World Cup luận anh hào: Nam Môn ôm chí lớn, Anh phái xuất thần uy

0:00 / 0:00
0:00
World Cup luận anh hào: Nam Môn ôm chí lớn, Anh phái xuất thần uy
TP - Tạm gác chuyện nay để nói chuyện xưa. Đã lâu lắm rồi, không biết tự khi nào trong dân gian có một trò chơi kỳ quái. Vào lúc nông nhàn, đám lương dân tụ họp nhau lại đá trái cầu vào mục tiêu. Trái cầu có nơi bện bằng cỏ, có nơi bằng vải, lại có nơi dùng bong bóng heo, mục tiêu thì chỗ dựng cọc gỗ, chỗ làm lỗ tròn trên cao. Tuy mỗi nơi có sự sai khác, nhưng đại để cách thức giống nhau.

Cho tới một ngày, ở Âu châu, nơi nhân khí cường thịnh nhất trong ngũ châu thế giới, tại một nước gọi là Anh Cát Lợi (Anh), có bậc cao nhân dày công nghiên cứu, biến nó thành một giáo phái gọi là túc cầu, lại tạo nên những thuật pháp môn kỳ ảo, thâm thúy cao xa mà diệu dụng vô cùng, chẳng mấy chốc đã lôi kéo hàng triệu người cùng tu tập. Qua nhiều năm túc cầu tách ra nhiều môn phái có chính có tà, phương pháp tu luyện cũng khác nhau, kẻ thích cường công người ưa phòng thủ, biến hóa khôn lường.

Được biết đến là tổ sư khai phái có lịch sử lâu đời, tưởng như Anh Cát Lợi có thể độc bá giang hồ, lên ngôi bá chủ, thế mà trầy trật qua hàng chục năm mới có thành tựu. Đó là năm 66, khi đám Trắc Tông (Charlton), Mã Lợi (Moore) lãnh hội quán thông hết thảy các kiếm thuật pháp đạo cổ xưa, đánh bại mọi kẻ đối địch để độc bá thiên hạ, trở thành lãnh tụ các môn phái, thanh thế Anh Cát Lợi đại thịnh.

Ai mà ngờ hơn nửa thế kỷ sau đó, Anh Cát Lợi không chỉ không phát dương quang đại mà ngày một suy vi, tuy không đến nỗi lay lắt nhưng không khỏi bị kẻ khác coi thường. Đám hậu bối tuy vẫn mơ về một ngày nhất bộ đăng thiên, khôi phục uy danh xưa cũ nhưng trời già trêu ngươi, cho dù cao thủ như mây, thực lực không kém, vẫn bất khả chiến thắng.

Vài năm trở lại đây, từ ngày Nam Môn (Southgate) chấp chưởng, dốc sức vì môn phái, hết lòng chỉ dạy đệ tử, nghiêm khắc tuyển chọn nhân tài, Anh Cát Lợi mới có chút tăng tiến. Bốn năm trước tại Nga La Tư vào đến tứ cường thế giới, đến năm ngoái ở Ôn Bố Lợi (Wembley) lại suýt thống trị Âu châu. Thế nhưng tới đây, những người kiến văn quảng bác đều cho rằng Nam Môn tài nghệ chỉ đến vậy, tới chung kết đã là điểm tới hạn của y rồi.

Tất nhiên Nam Môn không cho là thế. Lần này đến Ca Tháp Nhĩ, y muốn Anh Cát Lợi trở lại ngôi bá chủ mới nghe. Hôm ấy tại võ trường Kha Lịch Pháp (sân Khalifa), Nam Môn toàn thân mặc trường bào màu xám, khí độ trang nghiêm, rất có phong thái tông sư. Phía sau là đám đệ tử vận đồ trắng, đi đầu là đại đồ đệ Hạp Lý Cân (Harry Kane), dáng vẻ anh tuấn tiêu sái, kế đến là Bá Linh Hàm (Bellingham), Phố Đan (Foden), những thiếu niên kỳ tài được coi là ngàn năm có một.

Khi bọn Anh Cát Lợi tới trước võ đài bỗng thấy nơi chính điện có một chiếc ghế bằng gỗ tử đan chạm trổ cầu kỳ đang để trống. Vậy nó dành cho ai, chẳng phải Anh Cát Lợi hay sao? Không nói không rằng, Nam Môn cùng các đệ tử kéo ùa cả lên.

Bỗng đâu cát vàng thổi bay mù mịt, từ đâu hiện ra hơn chục bóng áo đỏ hiện ra, diện mạo dữ dội phi thường. Té ra là Y Lãng (Iran), một bang phái rất có thế lực ở châu Á, lại không xa Ca Tháp Nhĩ mấy nên vượt đường tiến sang.

Bọn Nam Môn hơi khựng lại, cười nhạt rồi khẽ vẫy tay ra hiệu. Chỉ thấy hàn quang vừa lóe, luồng cự chưởng hồn hậu đã ập xuống đám người Y Lãng. Không biết bọn Y Lãng sống chết thế nào, chờ xem hồi sau mới rõ.

MỚI - NÓNG