Tết này, đường Hồ Chí Minh về đến Ðất Mũi

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường (đứng giữa) và lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh kiểm tra hiện trường dự án đoạn Năm Căn – Ðất Mũi
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường (đứng giữa) và lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh kiểm tra hiện trường dự án đoạn Năm Căn – Ðất Mũi
TP - Nếu huyền thoại của thế hệ cha ông là “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đuổi giặc giã khỏi biên cương, thì cháu con hôm nay đang tiếp tục bạt núi, băng rừng xây dựng đường Hồ Chí Minh hiện đại, xua đuổi đói nghèo... Tết này, tuyến đường mang tên Bác sẽ tiếp tục viết nên huyền thoại khi về đến cực Nam của Tổ quốc.

Gấp rút thông đường cho dân đón Tết

Nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”. Bao lâu nay, để đến được vùng đất Mũi, ngắm cột mốc có gắn tọa độ quốc gia (GPS 0001, ở xóm Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển), khách thập phương phải chịu bao vất vả vì sông ngòi, kênh rạch ngăn cách. Nhưng không lâu nữa, chính nơi đây, đường Hồ Chí Minh sẽ vươn tới, đánh dấu sự kiện tuyến đường bộ huyết mạch đầu tiên vươn tới tận mũi Cà Mau.

Dự án có tên gọi đầy đủ là Ðường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Ðất Mũi, được Bộ GTVT giao cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh triển khai từ tháng 4/2009 với vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng. Ðến năm 2011, tình hình kinh tế khó khăn, dự án nằm trong diện dừng, giãn tiến độ đến tận năm 2014 mới tiếp tục được thi công.

Dự án triển khai trong nhiều khó khăn. Những cán bộ đầu tiên tham gia dự án này của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh kể lại: Lúc khảo sát, đo đạc để mở tuyến thi công, các kỹ sư, công nhân nhiều ngày phải băng rừng lầy lội, ngủ đêm cùng ... muỗi. Nhưng những vất vả không sá gì với niềm vui rạng ngời của những người dân đang từng ngày mong có được con đường.

Khi bắt tay vào thi công, địa hình phức tạp, lầy lội, kênh rạch chằng chịt trở thành thách thức thực sự. Trong đó, đoạn qua huyện Năm Căn, Ngọc Hiển (Cà Mau) bao bọc bởi biển Ðông và biển Tây, công tác thi công còn chịu ảnh hưởng thất thường của thủy triều. Vì thế, nhiều nhà thầu phải cải tạo kênh rạch để mở đường vận chuyển vật liệu từ tỉnh khác về thi công. Mặt khác, tuyến được xây dựng hoàn toàn trên nền đất yếu nên quá trình thi công phải xử lý chống lún để đảm bảo điều kiện nền đường ổn định toàn khối và độ lún còn lại ở mức cho phép.

Trong đợt kiểm tra dự án đầu tháng 12/2015, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu: Dù điều kiện thi công khó khăn, nhưng Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và nhà thầu phải nhanh chóng tìm giải pháp phù hợp đảm bảo tiến độ và chất lượng. Các hạng mục cần hoàn thành để kịp thông xe để phục vụ bà con đón Tết; việc láng nhựa sẽ bắt đầu sau Tết và hoàn thành toàn tuyến vào tháng 6/2016.

Giúp dân xóa nghèo, đưa khách thập phương về đất Mũi

Là mảnh đất xa xôi tận cùng của Tổ quốc, suốt hai thời kỳ kháng chiến, dù bị bom đạn, chất độc hóa học tàn phá nặng nề, người dân Cà Mau vẫn kiên trung đi theo Cách mạng. Ðất nước hòa bình, đổi mới, người dân mong mỏi một con đường xuyên suốt, nối liền, đưa huyện Ngọc Hiển thoát khỏi thế ốc đảo. Và tuyến đường Hồ Chí Minh tới đây sẽ thỏa niềm mong ước đó.

Chính vì vậy, tại lễ khánh thành cầu Năm Căn và một số công trình cầu, đường khác thuộc dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn - Ðất Mũi) vào tháng 2/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Các công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã hiện thực hóa được ước mơ ngàn đời của đồng bào ở huyện Năm Căn, huyện Ngọc Hiển và đồng bào của tỉnh Cà Mau cũng như cả nước là qua sông không phải lụy đò. Bên cạnh đó, các cầu này được đưa vào sử dụng sẽ là điều kiện đặc biệt quan trọng để huyện Ngọc Hiển, huyện Năm Căn và tỉnh Cà Mau phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, bền vững hơn và đảm bảo an ninh quốc phòng tốt hơn, nâng cao đời sống nhân dân.

Tại lễ khánh thành cầu Năm Căn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, các đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công, cán bộ, kỹ sư, người lao động,… làm việc ngày đêm trên công trường; đồng thời đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong tỉnh Cà Mau để các công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.