt đới là thiên đường của kiến ngạt và chúng, vì thế, là một trong những chỉ số đánh giá mức độ bền vững và tự nhiên của rừng. Trứng kiến ngạt ở Cẩm Tâm chuyên được khai thác vào mùa xuân. Thu hoạch xong, bà con chiên mỡ ăn cùng xôi nếp nương.
Bốn mươi năm sau, các nhà khoa học từ tháp ngà được mời về Cẩm Tâm, buồn thay họ được thưởng thức món ấy không phải ở hiện thực mà trong tâm trí.
Những cảnh báo
Đoàn khảo sát đến xã Kỳ Nam thuộc tỉnh Hà Tĩnh dưới chân Đèo Ngang “bóng xế tà”. Nơi ấy có địa hình đặc biệt, nằm trong thung lũng hẹp có độ dốc lớn kéo từ sườn núi dãy Hoành Sơn ra biển, ngay phía bắc chân Đèo Ngang. Ba mạn bắc, tây, và nam đều bị án ngữ bởi núi; phía đông giáp biển. Chế độ tiểu khí hậu khiến Kỳ Nam luôn hứng thiên tai khắc nghiệt, từ hạn hán, mưa lớn, bão lũ đến xâm nhập mặn.
Gió tây khô nóng từ tháng 4 đến tháng 8 thổi với tốc độ cấp 6-7, nhiệt độ lên đến 37-39 0C. Vậy mà, mấy thập kỷ gần đây, kỷ lục ngàn năm ấy bị phá vỡ khi nhiệt độ mấy đợt nắng nóng lên đến 40-410C, có năm tới 42-430C. Số lượng cơn mưa ít đi nhưng cường độ lượng mưa lại tăng theo từng cơn; có lần lượng mưa một ngày đạt 500 mm. Đã thế, nước biển tiến sát vào hàng phi lao trước đây trồng cách mép biển 20-30m.
Với mô hình Bắc Trung bộ, chúng tôi truyền thông tương tự cho Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Lại xuất phát từ thống kê mà các nhà khoa học đã lựa chọn 10 trạm có số liệu quan trắc từ 30-33 năm, trong phạm vi kinh độ này và vĩ độ kia, để từ đó rút ra các số liệu cực trị, từ đó chúng tôi chuẩn bị cho loạt câu chuyện do chính nhà khoa học cung cấp như Đà Lạt đang gia tăng mức nóng với biên độ nhiệt dãn cách đột biến chưa từng thấy: chênh nhau giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất bình quân từ 8-100C những năm trước đây, nay tăng lên 12-150C.
Vẫn theo công thức dãy Trường Sơn, xuất phát từ dữ liệu tổng thể ở Bắc bộ, chúng tôi đi tìm câu chuyện của các nhà khoa học, nói thật là hoàn toàn phát hiện của nhà khoa học, về hiện tượng các cây đặc hữu di cư lên cao ở các vùng miền núi phía Bắc. Tiêu biểu trong số đó có thông Vân Sam Hoàng Liên, một loài thông chỉ tìm thấy duy nhất tại Hoàng Liên Sơn và được ghi trong sách đỏ thế giới. Trước đây thường sinh trưởng ở độ cao 2.200m - 2.400m, nay chúng chỉ có thể gặp ở độ cao hơn, 2.400m-2.700m.
Nhắc lại chuyện cũ mươi năm trước để biết đâu chính Tiền Phong, chứ không phải báo nào khác, lại tiên phong về đề tài khó viết và khó hay này. Joe Biden làm tổng thống Mỹ thề sẽ quay lại cuộc chiến khí hậu với khoản tiền đổ vào chắc lại nhiều nhất toàn cầu. Khi ấy, biết đâu… Cuộc đời nhiều khi sống trong hy vọng “biết đâu” còn dễ thở hơn là tắt khao khát.
2010 là năm thứ hai thế giới thực hiện Giờ Trái Đất, chuyên trang khí hậu của Tiền Phong đã có bài bàn về tắt đèn thắp nến: tắt đèn điện rồi đốt nến chẳng khác nào tay này thu rác tay kia xả rác. Nến chủ yếu được làm từ hợp chất paraffin, khi đốt cháy sẽ tạo ra khói độ. Tiếp xúc thường xuyên với khói này có nhiều nguy cơ mắc ung thư, hen và nấm. Chất paraffin cũng độc không kém hóa chất toluene, dùng làm chất nổ, và benzene, một trong những chất độc có trong xăng dầu.