Washington vẫn cần Bắc Kinh 'ghì cương' Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
Bốn bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc họp báo chung ngày 18/3 Ảnh: NYT
Bốn bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc họp báo chung ngày 18/3 Ảnh: NYT
TP - Cố gắng kết nối với Triều Tiên nhưng bị khước từ, Mỹ kêu gọi các nước trong khu vực giúp sức để gây sức ép với Bình Nhưỡng. 

Với chuyến thăm đến châu Á hôm 18/3, các quan chức Mỹ đang thúc đẩy quan hệ liên minh quốc tế một phần để ngăn chặn mối đe doạ ngày càng lớn từ năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Nhưng quốc gia đang có khả năng gây tác động nhiều nhất đến Bình Nhưỡng chính là nước mà Tổng thống Mỹ Joe Biden coi là đối thủ: Trung Quốc.

Sau các cuộc gặp ở Nhật Bản và Hàn Quốc vừa qua, chính quyền Biden có thể thấy mình lại rơi vào bế tắc ngoại giao như chính quyền của những người tiền nhiệm Barack Obama và Donald Trump.

“Trong vấn đề Triều Tiên, hoạt động tiếp cận và gắn kết quan trọng nhất mà chúng tôi đang làm là với các đồng minh và đối tác. Đó là một trong những lý do chúng tôi ở đây”, Yonhap dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với báo giới sau cuộc hội đàm ở Seoul ngày 18/3 cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và hai đồng cấp Hàn Quốc.

Ông Blinken cho biết chính quyền Biden đang tham vấn chặt chẽ với các chính phủ Hàn Quốc, Nhật và các quốc gia đồng minh khác cùng chia sẻ mối bận tâm về Triều Tiên. Nhưng Trung Quốc vẫn là nước có ảnh hưởng lớn nhất với Triều Tiên về kinh tế và chính trị, và ông Blinken thừa nhận rằng Bắc Kinh “đóng vai trò quan trọng” trong bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào với Bình Nhưỡng. Ông gợi ý rằng Trung Quốc cũng quan ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. “Trung Quốc cũng có lợi ích thực sự trong việc giúp chúng tôi làm việc này. Vì thế chúng tôi trông mong Bắc Kinh đóng vai trò thúc đẩy, vì lợi ích của tất cả mọi người”, ông Blinken nói.

Việc Mỹ có thể thuyết phục Trung Quốc tham gia vào vấn đề Triều Tiên hay không sẽ trở nên rõ ràng hơn sau cuộc gặp ngày 19/3 tại Anchorage, Alaska, khi hai quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc gặp ông Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Giới chức Mỹ coi cuộc gặp này là dịp trao đổi thẳng thừng về quan điểm chính sách.

Cách kiềm chế Triều Tiên sẽ là một trong những vấn đề được bàn tới ở Anchorage. Đó là một trong vài lĩnh vực mà giới chức Mỹ tin là có thể hợp tác với Trung Quốc, trong khi chính quyền Biden tiếp tục đối đầu với “sự bành trướng quân sự và chèn ép kinh tế” của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ông Blinken trước đó gọi Trung Quốc là “phép thử địa chính trị lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ 21” và chính quyền Biden đưa ra những cảnh báo và trừng phạt tài chính với Bắc Kinh.

“Cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc là điều hợp lý, vì Trung Quốc có ảnh hưởng về kinh tế và chính trị với Triều Tiên cũng như sức mạnh tổng thể ở khu vực”, ông Frank Aum, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Hoà bình tại Washington, nói với New York Times.

Thái độ của Triều Tiên: ẩn số

Nhưng ông Aum lưu ý rằng Trung Quốc không thể kiểm soát những yêu cầu mà Triều Tiên đưa ra để đổi lấy việc giải trừ vũ khí, bao gồm việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt và chấm dứt tập trận chung với Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rất ủng hộ Mỹ tái khởi động đàm phán ngoại giao với Triều Tiên và các cường quốc khu vực khác. Ông nhiều lần nói rằng một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân là điều có thể xảy ra, và cho rằng ông Kim sẵn sàng từ bỏ vũ khí để tập trung phát triển kinh tế nếu Washington tạo ra động lực đúng.

Triều Tiên chưa thực hiện vụ thử vũ khí đáng kể nào từ tháng 3 năm ngoái. Nhưng trong cuộc diễu binh vào tháng 10 năm ngoái, nước này khoe một tên lửa đạn đạo liên lục địa mới chưa được thử nghiệm, trông lớn và nguy hiểm hơn loại tên lửa liên lục địa mà nước này thử vào cuối năm 2017, trước khi ông Kim bắt đầu các hoạt động ngoại giao với ông Trump.

Tháng 1 năm nay, ông Kim tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng năng lực hạt nhân của đất nước. Ông tuyên bố sẽ chế tạo các tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn mới và cải tiến đầu đạn hạt nhân để chúng nhẹ hơn và chính xác hơn.

MỚI - NÓNG